Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Mua sách cũ ở Hàn Quốc và thông tin về “Phong trào làng mới Semaul”

2011-12-25

1. Mua sách cũ ở Hàn Quốc

Câu hỏi 1Mình vừa trải qua kỳ học đầu tiên của khoá học thạc sĩ chuyên ngành Xã hội học tại Hàn Quốc. Chưa khi nào mình lại học hành vất vả và căng thẳng đến như vậy. Ngoài thời gian ăn và ngủ thì hầu như suốt gần 4 tháng liền mình chỉ ở trên trường để học. Vậy mà cũng tiến bộ chẳng bao nhiêu. Có lẽ do chưa quen với nhịp điệu sinh hoạt ở đây và cũng là do trình độ tiếng Hàn của mình chưa “siêu sao”. Vì vậy dịp nghỉ đông này mình quyết định không về Việt Nam, sẽ mài dùi kinh sử ở thư viện và nhà trọ. Mình sẽ đọc trước các sách cần thiết cho những môn học của kỳ sau. Sách mà chuyên ngành mình đang theo học có nhiều lắm, mà mình thấy cuốn nào cũng hay cũng cần cả. Dĩ nhiên mình có thể mượn thư viện về đọc nhưng mình lại muốn sở hữu chúng để tiện cho việc học hơn và cũng muốn giữ để sau này vẫn cần dùng đến. Nhưng sách đắt quá nên mình định mua sách cũ. Xin cho mình biết ở Seoul cho nào có thẻ mua được nhiều sách cũ tốt với giá rẻ.
Trả lời 1
Nghe tâm sự của bạn là chúng tôi đã hình dung ra ngay bạn ham học tới mức nào rồi. Câu hỏi của bạn cũng là băn khoăn của nhiều du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đấy. Đúng như bạn nói, giá sách rất đắt. Nếu mà mua theo sở thích và nhu cầu thì chắc chúng ta sẽ tốn một khoản phí không hề nhỏ. Vậy nên giải pháp chọn mua sách cũ là thượng sách đấy bạn ạ. Không chỉ du học sinh chúng ta mà ngay cả những người Hàn Quốc cũng rất ưa dùng sách cũ.

Nói là sách cũ nhưng còn rất mới và sử dụng tốt. Nếu khéo chọn và may mắn thì bạn còn có thể mua được những cuốn gần như mới nguyên. Sách của Hàn Quốc được in ấn khá tốt nên dù có sờn cũ thì vẫn hoàn toàn có thể dùng được, chữ không bị mờ đi nên không ảnh hưởng gì tới việc học của bạn. Hầu như sách không bị rách, mất trang, có chăng chỉ là những phần gạch chân đánh dấu bằng bút chì hay bút màu của chủ nhân trước mà thôi.

Với mỗi loại sách giá lại khác nhau chứ không có quy chuẩn nào đâu bạn ạ. Giá sách cũ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như còn mới bao nhiêu %, cuốn sách đó hiện đang còn được tái bản bán trên thị hay không...nhưng thông thường rất rẻ so với giá bìa, thậm chí có cuốn còn được giảm tới 90% . Tuy nhiên có những cuốn không còn tái bản, thuộc loại quý hiếm thì có khi còn đắt gấp nhiền lần giá trị gốc của nó.

Mua sách cũ có hai cách bạn ạ. Nếu bạn có thời gian thì bạn nên trực tiếp đến các cửa hàng bán sách cũ. Bạn không nói bạn đang ở khu vực nào của Seoul nên chúng tôi không chỉ dẫn được cho bạn hiệu sách cụ thể. Tuy nhiên chỉ cần vào internet gõ chữ “헌책방”(hiệu sách cũ) đi kèm với tên khu vực mà bạn đang sống thì tên và địa chỉ của các hiệu sách sẽ hiện lên rất rõ ràng. Quy mô, đặc tính của mỗi hiệu sách có khác nhau bạn ạ. Ở Seoul có một khu tập trung rất nhiều cửa hàng bán sách cũ. Bạn đi tàu điện ngầm tuyến số 4 xuống ở ga Dongdaemun, ra cửa số 8 đi bộ thêm một đoạn là tới. Các hiệu sách cũ ở đó được bày bán rất nhiều loại sách, sẽ khiến bạn hoa mắt lên đấy. Tuy nhiên vì quá nhiều và đa dạng nên bạn cũng khó chọn. Truyện tranh, truyện thiếu nhi, tiểu thuyết dường như là những thể loại được bày bán nhiều hơn cả. Nên có thể sẽ không làm bạn hài lòng vì bạn đang tìm các cuốn sách chuyên môn về xã hội học mà đúng không? Bạn nên tìm đến các hiệu sách gần trường Đại học thì sẽ dễ chọn những cuốn sách chuyên ngành hơn.

