Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Hàn Quốc

2012-05-27

1. Giải đáp thắc mắc về cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh

Câu hỏi 1Mới đây mình có đọc một bài báo đăng tin, tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh vừa được tái bản ở Hàn Quốc. Bài báo cũng cho biết, có một đoàn nhà báo và nhà văn Hàn Quốc còn sang tận Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn tác giả Bảo Ninh. Nhưng theo mình được biết thì cuốn tiểu thuyết ấy đã được dịch sang tiếng Hàn từ trước đó rất lâu rồi, giờ chỉ là tái bản thôi nhưng sao lại nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng Hàn đến vậy? Liệu đó có phải là minh chứng cho thấy độc giả Hàn Quốc rất quan tâm đến văn học Việt Nam, hay chính xác hơn là “Nỗi buồn chiến tranh” đã có được chỗ đứng trên văn đàn Hàn Quốc? Mình thực sự rất tò mò muốn biết. Xin trả lời giúp mình nhé.

Trả lời 1
Trước hết, xin được đính chính với bạn là tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” vừa được xuất bản lại vào hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Hàn Quốc chứ không phải tái bản đâu bạn ạ. Bởi vì cuốn sách đến với công chúng xứ Hàn với một dịch giả và nhà xuất bản khác. Lần đầu tiên “Nỗi buồn chiến tranh” được giới thiệu ở Hàn Quốc vào năm 1998 thông qua bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Park Chan-gyu do nhà xuất bản Yedam phát hành. Ngay khi vừa ra mắt, “Nỗi buồn chiến tranh” đã thu hút được sự quan tâm của dư luận nhờ giá trị của nó và cũng vì đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được dịch sang tiếng Hàn.

Không dừng lại ở việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông, “Nỗi buồn chiến tranh” còn trở thành đề tải nghiên cứu của nhiều học sinh, sinh viên và các học giả Hàn Quốc. Nhờ mối nhân duyên này mà tác giả Bảo Ninh đã có vài lần qua lại Hàn Quốc để diễn giảng. Cũng kể từ đó, “Nỗi buồn chiến tranh” dường như đã trở thành lời mở đầu cho mọi câu chuyện liên quan tới văn học Việt Nam của người Hàn Quốc. Người dân xứ sở kim chi đã chú ý đến văn học Việt Nam nhiều hơn, hiểu về Việt Nam và chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam hơn.

Tới thời điểm hiện nay đã có thêm không ít những tác phẩm văn học bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ ca của Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn nhưng có lẽ chưa cuốn sách nào lại để lại ấn tượng mạnh mẽ như “Nỗi buồn chiến tranh”. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng vì không được dịch trực tiếp từ tiếng Việt mà qua một ngôn ngữ khác là tiếng Pháp nên cái hay cái đẹp và mức độ chính xác của ngôn từ không được đảm bảo.

Và mới đây, sau gần 15 năm, “Nỗi buồn chiến tranh” đã được dịch giả Ha jae-hong dịch lại trực tiếp từ tiếng Việt, do nhà xuất bản Asia ấn hành. Dịch giả Ha Jae-hong hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành văn học Việt Nam tại Trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng dịch cuốn tiểu thuyết “Giá anh còn được sống” của nhà văn Văn Lê, “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và hiện đang dịch Tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao. Với khả năng am hiểu văn học Việt Nam và trình độ tiếng Việt vững vàng anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi cho bản dịch “Nỗi buồn chiến tranh” lần này.

Như chúng ta đều biết, “Nỗi buồn chiến tranh” là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Bảo Ninh cho tới thời điểm hiện nay. Bởi vì trước và sau đó ông vẫn thường chỉ viết truyện ngắn. Được biết đến là cuốn tiểu thuyết lần đầu tiên ở Việt Nam xây dựng câu chuyện về những người trong chiến tranh một cách chân thực chứ tuyệt đối không cố tạo sự hoa mĩ, hào quang về chiến tranh như những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam trước đó. Bằng những kinh nghiệm thực tế ông viết về chiến tranh với những nỗi buồn của người chiến sĩ chứ không phải nói đến sự thắng bại trong những cuộc chiến.

Bảo Ninh cũng từng tâm sự, khi ông viết “Nỗi buồn chiến tranh” thì Việt Nam vẫn còn đang rất nghèo, vẫn đang được nhắc đến với thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và giữa lúc mà ai ai cũng vẫn còn đang vui mừng, tự hào với chiến thắng vẻ vang thì không ai quan tâm mà viết về bất hạnh hay nỗi buồn do chiến tranh đem lại. Ông viết về nỗi buồn của chiến tranh là viết về nỗi buồn của những chiến sĩ trong đó có mình. Trên thực tế, hình ảnh những chiến sĩ miền Bắc Việt Nam được miêu tả trong “Nỗi buồn chiến tranh” khác xa với diện mạo của người chiến sĩ dũng cảm và kiên cường trước trận tuyến chống Mỹ vinh quang.

