Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Tầm quan trọng của chữ Hán trong việc học tiếng Hàn và giới thiệu cuốn sách viết về người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc “이주 그 먼 길”.

2012-05-20

1. Tầm quan trọng của chữ Hán trong việc học tiếng Hàn

Câu hỏi 1Em chào các anh chị của Chương trình tiếng Việt, Đài KBS. Em xin tự giới thiệu hiện nay em đang là sinh viên khoa tiếng Hàn tại một trường Đại học ở Hà Nội. Em chuẩn bị kết thúc năm sinh viên thứ nhất rồi ạ. Một năm học trôi qua, em cũng học được tương đối nhiều từ và ngữ pháp tiếng Hàn nhưng giao tiếp vẫn còn kém lắm và chưa thể đọc sách được. Khi học tiếng Hàn em thấy có rất nhiều từ được phát âm na ná như tiếng Việt vì có chung nguồn gốc tiếng Hán. Các thầy cô giáo cũng có nhấn mạnh việc chúng em cần phải học thêm chữ Hán. Nhưng mà em sợ học chữ Hán lắm ạ. Em có thử đi học ở trung tâm 1, 2 buổi nhưng em thấy chữ Hán rất khó và chả thú vị tý nào đối với em cả. Em chỉ thích học tiếng Hàn và mong muốn thật giỏi tiếng Hàn mà thôi. Nhưng em rất băn khoăn là để giỏi tiếng Hàn thì có nhất thiết phải biết tiếng Hán không ạ? Mong các anh chị cho em lời khuyên và chúc cho Chương trình tiếng Việt ngày càng phát triển.

Trả lời 1
Qua những tâm sự trong lá thư của bạn, chúng tôi hình dung bạn là cô sinh viên rất yêu tiếng Hàn và chắc chắn hàng ngày đang chăm chỉ, hứng thú học tiếng Hàn. Cứ đà này thì chẳng mấy chốc bạn sẽ rất “siêu” tiếng Hàn đấy. Dù học gì và làm gì thì yếu tô vô cùng quan trọng đó là niềm đam mê đúng không nào? Bạn say mê như vậy chúng tôi tin tưởng chắc chắn bạn sẽ thành công rồi. Nhưng có lẽ do bạn quá ham mê học tiếng Hàn nên ghét học các thứ tiếng khác trong đó có chữ Hán. Thực ra tiếng Hán tuy khó thật nhưng cũng có nhiều điểm rất thú vị bạn ạ và cũng không phải quá khác biệt với tiếng Hàn đâu.

Bạn đã học được gần 1 năm tiếng Hàn thì chắc thấy rằng trong tiếng Hàn có nhiều từ gốc Hán, âm đọc lên rất gần gũi với những từ tiếng Việt gốc Hán. Có thể lấy một vài ví dụ rất đơn giản như “부동산”(bu-dong-san) nghĩa là “bất động sản”, “사회” (sa-hwe) nghĩa là “xã hội”, “정치”(Jeong-chi) nghĩa là “chính trị”. Đây là lợi thế của người Việt khi học tiếng Hàn đúng không nào? Khi đã có một lượng kiến thức tương đối kha khá về tiếng Hàn thì thậm chí bạn có thể đoán biết nghĩa của nó với các âm đọc tượng tự tiếng Việt cho những từ mới đấy. Nhưng để có được điều đó thì bạn cũng cần có vốn từ Hán-Việt phong phú.

Tuy nhiên, việc biết lượng từ gốc Hán -Việt cũng chỉ giúp ích một phần nào đó cho thời kỳ đầu bạn học tiếng Hàn thôi. Còn yếu tố đóng vai trò thực sự quan trọng khi bạn muốn nghiên cứu sâu về tiếng Hàn thì bạn phải biết tiếng Hán. Dĩ nhiên nếu bạn chỉ cần giỏi giao tiếp tiếng Hàn để sau này trở thành phiên dịch trong các công ty Hàn Quốc thì không cần biết thêm tiếng Hán mà bạn vẫn làm rất tốt hầu như mọi việc liên quan đến tiếng Hàn. Nhưng nếu bạn dùng tiếng Hàn để làm công cụ nghiên cứu các lĩnh vực xã hội nhân văn đặc biệt là văn học, lịch sử hoặc chính ngôn ngữ Hàn thì tiếng Hán gần như một điều kiện tối cần thiết.