Ưu điểm của việc đi chọn mua sách ở hiệu sách cũ là bạn có thể lựa chọn và phát hiện được những cuốn rất hay, kiểm tra luôn được độ mới cũ của sách, thậm chí còn được trả giá để mua rẻ hơn. Nhưng cách này lại tốn thời gian và không phải ở hiệu sách nào cũng có cuốn sách mà bạn đang cần. Vì thế chúng tôi khuyên bạn nên mua qua internet. Bạn chỉ cần gõ tên cuốn sách mà bạn đang cần đi kèm từ “중고도서”(sách cũ) lên đó thì các thông tin cơ bản về cuốn sách sẽ hiện lên. Hoặc tốt nhất bạn nên vào một số trang web chuyên bán sách cũ được đánh giá cao về tính chuyên sâu như www.bookoa.com, hay used.aladin.co.kr hoặc www.yes24.com/

Ngoài ra, bạn cũng có thể mua trực tiếp từ chủ nhân của cuốn sách khi họ đăng trên internet vì có rất nhiều cá nhân có nhu cầu bán lại sách khi họ không cần đến nó nữa. Ưu điểm của việc mua sách cũ trên internet là không làm tốn thời gian của bạn và bạn có thể so sánh lựa chọn giá cả ở các trang web khác nhau. Tuy nhiên mua sách cũ thì bạn phải trả tiền vận chuyển đấy, thường là 2500won và đôi khi sách mua về không đạt chất lượng như trên hình ảnh bạn đã xem...Bạn hãy khám phá cả hai cách này nhé. Chúc bạn tìm mua được nhiều cuốn sách hay với giá rẻ.

2. Thông tin về “Phong trào làng mới Semaul”

Câu hỏi 2Hôm vừa rồi tôi có tình cờ đọc một cuốn sách về kinh tế của Hàn Quốc. Trong đó tôi có thấy nói đến cụm từ “Semaul undong”. Theo tôi hiểu thì đây là một hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gì đó. Có vẻ như chính sách này được đánh giá rất cao, góp phần vào việc phát triển kinh tế Hàn Quốc. Tôi không biết nó có giống như chính sách “khoán 10’ của Việt Nam không? Xin hãy giới thiệu và giải thích giúp tôi về phong trào này. Xin cảm ơn.

Trả lời 2
Trước tiên xin trả lời bạn rằng “Semaul Undong” của Hàn Quốc không giống chính sách “Khoán 10” của Việt Nam. Việc đổi mới nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam được bắt đầu từ năm 1986 với chính sách giao khoán ruộng cho nông dân gọi tắt là “khoán 10” có nghĩa là nông dân được tự chủ trên mảnh ruộng của mình và có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Nhờ chính sách này mà nền kinh tế nông thôn Việt Nam đã mở sang trang mới, năng xuất tăng cao, đời sống nông dân được cải thiện và cơ sở hạ tầng cũng được phát triển cao hơn.

Saemaeul undong(새마을 운동) trong tiếng Hàn thì “se” có nghĩa là “mới” và “maeul” có nghĩa là “làng”, “undong” có nghĩa là “phong trào” vì thế cụm từ này được dịch là “Phong trào Saemaeul” hoặc còn được gọi là “Phong trào làng mới Saemaeul”, một sáng kiến chính trị của Tổng thống Park Chung-hee phát động năm 1970 để hiện đại hóa nền kinh tế nông thôn của Hàn Quốc. Từ một quốc gia với xuất phát điểm nghèo nàn lạc hậu, Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới như ngày nay cũng là nhờ vào nền tảng “Phong trào làng mới Saemaeul”. Trọng tâm của phong trào là việc tin vào sức mình, tin rằng mình có thể tự làm được tất cả. Phương châm này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, được ứng dụng và đi sâu vào suy nghĩ của mỗi người dân Hàn Quốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc vào những năm 60 cuối thế kỷ 20 rơi vào tình trạng hiệt quệ. Kinh tế công nghiệp không phát triển bởi thời gian dài chịu ách đô hộ của Nhật Bản, còn kinh tế nông nghiệp lại là nền kinh tế thuần nông, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, lũ lụt, hạn hán cộng với việc chỉ có thể trồng lúa 1 vụ/1 năm nên nạn đói thường xuyên xảy ra. Niềm tin của người dân với chính quyền giảm sút. Chính vì vậy, chính phủ Hàn Quốc đặt ra nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải lấy lại lòng tin của nhân dân thông qua chính sách cải cách nền kinh tế với trọng tâm là đẩy lùi nạn đói nghèo, nâng cao sản lượng lương thực. Nhưng chính phủ cũng tự nhận ra 1 điều là sự hỗ trợ của chính phủ cũng chỉ là muối bỏ bể nếu thiếu sự phối hợp của người dân và người dân không quyết tâm tự lực.

