Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về thành ngữ tục ngữ liên quan tới món ăn và Ý nghĩa của đôi chim uyên ương Gireugi trong đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc

2012-01-29

1. Giải đáp thắc mắc về thành ngữ tục ngữ liên quan tới món ăn của Hàn Quốc

Câu hỏi 1Em là người rất mê sưu tầm các câu thành ngữ tục ngữ của Việt Nam và nước ngoài. Hầu hết ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đều lưu truyền những câu thành ngữ tục ngữ gắn với đời sống sinh hoạt hàng này nên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Có những câu giống hệt nhau và cũng có những câu mang cùng một ý nghĩa nhưng cách biểu hiện lại khác nhau. Tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc của tục ngữ thành ngữ luôn đem lại cho em sự thú vị. Quả thật xưa kia, ông cha ta rất sâu sắc và phải trải qua bao nhiêu đời mới đúc kết ra được những câu tục ngữ thành ngữ súc tích, ẩn chứa nhiều ý nghĩa như vậy. Em cũng biết khá nhiều tục ngữ thành ngữ Hàn Quốc rồi nhưng chưa biết có câu nào liên quan tới món ăn. Mong chương trình giới thiệu, giải nghĩa và phân tích giúp một vài câu thành ngữ tục ngữ của Hàn Quốc mà có liên quan tới một món ăn phổ biến nhất nào đó của Hàn Quốc.
Trả lời 1
Chắc không cần chúng tôi giới thiệu thì bạn cũng biết rõ món ăn phổ biến nhất với người Hàn là Kim chi đúng không ạ? Người Hàn vẫn nói đi đâu ra nước ngoài thì đều nhớ tới món Kim chi, 2 bữa liền mà không ăn Kim chi thì thấy thiếu thiếu cái gì đó. Món dưa muối này đã trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt của người Hàn Quốc. Tuy nhiên trong kho tàng tục ngữ thành ngữ của Hàn Quốc Kim chi không phải là cái tên được nhắc tới nhiều. Thường thì người ta chỉ nhớ đến câu “떡 줄 사람 생각도 안 하는데 김치국부터 마신다”. Tức là “Người cho bánh Teok còn chưa nghĩ đến mà người nhận đã nghĩ tới việc uống canh Kim chi rồi”.

Thường thì khi ăn bánh Teok sẽ thấy háo nước, và người ăn nghĩ đến món canh Kim chi có vị chua chua cay cay dễ chịu. Tức là uống canh Kim Chi sau khi đã thưởng thức món bánh Teok nhưng trong câu tục ngữ này lại nói uống canh Kim chi trước. Điều này thể hiện muốn nói tới ai đó vội vàng, hấp tấp với việc gì đó. Nhìn rộng ra một chút câu này còn bao hàm cả ý nghĩa ám chỉ người không biết nghĩ đến lập trường của người khác mà chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình.

Trong câu tục ngữ trên còn nhắc tới một món ăn rất phổ biến có lẽ chỉ đứng sau Kim chi là món bánh Teok. Teok là tên gọi chung chỉ các loại bánh làm từ bột gạo nếp. Bánh Teok phổ biến trong đời sống hàng ngày và trong các dịp lễ hội, giỗ tết quan trọng của người dân Hàn Quốc. Người dân Hàn Quốc vốn có truyền thống gắn bó với nền nông nghiệp trồng lúa từ lâu đời nên từ xưa tới nay vẫn coi lúa gạo là quà tặng quý giá nhất của thiên nhiên ban tặng cho con người. Và gạo nếp thì lại càng quý hơn. Do vậy không phải ngẫu nhiên mà món bánh Teok lại được coi trọng và đi sâu vào đời sống của người dân Hàn Quốc đến vậy.

Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng người Hàn Quốc đã biết làm bánh Teok để ăn từ thời kì hình thành cuộc sống bộ lạc, nghĩa là trước cả thời Tam Quốc. Sở dĩ chúng ta biết được điều này là do có nhiều di vật là những đồ dùng cần thiết cho việc làm bánh Teok như đồ cán bột (kaltol), bàn cán bột (kalpan), nồi đất (siru)...đã được khai quật. Tại các di tích của thời kì đồ đá mới ở tỉnh Hwanghae, người ta cũng tìm thấy đồ dùng để tách vỏ ngũ cốc hay lương thực và bàn mài dùng để cán bột. Trải qua nhiều thế kỉ, bánh Teok đã phát triển, thay đổi rất đa dạng và phong phú với rất nhiều tên gọi khác nhau.

