Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về lễ Pyebaik và Ngày cha mẹ của Hàn Quốc

2012-05-06

1. Giải đáp thông tin về lễ Pyebaik

Câu hỏi 1Mình chưa từng tới Hàn Quốc và dĩ nhiên là cũng chưa từng được tham dự đám cưới theo kiểu truyền thống của quốc gia này. Nhưng mình đã xem trong phim cũng như đọc về lễ Pyebaek. Một nghi lễ ra mắt dâu mới với nhà chồng theo phong tục truyền thống của người Hàn Quốc. Mình nhìn thấy trang phục của cô dâu chú rể cũng như các đồ ăn được bày biện tương đối phức tạp. Mình nghĩ chắc đó là nét truyền thống tốt đẹp của người dân Hàn Quốc nên mới được duy trì cho tới tận ngày nay. Vì thế mình rất muốn biết về ý nghĩa của nghi thức này. Xin giải đáp giúp mình nhé.

Trả lời 1
Ở Việt Nam trong những ngày này người dân bắt đầu hứng chịu cái nóng bỏng rát và oi bức của mùa hè nhưng thời tiết ở Hàn Quốc vẫn đang độ giữa xuân vô cùng dễ chịu. Mùa xuân vốn được coi là thời gian của sự phát triển, sự hồi sinh của cuộc sống cũng như sự bắt đầu của một chu kỳ sống mới. Là mùa của trăm hoa đua nở, mùa yêu thương, mùa của hạnh phúc lứa đôi. Biết bao chàng trai cô gái mong đợi đến thời điểm này để cùng nhau bước vào lễ đường và bắt đầu cuộc sống mới. Vì vậy, ở Hàn Quốc vào mùa xuân nhất là dịp tháng 5 tiết trời ấm áp, cảnh sắc tươi đẹp luôn được coi là thời điểm thích hợp nhất cho việc tổ chức đám cưới.

Qua câu hỏi của bạn chúng tôi đoán chắc hẳn bạn là người rất quan tâm tới lĩnh vực văn hoá truyền thống. Mỗi đất nước, mỗi nền văn hóa có một phong tục cưới hỏi riêng mang đậm bản sắc dân tộc mình. Lễ Pyebaek là một nghi thức hôn lễ mang tính truyền thống như vậy. Trước tiên, chúng tôi muốn lưu ý bạn rằng nghi lễ này không chỉ có trong nghi thức của đám cưới truyền thống đâu bạn ạ. Tất cả các đám cưới dù tổ chức theo hình thức nào thì cũng vẫn duy trì nghi thức này, dĩ nhiên cũng có những biến đổi đôi chút so với trước đây cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Theo truyền thống Nho giáo thì vào ngày cưới chú rể sẽ đến nhà gái đón cô dâu về nhà mình và thực hiện hôn lễ giống như ở Việt Nam hiện nay. Nhưng trong đám cưới truyền thống của Hàn Quốc có sự pha trộn giữa nghi thức truyền thống xứ Hàn và sự ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc. Chú rể sẽ đến nhà cô dâu làm hôn lễ, trải qua đêm tân hôn đầu tiên ở nhà cô dâu rồi sau đó mới đưa cô dâu trở về nhà mình. Ngày đầu tiên về nhà chồng cô dâu chú rể sẽ phải thực hiện nghi lễ Pyebaek.

Pyebaik thực chất là nghi lễ lạy chào chính thức của cô dâu và chú rể với những người lớn tuổi của gia đình chồng, trong đó tất nhiên là có bố mẹ chồng. Cô dâu bày biện những thứ đã chuẩn bị trước từ nhà bố mẹ mình lên bàn như táo đỏ, hạt dẻ, rượu, đồ nhắm rượu, và các loại hoa quả…được bày biện rất đẹp mắt. Theo thứ bậc lần lượt, bố mẹ chồng và những người lớn tuổi trong họ của chú rể sẽ ngồi trước bàn đó để cô dâu chú rể lạy chào. Lễ Pyebaek mang ý nghĩa quan trọng là công nhận cô dâu trở thành thành viên chính thức trong họ nhà chồng.

