Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhật Bản quyết định xả nước thải từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển

2021-04-17

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/4 bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nhật Bản quyết định xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima ra biển, chỉ trích Tokyo đã đơn phương ra quyết định mà không hề thảo luận đầy đủ với nước láng giềng gần nhất là Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc về chủ quyền của Nhật Bản, Chính phủ Seoul dự kiến sẽ không có biện pháp nào để ngăn chặn Tokyo, mà sẽ tập trung đối phó bằng cách kiểm chứng tính an toàn của nước thải mà Nhật Bản xả ra biển.

 

Nước thải nhiễm xạ

Chính phủ Nhật Bản ngày 13/4 đã mở cuộc họp Nội các, thông qua phương án xả nước thải nhiễm xạ đang được trữ trong bể chứa đặt ở nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 ra biển. Trước khi xả ra biển, Tokyo sẽ sử dụng thiết bị khử đa nguyên tử (ALPS) để loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ. Nhưng do thiết bị này không lọc được chất phóng xạ tritium, nên Nhật Bản sẽ hòa loãng nước thải với nước để hạ nồng độ tritium xuống mức 1.500 becquerel/lít rồi mới xả ra biển, bằng 1/40 quy định của nước này về nồng độ cho phép xả tritium ra biển là 60.000 becquerel/lít. Dự kiến sẽ mất khoảng hai năm từ nay cho tới khi nước này xả nước thải ra biển trên thực tế, do cần thời gian hoàn tất quy trình thẩm định, phê chuẩn tại Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử. Quá trình xả thải sẽ diễn ra trong khoản thời gian dài, cho tới năm 2041-2051, thời điểm mà Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn tất công tác phá dỡ nhà máy điện nguyên tử Fukushima.

 

Bối cảnh

Nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị phát nổ vào tháng 3 năm 2011 do ảnh hưởng của trận siêu động đất sóng thần tàn phá miền Đông nước Nhật. Sau đó, Nhật Bản đã bơm nước biển vào bên trong nhà máy để làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân, dẫn tới phát sinh nước thải nhiễm xạ. Trong thời gian qua, Tokyo trữ nước thải nhiễm xạ trong bể chứa trên đất liền. Tuy nhiên, lượng nước thải đã lên tới hơn 1,25 triệu tấn, sắp sửa vượt công suất của bể chứa, nên Chính phủ Nhật Bản phải vội vàng xem xét vấn đề xả nước thải ra biển. Trong thời gian qua, nước này đã dò xét dư luận để tính toán về thời điểm ra quyết định chính thức. Bối cảnh khiến Tokyo ra quyết định lần này được phân tích là mang nhiều dụng ý khác nhau, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Tháng 7 tới đây sẽ diễn ra Thế vận hội mùa hè Tokyo, tháng 10 có cuộc bầu cử Hạ viện. Do đó, đây là thời điểm hết sức quan trọng, quyết định vận mệnh của Chính phủ Thủ tướng Suga Yoshihide. Điều này khiến Chính phủ Tokyo bất chấp ý kiến chỉ trích để chọn phương pháp dễ dàng nhất là xả nước thải ra biển, giải quyết vấn đề đau đầu kéo dài này.

 

Tính nguy hiểm và lập trường của Hàn Quốc

Nhật Bản lập luận rằng các quốc gia sở hữu nhà máy điện nguyên tử khác cũng đang xả nước làm mát, trong đó có chứa chất phóng xạ tritium, ra biển. Tokyo sẽ hòa loãng nước thải từ nhà máy Fukushima xuống mức thấp hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép, nên việc xả thải sẽ không có vấn đề gì lớn. Mặc dù vậy, việc Tokyo xả một lượng nước thải khổng lồ ra biển lại là chuyện hoàn toàn khác. Tritium là một chất nguy hiểm có thể gây ung thư khi xâm nhập vào cơ thể con người. Hàn Quốc là nước gần nhất với Nhật Bản. Theo một nghiên cứu, nếu Nhật Bản xả nước thải ra biển thì 7 tháng sau sẽ ảnh hưởng tới vùng biển gần đảo Jeju, 18 tháng sau ảnh hưởng tới phần lớn vùng biển phía Đông Hàn Quốc. Chính vì sự nguy hiểm này mà Chính phủ Seoul đã ngay lập tức triệu mời Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc để phản đối quyết liệt quyết định của Tokyo. Tuy nhiên, Seoul không có phương tiện nào hiệu quả để ngăn chặn Tokyo xả nước thải ra biển. Mỹ hay Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nơi mà Nhật Bản đang đóng góp lớn về tài chính, đang bao che cho nước này. Chỉ có một số ít quốc gia là phản đối quyết liệt như Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo đó, dự kiến Chính phủ Seoul sẽ tập trung yêu cầu Tokyo phải có biện pháp cụ thể để phòng ngừa thiệt hại tới sự an toàn của người dân và ô nhiễm môi trường biển, hợp tác với cộng đồng quốc tế, như IAEA, để kiểm chứng về tính an toàn của nước thải mà Tokyo xả ra biển.

Lựa chọn của ban biên tập