Hiện nay rất nhiều các nhà nghiên cứu vẫn ưa dùng tiếng Hán trong các bài viết của mình. Có những cuốn sách chữ Hán sẽ được trích dẫn kèm ngay bên cạnh chữ thuần Hàn nhưng cũng có những cuốn chỉ viết chữ Hán xen lẫn chữ Hàn thôi nên nếu bạn không biết chữ Hán thì không thể đọc được. Trong các sách liên quan đến văn học, lịch sử hiện tượng này rất phổ biến nhất là với những cuốn ra đời cách đây một vài chục năm.

Sở dĩ tiếng Hán không thể loại bỏ được hoàn toàn trong ngôn ngữ tiếng Hàn hiện nay là sức ảnh hưởng của nó đã quá ăn sâu và có vai trò quan trọng trong việc nhận biết nghĩa của các từ. Có rất nhiều từ đồng âm trong tiếng Hàn nhưng cách viết tiếng Hán khác nhau và đương nhiên nghĩa của chúng cũng khác nhau. Xin lấy một ví dụ rất đơn giản để bạn hình dung nhé. Danh từ “인사” thì bạn chắc đã biết nó có nghĩa là “sự chào hỏi” rồi đúng không nào? Nhưng nó cũng còn có một nghĩa hoàn toàn khác nữa đó là “nhân sự”.

Hoặc một ví dụ khác với danh từ “부인” nhé. Từ này có tới ít nhất 5 nghĩa hoàn toàn khác nhau cơ đấy bạn ạ. Nghĩa đầu tiên mà chúng tôi nghĩ bạn cũng biết rõ đó là từ chỉ vợ (夫人) của người khác với cách nói kính trọng. Còn nghĩa thứ 2 được bao hàm rộng hơn khi chỉ những người phụ nữ đã kết hôn(婦人) với cách nói lịch sự. Nghĩa thứ 3 lại là “sự phủ nhận”(否認) chỉ sự không thừa nhận hay công nhận nội dung hoặc sự thật nào đó. Tiếp theo, còn mang nghĩa là “nguyên nhân phụ” (副因) chứ không phải là nguyên nhân chính yếu, và cuối cùng là chỉ “người giàu có”(富人)) về mặt vật chất. Cả 5 nghĩa này đều được biểu thị bằng những từ Hán khác nhau bạn ạ. Chắc hẳn bạn rất ngạc nhiên đúng không ạ? Đó là cái khó trong việc học tiếng Hàn nhưng cũng sẽ rất thú vị trong quá trình khám phá, tìm hiểu để thấy được sự kỳ diệu của ngôn ngữ đấy.

Ở chừng mực nào đó thì tuỳ vào văn cảnh nói hay viết thì mặc dù không biết tiếng Hán người ta vẫn có thể xác định đúng nghĩa của từ ấy nhưng có trường hợp nếu không biết chữ Hán sẽ hiểu sai lệch ý nghĩa của từ, của bài viết ấy. Chúng tôi kể ra như vậy chắc hẳn bạn đang rất lo lắng. Học tiếng Hàn đã khó giờ lại phải học thêm cả tiếng Hán nữa thì đúng là yêu cầu hơi cao phải không ạ? Bạn biết đấy, nếu bạn học bài bản theo bộ theo nét của chữ Hán thì cũng không quá khó để nhận biết. Yêu cầu của việc biết chữ Hán khi học tiếng Hàn không cần đến độ cần đọc thông viết thạo. Chỉ cần bạn biết cách đọc, biết cách tra cứu là đã tốt lắm rồi.