Bố mẹ chồng và những người lớn tuổi trong họ nhà chồng sau khi nhận lễ lạy chào của con dâu thì sẽ ném những quả táo đỏ và hạt dẻ vào váy của cô dâu mang ý nghĩa cầu mong vợ chồng mới cưới được giàu sang phú quý và sinh nhiều con cái. Ngoài ra bố mẹ cũng chúc cho đôi vợ chồng trẻ những lời chúc phúc tốt đẹp nhất và dặn dò các con những điều hay lẽ phải trong cuộc sống vợ chồng, cách đối nhân xử thế với những người trong dòng họ, với làng xóm láng giềng.

Đúng như bạn biết thì trang phục truyền thống mặc trong lễ Pyebaek của cô dâu chú rể khá phức tạp với những màu sắc rực rỡ nhưng phải theo đúng thể thức. Cũng không phải ai cũng biết điều này nên khi đi mua hoặc may quần áo truyền thống người ta thường phải nói sẽ mặc quần áo đó vào dịp nào để được tư vấn. Tuy nhiên vì bộ quần áo truyền thống như thế tương đối đắt tiền, lại ít được dùng phổ biến nên cũng nhiều người chỉ thuê hoặc mượn chứ không mua hay đặt may. Không chỉ có vậy, trang phục này thường khá nặng mà cô dâu chú rể lại phải đứng lên ngồi xuống để lạy tạ nhiều lần nên cũng tương đối mệt. Chính vì vậy mà thường sẽ có một người đứng bên cạnh giúp cô dâu nâng váy và chỉ bảo cách thức làm lễ.

Hiện nay, cũng có rất bạn trẻ Hàn Quốc thắc mắc vì sao phải duy trì nghi lễ mang tính hình thức này, bởi vốn dĩ việc chuẩn bị cho một đám cưới đã rất tốn kém và mệt mỏi rồi lại còn phải chuẩn bị thêm các món ăn cho lễ Pyebaek và may quần áo truyền thống mới nữa. Ngoài ra, sự du nhập của văn hóa phương Tây và xu hương gia đình đa văn hóa ngày càng gia tăng thì những nghi thức truyền thống này đang làm giới trẻ Hàn Quốc cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên với ý nghĩa tốt đẹp của nó và cũng để gìn giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống thì nghi lễ Pyebaek vẫn được duy trì. Và để phù hợp với cuộc sống hiện đại thì nhiều thủ tục rườm rà đã được lược bỏ, đơn giản hoá. Chẳng hạn như đồ ăn thức uống bày biện trên bàn Pyebaek đều được đặt mua chứ không trực tiếp làm, rồi trang phục, hay địa điểm cũng được lựa chọn theo hướng tiện lợi, không quá cầu kỳ.

Nghi lễ Pyebaek hiện nay thường được tổ chức ngay tại một căn phòng giành riêng cho việc này ở những nơi tổ chức hôn lễ rồi sau đó cô dâu chú rể thường lên đường đi du lịch tuần trăng mật ngay. Khi làm lễ trước đông đủ quan khách thì cô dâu mặc váy trắng còn chú rể mặc comple theo phong cách hiện đại nhưng khi làm lễ Pyebaek thì phải thay trang phục truyền thống. Bố mẹ và họ hàng thân thích của hai bên đặc biệt là những người lớn cũng đều mặc trang phục truyền thống. Gần đây người ta bắt đầu có xu hướng làm lễ Pyebaek với cả bên nhà gái để tỏ lòng biết ơn của cô dâu chú rể với cha mẹ và họ hàng đôi bên.

Quả thực thì lễ Pyebaek là một vẻ đẹp truyền thống rất đáng được trân trọng và giữ gìn của Hàn Quốc đúng không nào các bạn. Và ở Việt Nam mặc dù không cầu kỳ như lễ Pyebaek nhưng chúng ta cũng vẫn duy trì truyền thống được gọi là lại mặt hay nhận họ sau đám cưới. Mục đích cũng không quá khác nhau vì khi đôi vợ chồng trẻ sang nhà các cô dì chú bác để thể hiện chính thức bước vào làm dâu nhà chồng thì cũng được họ hàng đôi bên chúc phúc những lời chúc tốt đẹp và dặn dò các kỹ năng sống rất đáng quý. Vì vậy mà có bạn thính giả nào tổ chức đám cưới sau khi nghe chương trình này thì Thiện Nhân và Thu Ngoan chúc cho các bạn có một lễ cưới hỏi và thực hiện các nghi lễ một cách suôn sẻ nhé!