Có thể nói trong từ vựng cũng như kho tàng tục ngữ thành ngữ tiếng Hàn, rất hiếm từ ngữ nào lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa như từ “Teok”. Để giúp bạn Hương hiểu rõ hơn về nhận xét này, chúng ta hãy cùng điểm qua một số hình ảnh bánh Teok xuất hiện trong các câu tục ngữ và thành ngữ của Hàn Quốc nhé. “누워서 떡먹기”(Nằm ăn bánh Teok) có lẽ là câu tục ngữ liên quan đến chữ Teok mà được người Hàn Quốc sử dụng nhiều nhất. Bánh Teok ngon, nằm thảnh thơi ăn thì ai không thích, ai không làm được cơ chứ. Câu này có nghĩa là làm việc gì đó rất dễ dàng. Bạn có thể liên tưởng tới câu “Dễ như trở bàn tay” của Việt Nam.

Trong các nghi lễ mang tính tập thể của người Hàn Quốc như cưới hỏi, ma chay hay hội hè ... bất kể đó là chuyện vui hay chuyện buồn thì bánh Teok không khi nào thiếu trong các món ăn được chuẩn bị. Và như chúng tôi đã có nhắc đến thì trong mâm cúng ông bà tổ tiên hay trời đất thần linh, món bánh Teok không bao giờ thiếu. Bởi thế mà tục ngữ Hàn mới có câu “떡 본김에 제사 지낸다”, nghĩa là “Nhân tiện thấy bánh Teok thì cúng tế luôn”. Ý câu tục ngữ này muốn nói, là chỉ cần có bánh Teok thôi cũng đủ làm đồ cúng để dâng lên thần linh và các vị tổ tiên rồi. Ngoài việc khẳng định tầm quan trọng của bánh Teok trên bàn cúng tế thì câu tục ngữ trên còn hàm chứa ý nghĩa nhân cơ hội có cái cần để làm việc gì đó thì hãy làm luôn.

Teok được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp, rồi tuỳ từng loại mà được kèm với các loại ngũ cốc khác như đậu xanh, đậu đỏ hay vừng, bí ngô, hạt dẻ, táo đỏ...nên rất tốt cho sức khoẻ. Không chỉ có vậy, bánh Teok cũng có loại ngọt làm từ mật ong hay đường, có loại chay, loại mặn...rất đa dạng nên đáp ứng được sở thích của mọi lứa tuổi. Vì thế mà dù có ăn cơm no bụng rồi thì vẫn có thể tiếp tục thưởng thức món bánh thơm ngon này đấy. Câu thành ngữ “밥 먹는 배 따로 있고 , 떡 먹는 배 따로 있다” (có bụng dành để ăn cơm, và có bụng dành để ăn bánh Teok) là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Bánh Teok còn được dùng để diễn tả tình cảm của con người với con người đấy bạn Hương ạ. Chắc bạn biết câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của người Việt Nam chúng ta nhỉ?. Tức là có yêu có quý ai đó thì mới quan tâm, dạy bảo, rèn giũa để người ấy trở thành người tốt. Còn không thích ai thì chỉ khách sáo nói lời ngon ngọt dễ nghe, không quan tâm xem sau này người ấy sẽ trưởng thành tốt xấu ra sao. Trong tục ngữ Hàn Quốc có một câu liên quan tới từ bánh Teok mang ý nghĩa tương tự là “미운 놈 떡 하나 더 준다 ”(Thêm một cái bánh Teok cho người mình ghét). Cái Teok này không phài yêu quý nên cho mà là ghét nên cho. Tuy nhiên hiện nay cũng có phát sinh những lí giải mới mang tính tích cực hơn khi phân tích rằng câu tục ngữ này khuyên bạn nếu càng ghét ai đó thì lại càng phải đối xử tốt với người ấy để chiếm được cảm tình của người ấy.

