Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhà máy điện nguyên tử được đưa vào “Hệ thống phân loại xanh Hàn Quốc”

2022-09-24

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định xếp nhà máy điện nguyên tử vào “Hệ thống phân loại xanh Hàn Quốc” (K-Taxonomy), “bật đèn xanh” cho sự hồi phục hệ sinh thái và xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử trong nước. Tuy nhiên, quyết định này đang gây lo ngại có thể châm ngòi tranh cãi gay gắt trong dư luận xã hội.

 

“Hệ thống phân loại xanh Hàn Quốc”

Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 20/9 công bố dự thảo sửa đổi “Hệ thống phân loại xanh Hàn Quốc” (K-Taxonomy). Theo dự thảo sửa đổi, lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và kiểm chứng công nghệ trọng tâm về năng lượng nguyên tử được xếp vào "lĩnh vực xanh"; lĩnh vực xây mới và tiếp tục vận hành nhà máy điện nguyên tử được xếp vào "lĩnh vực chuyển đổi". "Lĩnh vực xanh" là những hoạt động kinh tế đóng góp vào việc cải thiện môi trường, trung hòa carbon. "Lĩnh vực chuyển đổi" là các hoạt động kinh tế quá độ để chuyển đổi sang trung hòa carbon. Cụ thể, các công nghệ về điện nguyên tử bao gồm lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và nhà máy điện nguyên tử thế hệ mới, công nghệ giúp nâng cao tính an toàn như sử dụng nhiên liệu chống chịu sự cố (ATF) được coi là “lĩnh vực xanh”. Tuy nhiên, dự thảo cũng đặt ra điều kiện là các nhà máy điện nguyên tử phải có cơ sở xử lý rác thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, phải lập quỹ quản lý rác thải và chi phí phá dỡ nhà máy điện nguyên tử, thì mới được phân loại vào "Hệ thống phân loại xanh". Đối với rác thải phóng xạ hoạt độ cao thì điều kiện là phải lập kế hoạch về việc lưu trữ và xử lý, có điều khoản pháp lý để đảm bảo thực hiện kế hoạch. 

 

Bối cảnh và ý nghĩa

“Hệ thống phân loại xanh” là một tiêu chuẩn để phân loại hoạt động kinh tế nào là thân thiện môi trường, đồng thời là tiêu chuẩn quốc gia để lựa chọn đối tượng “đầu tư xanh”. Theo đó, các ngân hàng đang tham gia vào dự án thí điểm hiện nay sẽ có thể xuất vốn vay với lãi suất thấp cho các hoạt động kinh tế nằm trong “Hệ thống phân loại xanh”.


Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ tiền nhiệm từng công bố “Hệ thống phân loại xanh Hàn Quốc”, trong đó cam kết sẽ xem xét việc bao gồm nhà máy điện nguyên tử vào “Hệ thống phân loại xanh” thông qua một “thỏa thuận xã hội”. Tháng 7 năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định đưa nhà máy điện nguyên tử vào Hệ thống phân loại xanh của Liên minh châu Âu (EU) sau một quá trình tranh cãi kéo dài. Theo đó, dư luận trong nước bắt đầu có ý kiến cho rằng Hàn Quốc cũng cần đưa nhà máy điện nguyên tử vào “Hệ thống phân loại xanh” của mình. Việc Chính phủ quyết định đưa nhà máy điện nguyên tử vào “Hệ thống phân loại xanh” mang ý nghĩa chính thức công nhận điện nguyên tử là “năng lượng thân thiện môi trường”.

 

Hiệu quả kỳ vọng và tranh cãi

Có hai luồng ý kiến trái chiều về dự thảo sửa đổi “Hệ thống phân loại xanh” của Chính phủ. Giới doanh nghiệp điện nguyên tử hoan nghênh và kỳ vọng sẽ có thể mở rộng thu hút đầu tư vào toàn bộ các lĩnh vực điện nguyên tử, từ phát triển công nghệ điện nguyên tử tương lai, đầu tư thiết bị, tới bồi dưỡng nhân tài. Quyết định của Chính phủ cũng sẽ giúp ích lớn trong việc giải tỏa vướng mắc về vốn cho các doanh nghiệp, cắt giảm được lãi suất huy động vốn. Ngoài ra, quyết định này cũng “bật đèn xanh” cho việc xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử. Giờ đây, cả EU và Hàn Quốc đều công nhận năng lượng nguyên tử là năng lượng thân thiện môi trường, có thể dẫn tới sự thay đổi nhận thức của người dân. Các quốc gia khác cũng sẽ chuyển hướng sang có cái nhìn tích cực hơn với nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc. Trên thực tế, Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đang là ứng cử viên sáng giá cho dự án nhà máy điện nguyên tử tại Cộng hòa Séc và Ba Lan. Dự kiến hai nước này sẽ lựa chọn nhà thầu vào năm 2023.

 

Trong khi đó, các tổ chức môi trường phản đối mạnh mẽ quyết định của Chính phủ, nêu ra lo ngại về rò rỉ phóng xạ và vấn đề bảo quản nhiên liệu hạt nhân, xử lý rác thải phóng xạ. Có ý kiến còn lo ngại chính sách năng lượng của Chính phủ đương nhiệm đang thiên về điện nguyên tử, sẽ cản trở tới việc mở rộng năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon. Đặc biệt, việc Bộ Môi trường thêm điện nguyên tử vào “Hệ thống phân loại xanh” khi chưa hề trưng cầu ý kiến đầy đủ trong dư luận xã hội dự kiến sẽ gây ra tranh cãi lớn.

Lựa chọn của ban biên tập