2. Giải đáp thông tin về Ngày cha mẹ

Câu hỏi 2Mình sang Hàn Quốc lao động đã được gần 1 năm. Vốn dĩ cũng hay đọc sách báo và thích tìm hiểm, khám phá những điều mới mẻ nên mình biết khá nhiều về lịch sử và các thông tin liên quan tới Hàn Quốc. Mình cũng được biết rằng ngày 8/5 tới là ngày lễ dành cho cha mẹ của người Hàn Quốc. Tuy không phải là ngày nghỉ nhưng là ngày lễ để con cái thể hiện lòng hiếu thuận với cha mẹ. Mình có lên mạng tìm hiểu nhưng không có thông tin gì cụ thể hơn mà khả năng tiếng Hàn còn hạn chế nên mình không tự tìm hiểu các thông tin bằng tiếng Hàn được. Vì vậy, rất mong các bạn làm việc ở chương trình tiếng Việt của đài KBS giới thiệu cho mình biết chi tiết hơn về Ngày cha mẹ, như nguồn gốc, ý nghĩa và cách thể hiện tấm lòng của con cái đối với cha mẹ trong ngày này như thế nào…Mình cảm ơn các bạn rất nhiều và chúc cho chương trình tiếng Việt của đài KBS ngày càng phát triển hơn nữa.

Trả lời 2
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi lời chúc đến chương trình tiếng Việt. Câu hỏi của bạn rất thú vị vì thực ra ở Việt Nam chúng ta không có ngày gọi là Ngày cha mẹ, thế nên không chỉ bạn Minh Hiếu mà rất nhiều thính giả Việt Nam muốn tìm hiểu về ngày đặc biệt này. Bạn Hiếu và các bạn thân mến! Ở Hàn Quốc, người ta thường nói tháng 5 là tháng của các ngày lễ, như “Ngày trẻ em” (어린이 날) 5/5 là ngày giành cho trẻ em. Vào ngày này cả nước được nghỉ để các bậc cha mẹ giành trọn vẹn thời gian cho con cái như có thể đưa con đến các địa điểm công cộng vui chơi hay làm một việc gì có quan tâm đến các con mình. Tiếp đó là “Ngày cha mẹ”(어버이날) 8/5 là ngày để con cái thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ.

Thực ra thì “Ngày cha mẹ” vốn dĩ không xuất phát từ Hàn Quốc các bạn ạ, nhưng lại được pháp luật nước này quy định là một trong các ngày lễ của dân tộc. Chuyện kể rằng từ khoảng hơn một trăm năm trước đây ở một vùng nọ của nước Mỹ, có một cô gái sống cùng với mẹ. Ngày ngày hai mẹ con cơm cháo có nhau, yêu thương nhau hết mức và cô gái nghĩ rằng sẽ mãi sống hạnh phúc như thế, chẳng bao giờ rời xa mẹ. Nhưng thật không may, một hôm, cô gái đã mất đi người mẹ của mình. Đau buồn và tiếc thương vô hạn, cô tiến hành tang lễ cho mẹ một cách trang nghiêm rồi trồng quanh mộ mẹ mình loài hoa cẩm chướng mà bà từng yêu thích. Những năm tháng sau đó sống một mình không có mẹ, cô luôn cảm thấy day dứt ân hận vì đã không chăm sóc mẹ tốt hơn khi mẹ cô còn sống.