Ở một quốc gia tương đối chuộng hình thức và sự chỉn chu như Hàn Quốc thì câu “보기 좋은 떡이 먹기도 좋다” (Teok nhìn đẹp thì ăn cũng ngon) cũng được nhiều người dùng đến, với nghĩa là vật gì có hình dáng bên ngoài đẹp thì nội dung và bản chất bên trong cũng mới tốt. Câu tục ngữ này khuyên chúng ta khi làm việc gì đó phải chú trọng đến cả nội dung và hình thức. Nếu áp dụng trong việc nấu nướng sẽ rất thích hợp đấy. Chế biến ngon là việc quan trọng nhưng việc bày biện sao cho đẹp cũng là việc cần làm, có như vậy nhìn mới ngon mắt, ăn mới ngon miệng. Nội dung và ý nghĩa của câu tục ngữ này rất gần với câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” của Việt Nam đúng không bạn?

Và còn rất nhiều nhiều nữa bạn ạ... Nếu kể hết các câu tục ngữ thành ngữ của Hàn Quốc có liên quan tới món bánh Teok thì có lẽ một dịp nào đó đài KBS phải làm hẳn một chuyên mục đặc biệt mới đủ bạn ạ. Một vài ví dụ trên đây chỉ là những trường hợp thông dụng nhất mà thôi. Còn có những câu chỉ dùng trong một số văn cảnh nhất định hoặc đã có nhưng ít được dùng, chỉ tồn tại trong các nghiên cứu, bị mai một không còn hợp với cuộc sống hiện nay nữa. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ góp phần làm giàu thêm vốn hiểu biết của bạn về thành ngữ và tục ngữ. Nếu có dịp bạn vận dụng được khi nói chuyện với người Hàn Quốc đúng tình huống thì ắt hẳn bạn sẽ nhận được sự ngạc nhiên cảm thán từ phía họ đấy.

2. Giải đáp ý nghĩa của đôi chim uyên ương Gireugi trong đám cưới truyền thống của người Hàn Quốc

Câu hỏi 2Xin tự giới thiệu, tôi là một thính giả trung thành của chuyên mục Hỏi đáp cuối tuần. Những thông tin mà chương trình cung cấp đem lại rất nhiều kiến thức bổ ích trong sinh hoạt tại Hàn Quốc cho tôi. Không chỉ có vậy, qua chương trình tôi còn hiểu biết thêm về văn hoá cũng như phong tục tập quán của người dân Hàn Quốc. Chưa khi nào viết thư hỏi mà chỉ thụ động tiếp nhận thông tin đài đưa ra, hôm nay tôi đánh bạo hỏi một câu như thế này. Chả là, cách đây vài tuần tôi có đi dự một đám cưới theo nghi lễ truyền thống của một người bạn Hàn Quốc. Tôi thấy trên bàn làm lễ có đặt một đôi chim uyên ương bằng gỗ. Tôi không biết hình ảnh này mang ý nghĩa gì, có giống như hình vẽ đôi chim bồ câu tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi trong đám cưới của người Việt Nam hay không. Rất mong nhận được câu trả lời của chương trình.

Trả lời 2
Trước tiên, xin gửi lời cám ơn tới bạn vì đã dành những tình cảm tốt đẹp cho chương trình của chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận mọi câu hỏi và rất vinh dự được giải đáp thắc mắc của quý thính giả. Nếu như hình ảnh đôi chim bồ câu xuất hiện trong các đám cưới của người Việt Nam để tượng trưng cho tình yêu, sự tinh khiết và hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi thì với người Hàn Quốc chim bồ câu được biết đến là biểu tượng cho hòa bình nhiều hơn. Tượng trưng cho hạnh phúc và tình yêu đôi lứa thì phải là đôi chim uyên ương bạn ạ.

Đúng như bạn đã thấy, hình ảnh đôi chim uyên ương bằng gỗ được sơn bằng những màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho cô dâu và chú rể luôn xuất hiện trong các đám cưới của người Hàn Quốc. Màu sắc được vẽ lên đôi chim cũng mang tính cân đối hài hoà âm dương. Vì xưa nay người Hàn Quốc vẫn quan niệm rằng kết hôn là mang ý nghĩa kết hợp và cân bằng âm- dương vốn là hai yếu tố căn bản của mọi giá trị, lễ nghi trên thế gian. Trong tiếng Hàn chim uyên ương này có tên gọi là “기러기”. Loài chim này giống như ngỗng trời sống từng cặp với nhau, chim mái được gọi là “uyên” và chim trống được gọi là “ương”. Chúng là loài chim di trú, thuộc vào họ nhà vịt trời. Bộ lông của chim uyên ương có nhiều màu sắc và thường thì chim trống đẹp hơn chim mái.

