Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc nỗ lực bình ổn giá gạo

2022-10-01

Tin tức

ⓒKBS News

Đối sách bình ổn giá gạo

Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc ngày 25/9 công bố “Đối sách ổn định giá gạo”, trong đó có nội dung mua vào 450.000 tấn gạo trong mùa thu hoạch từ tháng 10 tới tháng 12 năm nay. Tổng ngân sách để mua gạo là 1.000 tỷ won (694 triệu USD). Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) cho biết lượng gạo thu hoạch năm ngoái vẫn còn dư 100.000 tấn sau tháng 11, trong khi sản lượng gạo dư thừa năm nay ước đạt 250.000 tấn. Ngoài 350.000 tấn này, Bộ Nông lâm quyết định mua thêm 100.000 tấn để cách ly khỏi thị trường. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, Chính phủ Hàn Quốc mua vào cả gạo mới thu hoạch trong năm và gạo cũ từ vụ trước kể từ sau năm 2009. Quy mô mua vào lần này là cao nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chế độ Nhà nước dự trữ gạo vào năm 2005. Nếu bao gồm lượng gạo đang dự trữ là 450.000 tấn thì với quyết định lần này, tổng lượng gạo bị cách ly khỏi thị trường sẽ đạt 900.000 tấn, bằng 23,3% tổng sản lượng dự kiến trong cả năm 2022, mức cao nhất kể từ sau năm 2005.

 

Bối cảnh

Việc Chính phủ Hàn Quốc đề ra phương án “cách ly thị trường” với lượng gạo quy mô lớn như trên được diễn ra trong bối cảnh người nông dân trong nước đang lao đao vì giá gạo lao dốc. Theo Bộ Nông lâm, giá gạo đã bắt đầu xu hướng giảm từ tháng 10 năm ngoái. Tới ngày 15/9 vừa qua, một bao gạo 20 kg có giá 40.725 won (28 USD), giảm tới 24,9% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu kỷ lục trong lịch sử thống kê liên quan từ năm 1977.

Thứ trưởng Bộ Nông lâm Kim In-joong cho biết vào năm 2017, thời điểm Chính phủ thực thi biện pháp bình ổn giá gạo tương tự như lần này, giá gạo sau đó đã tăng từ 13-18%. Bộ Nông lâm kỳ vọng với biện pháp lần này, giá gạo cũng sẽ sớm hồi phục về ngưỡng thích hợp.

  

Luật quản lý ngũ cốc

Trong khi đó, chính giới Hàn Quốc lại đang tranh cãi gay gắt về dự thảo sửa đổi Luật quản lý ngũ cốc tại Quốc hội. Dự thảo sửa đổi này do đảng đối lập Dân chủ đồng hành đề xuất, trong đó có nội dung Chính phủ bắt buộc phải mua vào lượng gạo sản xuất dư thừa, nếu sản lượng gạo dư thừa chiếm trên 3% tổng sản lượng gạo của vụ đó, hoặc khi giá gạo giảm trên 5%. Hiện tại, trong luật hiện hành cũng có điều khoản tương tự nhưng không mang tính chất bắt buộc.

Tuy nhiên, đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân lại phản đối do lo ngại tác dụng phụ từ dự thảo này. Đảng cầm quyền cho rằng việc giá gạo trong nước giảm bất chấp xu hướng tăng giá ngũ cốc quốc tế là do sản lượng dư thừa, thêm vào đó là việc Hàn Quốc có nghĩa vụ nhập khẩu gạo theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mỗi năm, Chính phủ lại phải chi hàng nghìn tỷ won (hàng tỷ USD) để bù đắp giá gạo cho người nông dân. Nếu sửa đổi luật thì sẽ lại càng khuyến khích người nông dân canh tác lúa, sản lượng lại tiếp tục dư thừa, và giá gạo lại giảm tiếp, rơi vào vòng luẩn quẩn không có hồi kết.

Hiện tại, gạo trong nước tồn dư nhiều, sản lượng tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo lại giảm. Do vậy, việc ổn định giá gạo là điều không hề dễ dàng. Có ý kiến chỉ ra rằng Chính phủ cần lập đối sách căn bản hơn để ổn định giá gạo trong dài hạn, như khuyến khích người nông dân tích cực chuyển đổi canh tác từ cây lúa sang các loại cây trồng khác như lúa mạch, đậu tương.

Lựa chọn của ban biên tập