“Phong trào làng mới” ra đời trong hoàn cảnh đó. Chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình và các loại hình kinh tế có sức cạnh tranh cao. Chính phủ Hàn quốc chủ trương hỗ trợ nông dân đứng lên làm chủ đích thực. Thành lập các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận cao như nấm, thuốc lá đặc biệt là hình thành các khu trồng rau trong nhà kính để có thể thu hoạch được trong mùa đông. Xây dựng các nhà máy ở các vùng nông thôn, sản xuất các sản phẩm đơn giản hoặc gia công cho các công ty lớn thu hút các lực lượng lao đông là phụ nữ vốn trước đây chỉ biết ở nhà làm công việc nội trợ.

Chính phủ tạo nguồn vốn ban đầu nhằm tạo sự kích thích, thi đua giữa các làng nhằm xây dựng các công trình nhằm phục vụ mục đích chung cho nhân dân trong làng. Năm 1971 mỗi làng được cấp 355 bao xi măng và giao cho người đứng đầu làng tự bàn bạc với dân để sử dụng vào việc gì ưu tiên cần làm trước rồi người dân tự đóng góp ngày công, hiến đất làm đường. Kết quả sau khoảng 1 năm thì hơn 1 nửa số làng có sự cải thiện đời sống và cơ sở hạ tầng rõ rệt. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi, họ cùng nhau cải thiện đường xá, lợp lại mái nhà...dần dần niềm tin vào chính quyền đã được cải thiện.

Năm 1972 chính phủ đã chọn ra 1.600 ngôi làng đã làm tốt và tăng thêm cho mỗi ngôi làng 500 bao xi măng và 1 tấn thép với phương châm hỗ trợ những ngôi làng biết vượt lên khó khăn, có những cán bộ tâm huyết. Vào năm 1973 chính phủ đã rà soát tuỳ theo mức độ phát triển để hỗ trợ theo cấp độ, nếu càng làm tốt thì càng được hỗ trợ nhiều. Đây chính là động lực thúc đẩy phong trào, nhiều dự án môi trường, công trình xã hội như nhà văn hoá, khu giải trí, hệ thống cấp nước được xây dựng mới. Chính vì vậy mà chỉ sau có 3 năm nhưng đời sống tinh thần của người dân và cơ sở hạ tậng nông thôn được nâng lên rõ rệt, mang dấu hiệu của đô thị. Thậm chí tính đến năm 1974 ở nông thôn có những vùng thu nhập còn cao hơn cả thành phố.

“Phong trào làng mới Saemaeul” thực chất là cuộc cách mạng tinh thần đánh thức khát vọng của nông dân để vươn tới cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho cá nhân mình mà vì lợi ích của toàn xã hội. Phương châm cơ bản của phong trào được xây dựng trên 3 vấn đề chính là: cần cù, tự lực, hợp tác. Và nó là những nguyên tắc cơ bản xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế Hàn Quốc để đưa đất nước có thu nhập GDP 85 usd/năm lên mức trên 20,000 usd/năm như hiện nay.

Mô hình này triển khai theo hình thức Chính phủ phát động, lãnh đạo đường lối, ban hành cơ chế rồi giao quyền tự chủ cho làng xã. Chính phủ áp dụng thưởng phạt công minh, mỗi làng khi thăng hạng được thưởng 2.000 usd còn không thì sẽ bị phạt không được hỗ trợ kinh phí xây dựng nữa. Chính vì vậy đã tạo nên 1 cuộc cạnh tranh giữa các làng với nhau. Ngày nay, tinh thần và mô hình của Phong trào làng mới Saemaeul vẫn được tiếp nối ở Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc còn đặt ra ‘Giải thưởng Saemaeul’ để tôn vinh những cá nhân xuất sắc, những làng điển hình để trao giải thưởng. Được biết phía Việt Nam cũng đã có những trao đổi, học hỏi và ứng dụng phương thức này với nông thôn Việt Nam.

Lựa chọn của ban biên tập