Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ cân nhắc lập ngân sách bổ sung đối phó với dịch corona-19

2020-02-25

Tin tức

Chính phủ cân nhắc lập ngân sách bổ sung đối phó với dịch corona-19

Hàn Quốc sẽ lập ngân sáchbổ sung để ngăn chặn dịch bệnh

Ngày 25/2, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho biết Chính phủ sẽ thảo luận với Phủ Tổng thống và đảng cầm quyền để lập đối sách bổ sung đối phó với dịch corona-19, trong đó bao gồm cả phương án lập ngân sách bổ sung. Quy mô ngân sách đối phó dịch bệnh được cho là từ 10.000 tỷ won (8,25 tỷ USD) đến 15.000 tỷ won (12,3 tỷ USD). Con số cụ thể sẽ được công bố sau khi tập hợp kế hoạch của các bộ phận Chính phủ. Nếu Hàn Quốc lập ngân sách bổ sung với quy mô “siêu lớn” là 10.000 tỷ won thì sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho Chính phủ. Hơn nữa, hiện mới đang là quý I, vẫn còn sớm để phân bổ và giải ngân khoản ngân sách bổ sung. Ngân sách cho năm 2020 có quy mô lớn là 512.500 tỷ won (423 tỷ USD), cao hơn nhiều so với những năm trước, trong khi nguồn thu từ thuế của Chính phủ dự kiến sẽ giảm vì kinh tế trong nước chững lại do ảnh hưởng của dịch corona-19. Tuy vậy, các đảng không hề bất đồng nhiều về việc lập ngân sách bổ sung, vì tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Các hoạt động kinh tế nội địa đã sụt giảm sau khi số ca nhiễm dịch corona-19 tăng vọt. Doanh thu của các hộ kinh doanh tự do giảm mạnh, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Điều này làm dấy lên lo ngại tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ chững lại. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm giải ngân cho ngành y tế để đẩy mạnh hoạt động kiểm dịch, cách ly và điều trị bệnh nhân. Trước mắt, Chính phủ sẽ nhanh chóng giải ngân khoản ngân sách dự phòng quy mô 2.000 tỷ won (1,6 tỷ USD) để đối phó quyết liệt với dịch bệnh.


Khoản ngân sách đối phó với bệnh truyền nhiễm

Tính đến nay, Chính phủ đã có ba lần phân bổ ngân sách bổ sung trong quý I, cụ thể là quý I năm 1998 và 1999 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, và quý I năm 2009 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước đây, Chính phủ cũng từng lập ngân sách bổ sung khi virus Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) lây lan năm 2003, và dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) bùng phát năm 2015. Khi đó, quy mô ngân sách bổ sung là 11.600 tỷ won (9,5 tỷ USD), bao gồm cả 5.600 tỷ won (4,6 tỷ USD) bù đắp cho thất thu thuế. Chính phủ còn rót thêm khoảng 10.000 tỷ won (8,25 tỷ USD) từ việc đổi mục đích sử dụng vốn của các quỹ, sử dụng khoản đóng góp của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và khối tư nhân. Tức là quy mô ngân sách 22.000 tỷ won (18,1 tỷ USD) đã được bổ sung để ứng phó với dịch MERS. Khi đó, khoảng 2.500 tỷ won (2 tỷ USD) đã được phân bổ để ngăn chặn dịch bệnh và hỗ trợ các lĩnh vực chịu thiệt hại. Cụ thể, khoản ngân sách này đã được sử dụng để bổ sung trang thiết bị như phòng cách ly áp lực âm, hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện bị thiệt hai, hỗ trợ vốn cho các cơ quan y tế và ngành du lịch. Ngoài ra, Chính phủ còn lập ngân sách 1.200 tỷ won (990 triệu USD) giúp ổn định cuộc sống của người dân có thu nhập thấp; và phân bổ 1.700 tỷ won (1,4 tỷ USD) để xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi virus SARS lây lan vào năm 2003, Chính phủ đã lập ngân sách bổ sung quy mô 4.200 tỷ won (3,46 tỷ USD).


Tổng thống kêu gọi giảm thiểu thiệt hại do dịch corona-19

Chủ trì cuộc họp đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống ngày 24/2, Tổng thống Moon Jae-in chỉ thị cân nhắc phương án lập ngân sách bổ sung, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế địa phương đang bị co hẹp. Theo đó, Chính phủ sẽ công bố gói đối sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch bệnh vào ngày 28/2 tới. Các chuyên gia vừa bày tỏ lo ngại về gánh nặng tài chính, vừa nhất trí cần phân bổ ngân sách bổ sung vì tình hình hiện tại rất nghiêm trọng. Quy mô ngân sách khoảng 10.000 tỷ won đã được xây dựng dựa trên giả định tình hình dịch bệnh được kiểm soát từ cuối tuần này. Như vậy, nếu diễn biến dịch trở nên trầm trọng hơn, Chính phủ sẽ phải tăng quy mô ngân sách bổ sung.

Lựa chọn của ban biên tập