Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ra mắt Hội đồng công-tư thảo luận về giải pháp bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

2022-07-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 4/7 đã cho ra mắt và tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng công-tư thảo luận về giải pháp bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Hội đồng gồm 12 người, là đại diện tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, luật sư của các nạn nhân, các chuyên gia, học giả, đại diện báo chí và giới doanh nghiệp.


Hội đồng công-tư

Hội nghị cùng ngày được tổ chức kín dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Cho Hyun-dong. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc từng thảo luận, lấy ý kiến của các nạn nhân và giới chuyên gia về giải pháp cho vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến, nhưng đều là các cuộc thảo luận không chính thức. Lần này, vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến sẽ chính thức được đưa ra thảo luận.


Bộ Ngoại giao cho biết tại cuộc họp cùng ngày, các thành viên trong Hội đồng đồng tình rằng cần ưu tiên thảo luận về ba vụ kiện đã có phán quyết cuối cùng của Tòa án tối cao Hàn Quốc liên quan tới vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Hiện tại, có tổng cộng 67 vụ kiện liên quan, trong đó có 9 vụ đã được trình lên Tòa án tối cao. Hội đồng công-tư sẽ thảo luận sau về các vụ kiện này, cũng như về các nạn nhân chưa đâm đơn kiện.


Đại diện phía nạn nhân đã đề nghị Chính phủ nỗ lực về mặt ngoại giao để họ có thể trực tiếp đàm phán với doanh nghiệp Nhật Bản. Ngoài ra, các nạn nhân cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản cần phải đưa ra lập trường lấy làm tiếc về hành vi cưỡng ép lao động trong quá khứ.


Nhìn chung, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng công-tư mới chỉ mang hình thức “ra mắt”, những người tham gia mới chỉ dừng lại ở việc thăm dò ý kiến lẫn nhau chứ chưa thực sự thảo luận về giải pháp nào cụ thể.


Vấn đề bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

Trong thời kỳ thực dân Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc, nhiều người lao động Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) đã bị cưỡng ép lao động nặng nhọc trong môi trường khắc nghiệt lại không được chi trả đủ tiền công.


Hiện tại, các vụ kiện đã được Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết cuối cùng là vụ kiện công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo, và công ty công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản. Tháng 10 và tháng 11 năm 2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã lần lượt ra phán quyết yêu cầu hai công ty này phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc. Hiện tại, cả hai doanh nghiệp Nhật Bản đều đang phản đối phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc và không thực thi việc bồi thường cho các nạn nhân. Vì vậy, Tòa án đã ra lệnh bán tài sản bị tịch thu trong nước của hai công ty này để lấy tiền bồi thường cho các nạn nhân.


Phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng từ chối đề nghị đàm phán trực tiếp với các nạn nhân Hàn Quốc. Một số phương án đang được nêu ra đó là lập quỹ có sự đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp tư nhân Hàn-Nhật, hoặc Chính phủ Hàn Quốc “thế quyền”, chi trả thay tiền bồi thường của doanh nghiệp Nhật Bản cho các nạn nhân.


Ý nghĩa và triển vọng

Tại cuộc họp cùng ngày, Thứ trưởng Cho nhấn mạnh sự ra mắt của Hội đồng công-tư mang ý nghĩa từ nay trở đi, khối Nhà nước và dân sự sẽ có thể trao đổi một cách cởi mở về vấn đề bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Sự trao đổi này sẽ là động lực quan trọng để giải quyết vấn đề.


Tuy nhiên, rất khó để đưa ra được một đề án thuyết phục được cả các nạn nhân và phía doanh nghiệp Nhật Bản. Các nạn nhân vẫn kiên quyết muốn trực tiếp đàm phán với doanh nghiệp Nhật, nên sẽ khó có thể tìm được giải pháp đột phá ngay lập tức.


Rất có thể lệnh bán ra tài sản của doanh nghiệp Nhật trong nước sẽ được thực thi trong mùa thu năm đây. Đây được coi là “giới hạn đỏ” trong quan hệ Hàn-Nhật. Hiện tại, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều vừa ra mắt Chính phủ mới, hai bên đều có quyết tâm giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, nhưng việc tìm ra được một đối sách trong thời gian ngắn sẽ là điều không hề dễ dàng.

Lựa chọn của ban biên tập