Thực ra hiện nay giới trẻ Hàn Quốc có rất nhiều người không biết chữ Hán. Mặc dù từ bậc phổ thông các học sinh đã phải học chữ Hán như một môn bắt buộc nhưng môn này không có tính ứng dụng và hấp dẫn như tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác nên học rồi cũng lại dễ quên. Trước đây trên các báo và tạp chí vẫn thường viết xen lẫn tiếng Hán nhưng giờ đã hầu như chỉ dùng chữ Hàn nếu có dùng chữ Hán thì cũng sẽ được chú thích bên cạnh bằng chữ Hàn nên không biết chữ Hán cũng không gặp khó khăn gì.

Nhưng đã là những người nghiên cứu mà đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ, xã hội nhân văn thì buộc phải biết chữ Hán. Tự lúc nào trong xã hội Hàn Quốc đã mặc nhiên coi sự hiểu biết về chữ Hán giống như một thước đo sự uyên thâm trong nghiên cứu cơ bản. Cũng đã có rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn có nên loại bỏ hoàn toàn chữ Hán ra khỏi đời sống và nghiên cứu học thuật của người Hàn hay không nhưng cho đến giờ thì việc duy trì tiếng Hán vẫn đang chiếm ưu thế. Nhận thức được tầm quan trọng này, chúng tôi tin rằng bạn sẽ khắc phục được ác cảm với tiếng Hán để học nó bạn Ngọc nhé. Chúc bạn thành công nhé.

2. Giới thiệu cuốn sách viết về người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc “이주 그 먼 길”.

Câu hỏi 2 Em sang Hàn Quốc lao động mới được gần 1 năm. Vốn tiếng Hàn của em còn rất kém chỉ đủ để giao tiếp những câu đơn giản và thường gặp hàng ngày. Nhưng em là người theo đạo, em có đi lễ nhà thờ nên cũng có khá nhiều người quen là người Hàn Quốc. Hôm vừa rồi, một chú người Hàn mà em hay gặp khi đi nhà thờ tặng em một cuốn sách có tiêu đề “이주 그 먼 길” và nói đó là cuốn sách do một người Hàn Quốc viết về người lao động nước ngoài ở đây. Chú ấy bảo cuốn sách này rất hay, xúc động và chân thực nên khuyên em đọc nó. Nhưng quả thật với trình độ tiếng Hàn hiện tại của em thì điều này là không thể. Chả biết khi nào em mới tự đọc và hiểu được bằng tiếng Hàn. Em không biết cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt hay chưa để tìm đọc. Nếu chưa thì xin hãy giới thiệu sơ qua về nội dung của nó giúp em được không ạ?

Trả lời 2
Cuốn sách “이주, 그 먼 길” tạm dịch sang tiếng Việt là “Di trú, con đường xa xôi ấy” do nhà thơ Lee Se-gi viết, nhà xuất bản Humanitas vừa ấn hành vào cuối tháng 4 vừa qua. Ngay từ khi vừa ra mắt thì cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn và các hãng truyền thông báo chí cùng đồng loạt giới thiệu đưa tin. Nhưng rất lấy làm tiếc khi phải nói với bạn rằng hiện cuốn sách chưa được dịch sang tiếng Việt đâu bạn ạ.

Chắc chắn là bạn đang tò mò khi nghe chúng tôi giới thiệu một cuốn sách viết về người lao động nước ngoài mà tác giả lại là một nhà thơ đúng không nào? Sẽ không ít người băn khoăn giống như bạn đâu. Nhưng bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết nhà thơ Lee Se-gi đã từng là một người lao động thực sự, người hoạt động vì nhân quyền cho người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc. Chính vì thế, hơn ai hết tác giả hiểu và đồng cảm với cuộc sống của những con người lao động xa xứ.

Cuốn sách là sự kết tinh của kinh nghiệm trong suốt quá trình miệt mài lao động và đấu tranh vì nhân quyền cho người lao động của chính tác giả. Tái hiện chân thực về cuộc sống và công việc của người lao động nước ngoài trong xã hội Hàn Quốc. Một trong những điểm nhấn của cuốn sách chính là những ghi chép về tác giả khi tìm về quê hương của những người lao động, mô tả lại cuộc sống của họ sau khi hồi hương, lồng ghép những cảm nhận của họ về xã hội Hàn Quốc. Họ là những người lao động Thái Lan, Philippines, Mông Cổ, Myanmar, Việt Nam...

