Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mối nhân duyên giữa cố lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Hàn Quốc

2022-09-03

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã qua đời vào ngày 30/8 (hưởng thọ 91 tuổi). Trong điện chia buồn, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ca ngợi ông Gorbachev là nhà lãnh đạo đã góp phần chấm dứt thời đại chiến tranh lạnh của mâu thuẫn và đối đầu, dẫn dắt hòa giải và hòa bình, là người tiên phong thiết lập nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Nga và Hàn Quốc ngày nay.

 

Cuộc đời cố Tổng thống Gorbachev

Ông Gorbachev sinh năm 1931 tại thành phố Stavropol, miền Tây Nam nước Nga, tốt nghiệp Đại học Luật, Đại học Matxcơva, sau đó bắt đầu con đường thăng tiến trong đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1985, ông trở thành Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô ở tuổi 54. Xét tới tình hình Liên Xô lúc đó thì ông vẫn được coi là một nhà lãnh đạo cải cách “trẻ tuổi”. Ngay sau khi ngồi trên ghế quyền lực, ông Gorbachev bắt đầu xúc tiến cải cách đầy tham vọng. Ông đã đưa ra chính sách Perestroika (cải cách, tái thiết) và Glasnost (mở cửa), thay đổi hoàn toàn thể chế Liên Xô lúc đó. Dưới ngọn cờ cải cách, mở cửa của ông Gorbachev, tình hình thế giới đã có một bước ngoặt bất ngờ. Ông đã có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan vào năm 1987, ký kết Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), tiến hành rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan, cắt giảm quân bị, và thực hiện nhiều bước đi táo bạo nhằm chấm dứt đối đầu. Trong quá trình này, làn sóng mở cửa bùng lên tại các nước cộng sản Đông Âu, các Chính phủ dân chủ lần lượt được lập ra, đưa thế giới bước ra khỏi đường hầm đen tối của thời kỳ chiến tranh lạnh.

 

Mối nhân duyên với Hàn Quốc

Thời kỳ đó, Chính phủ Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của cố Tổng thống Roh Tae-woo đang theo đuổi chính sách thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước theo chủ nghĩa cộng sản như Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu. Cánh cửa ngoại giao với Liên Xô được mở ra nhân Thế vận hội mùa hè Seoul 1988. Hai kỳ Olympic trước đó là Olympic Matxcơva 1980 và Olympic Los Angeles 1984 đã diễn ra không trọn vẹn do các nước phương Tây và phương Đông tẩy chay lẫn nhau. Trong tình hình này, Liên Xô tuyên bố tham gia Olympic Seoul và cử đoàn vận động viên quy mô lớn tham dự.

Sau đó, Hàn Quốc và Liên Xô bắt đầu đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao. Tới tháng 3/1990, ông Kim Young-sam, khi đó là Ủy viên tối cao đảng cầm quyền Dân chủ tự do, đã tới thăm Matxcơva, hội đàm với Tổng thống Gorbachev, bầu không khí thiết lập quan hệ ngoại giao dần chín muồi. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp không ít trở ngại. Trước tiên là sự phản đối mạnh mẽ từ phía Bắc Triều Tiên. Thứ hai là trong khi Liên Xô đề xuất hợp tác kinh tế trước rồi mới thiết lập quan hệ ngoại giao sau, thì Seoul thì đề xuất trình tự ngược lại. Rốt cuộc, vấn đề được giải quyết bằng một “thỏa thuận lớn” giữa lãnh đạo thượng đỉnh hai nước. Vào ngày 4/6/1990, khi đang trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Gorbachev đã hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về nguyên tắc thiết lập quan hệ ngoại giao, đó là thiết lập quan hệ song song với hợp tác kinh tế. Sau đó, quá trình đàm phán đã đạt được tiến triển nhanh chóng. Ngày 30/9/1990, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Ngoại trưởng hai nước đã ký tên vào “Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Liên Xô”. Quan hệ song phương đã phát triển một cách vượt bậc, tập trung ở khía cạnh hợp tác kinh tế. Đây chính là nền móng cho quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Hàn Quốc với các quốc gia trong Liên Xô cũ, bao gồm cả Nga, cho tới ngày hôm nay. Khi đương chức cũng như cả sau sau khi hết nhiệm kỳ, cố Tổng thống Gorbachev đã nhiều lần thăm Hàn Quốc, duy trì mối quan hệ đặc biệt với Seoul.

Lựa chọn của ban biên tập