Những đặc tính mà chim uyên ương có sẽ nhắc nhở đôi vợ chồng mới cưới phải sống sao cho vẹn tình vẹn nghĩa. Chim uyên ương tượng trưng cho đức tính thuỷ chung. nổi tiếng là loài vật biết giữ lời hứa tình yêu vĩnh cửu. Theo tương truyền nếu một trong hai con chết đi thì con còn lại cũng không bao giờ đi tìm bạn đời khác mà sống một mình đến khi chết hoặc nhịn đói chết theo. Vì thế chúng ta vẫn thường chỉ nhìn thấy một đôi chứ không phải chỉ một con chim uyên ương. Do vậy hình ảnh ấy được ví với những cặp vợ chồng hạnh phúc trăm năm, giống như câu người ta vẫn chúc tụng nhau trong đám cưới là “Bách niên giai lão”(백년해로). Tức, khi đã trở thành vợ chồng rồi thì phải sống hoà thuận, yêu thương nhau tới khi đầu bạc răng long.

Tiếp theo, chim uyên ương là loài chim biết giữ lề lối trên dưới. Khi bay chúng cũng bay theo hàng, nếu con bay đằng trước kêu thì con đằng sau cũng kêu đáp lại. Người Hàn Quốc cho rằng là vợ chồng với nhau cũng cần biết giữ gìn phép tắc trên dưới, nhường nhịn và thuận hoà với nhau. Không chỉ có vậy chim uyên ương còn có thuộc tính luôn để lại dấu vết mình đã tới đâu đó một cách rõ ràng. Điều này cũng mang ý nghĩa nhắc nhở đôi vợ chồng son hãy noi gương chim uyên ương, hãy sống làm sao để có thể có được thành quả tốt đẹp lưu truyền cho con cháu đời sau.

Cứ đến cuối thu, vào dịp thu hoạch xong nông sản thì từng bầy chim uyên ương lại rủ nhau về, kết đôi với nhau. Là loài chim tượng trưng cho tín nghĩa, hòa thuận, trinh tiết và cũng là loài chim báo điềm lành về cuộc sống no đủ cho tất cả mọi người. Cũng chính bởi những ý nghĩa tốt đẹp trên mà người Hàn Quốc thường dùng đôi chim uyên ương bằng gỗ này làm quà tặng. Ở hầu hết các cửa hàng bán đồ lưu niệm mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đều có bày bán mặt hàng này. Không chỉ người Hàn Quốc mà người nước ngoài cũng thấy nó đẹp ở hình dáng, hay ở ý nghĩa nên cũng mua làm kỉ niệm. Dùng cặp đôi chim uyên ương để làm đồ trang trí trong phòng ngủ hay phòng khách cũng rất bắt mắt, tạo cho người đang ngắm nhìn nó cảm giác ấm áp và hạnh phúc.

Có một điểm rất thú vị liên quan đến từ “기러기”(Gireugi, chim uyên ương) là năm 2002 trong từ điển mới của tiếng Hàn có bổ sung từ “기러기 아빠” tạm dịch là “bố ngỗng trời, hay bố uyên ương”. Cặp chim uyên ương như chúng tôi đã giới thiệu là tượng trưng cho đôi bạn trẻ kết duyên với nhau trong hôn lễ truyền thống. Loài chìm này thường cùng nhau đi rất xa để kiếm mồi về cho con ăn. Từ gốc này được kết hợp với từ “bố” tạo nên nghĩa phái sinh là chỉ những người đàn ông Hàn Quốc gửi con và vợ ra nước ngoài, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con, còn mình thì ở lại Hàn Quốc một mình kiếm tiền nuôi vợ con. Ngoài ra còn có thêm từ phái sinh khác nữa là “기러기 가족” (gia đình ngỗng trời) với ý nghĩa là vợ chồng sống xa nhau vì sự học tập của con cái.

Lựa chọn của ban biên tập