Là một nhà thơ, một người nghiên cứu về văn học nên từng câu chữ trong cuốn sách đều rất đẹp, giản dị mà hàm chứa nhiều nội dung, ẩn ý. Một cuốn sách với đề tài xã hội nhưng được xây dựng như những câu truyện ngắn, như một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn hấp dẫn độc giả. Mở đầu cuốn sách là những thông tin giới thiệu ngắn gọn về những người lao động nước ngoài mà tác giả đã trực tiếp gặp gỡ, gắn bó được xuất hiện trong những tình huống cụ thể dễ nhớ, dễ hình dung.

Phần nội dung chính được bắt đầu bằng chuyến đi gặp gỡ những người lao động di cứ đã trở về nước. Qua đó câu chuyện về cuộc sống ở Hàn Quốc trước đây được tái hiện một cách tự nhiên, sống động theo dạng hồi tưởng. Tất cả các nhân vật cùng tên tuổi và địa chỉ quê quán của họ, cũng như những địa danh, công trường nhà máy đều được dung tên thật, đều hiện hữu như những thước phim tư liệu. Cuộc sống của người lao động di cư không phải màu hồng như người ta thường nghĩ trước khi đặt chân tới Hàn Quốc. Rồi qúa trình mưu sinh, quá trình chạy trốn mà vẫn bị bắt trở về nước vì cư trú bất hợp pháp, rồi hiện thực xã hội Hàn Quốc với những mặt trái được lột tả chân thực.

Điểm đáng lưu ý ở đây chính là tác giả từng là người lao động, là người trực tiếp đấu tranh vì nhân quyền cho người lao động đã miêu tả những gì mắt thấy tai nghe một cách chân thực và sống động bằng giọng văn rất tự nhiên. Tác giả không hề tô hồng hay phóng đại về những người lao động di cư trong xã hội Hàn Quốc vốn còn nhiều bất cập. Những người lao động di cư bất hợp pháp “Dù đau ốm cũng không dám tới bệnh viện, muốn gặp bạn bè cũng e ngại đi các phương tiện công cộng mà thường phải đi taxi đắt tiền, dù có bị đánh đập hay đối xử không công bằng không dám tới sở cảnh sát trình báo...”. Đó chính là những tâm sự của người lao động mà tác giả truyền tải trong cuốn sách này.

Những người lao động ấy họ lao động để kiếm tiền, để thực hiện ước mơ nào. Họ chỉ biết miệt mài lao động ngày đêm, chẳng mơ đến chuyện có thể đọc được cuốn sách hay một tờ báo nào bằng tiếng mẹ đẻ ở Hàn Quốc ngoại trừ các trang tin tức báo mạng. Họ chỉ có nhiệm vụ và mục tiêu là kiếm tiền rồi gửi về quê hương. Cuộc sống ở Hàn Quốc vô cùng tạm bợ. Tạm bợ cả trong thực tế sinh hoạt và trong suy nghĩ không biết khi nào sẽ phải trở về nước.

Cuốn sách đề cập mọi thông tin một cách cụ thể, chi tiết như lý do mà những người lao động ấy phải rời quê hương đến đất nước Hàn Quốc xa lạ để làm việc. Một vấn đề tưởng đơn giản chỉ là của cá nhân, của khu vực hay quốc gia nhưng lại là hiện tượng mang tính quốc tế, có tính hiện thực xã hội cao. Thông qua những bất cập mang tính căn bản liên quan đến cuộc sống cũng như quyền lợi của người lao động nước ngoài mà tác giả đã chỉ ra những vấn đề mang tính xã hội của Hàn Quốc để đem đến cho độc giả một cái nhìn khách quan, trung thực và gợi nhiều suy ngẫm.

Lựa chọn của ban biên tập