Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hai năm kể từ khi Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu

2021-07-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Trong vòng hai năm kể từ khi Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu, Hàn Quốc đã giảm được mức độ phụ thuộc vào Tokyo ở các mặt hàng vật liệu, linh kiện, trang thiết bị quan trọng, đạt bước tiến lớn trong việc nội địa hóa, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, những thành quả này vẫn chưa đủ để cải thiện thâm hụt thương mại giữa Seoul với Tokyo.

 

“Bảng thành tích”

Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc ngày 1/7 công bố báo cáo “Thành quả hai năm đẩy mạnh năng lực cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị”, nhân dịp tròn hai năm ngày Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc (1/7/2019-1/7/2021).

Ba mặt hàng nằm trong danh mục mà Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc là khí ăn mòn, nhựa nhiệt dẻo và chất cản tia cực tím, đã giảm đáng kể mức độ phụ thuộc vào Tokyo. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu khí ăn mòn trong 5 tháng đầu năm nay đạt 4,6 triệu USD, giảm tới 83,6% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu. Nhập khẩu nhựa nhiệt dẻo từ Nhật Bản trên thực tế đã chuyển sang bằng “0” do các doanh nghiệp trong nước sử dụng vật liệu thay thế là kính siêu mỏng (Ultra Thin Glass - UTG). Hàn Quốc cũng thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu chất cản tia cực tím từ Nhật Bản, do tăng nhập khẩu từ Bỉ lên gấp 12 lần. Mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản với 100 mặt hàng quan trọng đã giảm từ 31,4% của hai năm trước xuống 24,9%, tức giảm 6,5%. Mặc dù trước đó, mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản đối với các mặt hàng này liên tục có chiều hướng giảm, nhưng tốc độ giảm đã nhanh hơn nhiều kể từ năm 2019. Mức độ phụ thuộc toàn bộ ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị giảm 0,9%, từ 16,8% xuống 15,9%. Bên cạnh đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 3,1%, chuỗi cung ứng của Hàn Quốc đã được đa dạng hóa hơn nhiều.

Mặt khác, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, sự hợp tác của các doanh nghiệp có nhu cầu, các doanh nghiệp ở lĩnh vực vật liệu, linh kiện, trang thiết bị đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong quý I năm nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đã tăng 20,1% so với quý I/2019, cao hơn nhiều so với mức tăng doanh thu bình quân của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết là 12,7%. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tầm trung ở lĩnh vực này có giá trị vốn hóa thị trường trên 1.000 tỷ won (883 triệu USD) tăng từ 13 nơi năm 2019 lên 31 nơi.

 

Kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản và thâm hụt thương mại gia tăng

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản và quy mô thâm hụt thương mại lại gia tăng trở lại. Trong vòng từ tháng 1-5 năm nay, thâm hụt thương mại với Tokyo đạt 10 tỷ USD, tăng 35% so với mức 7,4 tỷ USD của năm ngoái. Trong khi xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, thì nhập khẩu đạt 21,7 tỷ USD, tăng tới 17,8%. Nhập khẩu tăng trở lại được phân tích là bởi phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại Hàn Quốc đang im ắng dần. Trước đó, nhập khẩu ô tô và các mặt hàng tiêu dùng như bia, mỹ phẩm, quần áo đã giảm mạnh do phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản trong nước, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay lại đạt 1,3 tỷ USD, tăng tới 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tiếp tục xu hướng này thì quy mô thâm hụt thương mại với Nhật Bản của cả năm 2021 sẽ quay về ngưỡng trước khi nổ ra phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Xét cho cùng thì mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản vẫn đang rất cao.

 

Đối phó của Chính phủ và doanh nghiệp

Giới chuyên gia chỉ ra rằng Chính phủ Seoul cần nỗ lực hơn nữa để thay đổi căn bản “thể chất” thương mại Hàn Quốc dựa trên thành quả nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị trong hai năm qua; xúc tiến dựa trên tầm nhìn dài hạn. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki cho biết Chính phủ sẽ sớm công bố “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp pin thứ cấp cho tới năm 2030”. Trong kế hoạch này sẽ có nội dung về việc xúc tiến nghiên cứu và phát triển quy mô lớn giữa khối Nhà nước và tư nhân ở lĩnh vực công nghệ pin thứ cấp thế hệ mới, công nghệ cốt lõi ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị dùng cho pin thứ cấp, năng lực công nghệ về pin lithium-ion.

Lựa chọn của ban biên tập