Với tấm lòng hiếu thảo đó, cô gái thường cài trên ngực áo của mình loài hoa cẩm chướng màu trắng để tỏ lòng nhớ thương mẹ. Thực sự là tình mẫu tử, phụ tử là thứ tình cảm rất sâu đậm và thiêng liêng. Bất kỳ người mẹ nào cũng yêu con và người con nào cũng yêu mẹ, luôn mong muốn được chăm sóc, hiếu thảo với cha mẹ. Từ những suy nghĩ đó, cô gái đã mở cuộc vận động chiến dịch chăm sóc mẹ vào năm 1904, và lễ hội “Ngày của mẹ” lần đầu tiên đã diễn ra ở Mỹ. Hoạt động vô cùng có ý nghĩa của cô được nhiều người hưởng ứng. Từ đó, vào ngày của mẹ, những ai còn mẹ thì cài lên ngực mẹ đóa hoa cẩm chướng màu đỏ, còn những ai thiệt thòi không còn mẹ thì cài lên ngực mình đóa hoa cẩm chướng màu trắng.

Từ năm 1913, nước Mỹ đã chọn ngày Chủ Nhật tuần thứ hai của tháng 5 hàng năm là “Ngày của mẹ”. Và dần dần, với ý nghĩa của nó ngày này đã trở thành tập quán của nhiều nước trên thế giới. Ở Hàn Quốc, thì ngày 8/5 được quy định là ngày lễ thể hiện sự cảm ơn, hiếu thảo của con cái giành cho cho mẹ, là ngày của sự tôn kính đối với người lớn tuổi theo phong tục truyền thống tốt đẹp. Từ năm 1956 thì ngày 8/5 chỉ được quy định là “Ngày của mẹ” nhưng đến năm 1973 thì được đổi thành “Ngày cha mẹ”.

Vào ngày này ở mỗi quận huyện cũng như các tổ chức xã hội sẽ thực hiện nhiều chương trình kỷ niệm với các hoạt động thiết thực như đi thăm viện dưỡng lão, an ủi động viên những người già neo đơn không nơi nương tựa. Ngoài ra còn tổ chức nhiều chương trình như biểu diễn trò chơi truyền thống, âm nhạc truyền thống, thi văn nghệ và thể dục thể thao dành cho người cao tuổi…hay tổ chức trao giải cho những người con hiếu thuận với cha mẹ.

Trong mọi gia đình con cái đều tặng cha mẹ hoa và những món quà có ý nghĩa dù to hay nhỏ để thể hiện tình cảm của mình. Người ta vẫn nói giá trị của món quà không quan trọng bằng cách tặng quà cũng như tấm lòng của người tặng được gửi gấm trong đó. Tuy không phải là ngày nghỉ nhưng từ nhiều ngày trước ngày 8/5 chỉ cần đi ra khỏi nhà là bạn có thể cảm nhận được bầu không khí của ngày lễ này. Các cửa hàng đua nhau trưng bày những tấm thiệp, những món quà và hoa thì bán ở khắp mọi nơi.

Truyền thống về ngày cha mẹ được người Hàn Quốc giáo dục rất tốt cho các thế hệ tương lại, thâm chí là ngay cả các em nhỏ còn đang học mẫu giáo. Trước “Ngày cha mẹ” các em sẽ được thầy cô giáo dạy cách làm bưu thiếp trong đó ghi những lời chúc ngây thơ và ngộ nghĩnh nhất thể hiện tình cảm của mình giành cho cha mẹ. Hoặc các em cũng có thể tự làm các món quà dễ thương để tặng cha mẹ mình nhân ngày này như chỉ đơn giản là gói bọc những chiếc kẹo ngọt ngào theo cách riêng của mìn.

Còn đối với những người con đã trưởng thành và lập nghiệp thì thường mua tặng cha mẹ những món quà mang tính thiết thực trong cuộc sống hàng ngày hoặc món quà tốt cho sức khoẻ. Cũng có người thì chỉ tặng một tấm thiệp, hay tự làm cho cha mẹ những một bữa cơm thịnh soạn, ngon lành, ấm cúng hoặc có khi mời bố mẹ đi ăn ở nhà hàng, thậm chí có điều kiện hơn thì có người đã tặng cha mẹ mình món quà là một chuyến du lịch nước ngoài. Tuỳ vào từng người và từng hoàn cảnh kinh tế mà có rất nhiều cách để thể hiện sự hiếu thỏa của con cái đối với cho mẹ nhưng một bông hoa hay lẵng hoa cẩm chướng là không bao giờ thiếu.

Lựa chọn của ban biên tập