Cuốn tiểu thuyết này lần đầu tiêu xuất hiện với tên gọi “Thân phận của tình yêu”(1987) nhưng đến năm 1991 tái bản với tiêu đề “Nỗi buồn chiến tranh”. Được nhận giải thưởng cao nhất của Hội nhà văn Việt Nam nhưng liền sau đó bị cấm xuất bản và lưu hành vì đã tái hiện hình ảnh chiến tranh Việt Nam với sắc màu tiêu cực. Năm 1994 lần đầu tiên được dịch sang tiếng Anh, và cho đến nay “Nỗi buồn chiến tranh” hiện là cuốn tiểu thuyết duy nhất ở Việt Nam đã được dịch ra 16 thứ tiếng trên thế giới và nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Nhân dịp phát hành “Nỗi buồn chiến tranh” bản dịch mới hoàn toàn, tại Seoul cũng đã có buổi giới thiệu khá hoành tráng. Ngay sau đó một đoàn nhà báo, nhà văn đã sang tận Việt Nam để gặp gỡ, phỏng vấn Bảo Ninh. Hàng loạt các tít lớn đăng tải các tin tức và bài viết về Bảo Ninh, về “Nỗi buồn chiến tranh” xuất hiện trên trang văn hoá của các tờ báo lớn tạo hiệu ứng tốt khiến số lượng đặt mua sách tăng lên đáng kể.

Chắc bạn băn khoăn không biết các báo này viết gì về Bảo Ninh và cuốn sách của ông lắm nhỉ? Họ đăng tải nội dung phỏng vấn Bảo Ninh tại nhà riêng ở Hà Nội về cuộc đời của ông và những liên quan tới tác phẩm mà ông đã viết. Là người Việt Nam, lại đang ở Việt Nam và quan tâm đến văn học thì chắc hẳn bạn biết rõ về Bảo Ninh cũng như đã từng đọc “Nỗi buồn chiến tranh” nên chúng tôi không cần phải giới thiệu thêm nữa đúng không nào?

Văn học có tiếng nói chung nhất định nên cho dù độc giả là người nước nào, dân tộc nào thì cũng dễ hiểu và đồng cảm với những giá trị mang tính nhân văn nhân bản của nó. Bởi vậy, giống như bạn và các độc giả Việt Nam khác, độc giả Hàn Quốc cũng xúc động, cũng kinh ngạc và trầm ngâm ám ảnh với “Nỗi buồn chiến tranh”. Chúng ta cùng hy vọng rằng với cuốn sách được dịch trực tiếp từ tiếng Việt này sẽ có nhiều độc giả và nhà nghiên cứu Hàn Quốc quan tâm, yêu mến “Nỗi buồn chiến tranh” nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

2. Giải đáp về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Hàn Quốc

Câu hỏi 2 Khi còn ở Việt Nam em thường xuyên thấy các phương tiện truyền thông đăng tải tin bài về rau quả đang bán tại thị trường Việt Nam bị sử dụng chất kích thích và hoá chất khi trồng và khi bảo quản. Đặc biệt, người tiêu dùng luôn cảnh giác với những loại rau quả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì thế, mặc dù rất muốn ăn nhưng em luôn lo sợ. Sang đến Hàn Quốc em yên tâm hơn hẳn. Em tha hồ ăn các loại hoa quả và rau xanh mà không lo lắng gì. Tuy nhiên gần đây em để ý thì rau quả trong các siêu thi có chia thành loại bình thường và loại có ghi là “유기농”. Tiếng Hàn của em rất tệ nhưng em cũng hiểu sơ sơ chắc đó là loại rau quả sạch. Vì em thấy giá của nó đắt hơn hẳn so với loại thường. Chính vì thế em lại bắt đầu lo lắng. Phải chăng những loại rau quả thông thường kia thì không được đảm bảo vệ sinh an toàn chăng? Nếu cứ ăn loại rau quả thông thường thì em lại sợ mà ăn loại rau quả sạch thì đắt quá. Xin hãy giải thích thêm giúp em về các loại rau quả ở Hàn Quốc với ạ. Em xin chân thành cảm ơn!”

Trả lời 2
“유기농”(Yuginong) trong tiếng Hàn Quốc được hiểu là phương pháp canh tác nông nghiệp trồng các loại rau, củ, quả... chỉ sử dụng chất hữu cơ chứ không sử dụng các loại thuốc nông nghiệp hay hóa chất, hoặc các sản phẩm nông nghiệp được trồng theo phương pháp đó. Còn trong thuật ngữ tiếng Việt thì đó là phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta vẫn thường gọi đó là các “sản phẩm sạch”.

Cụ thể hơn, theo thuật ngữ khoa học thì sản xuất nông nghiệp hưu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ(IFOAM) với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất. Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất kỳ một loại hoá chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Đây được coi là phương pháp sản xuất nông nghiệp lành mạnh mà trong đó thực vật, động vật, vi sinh vật cùng đóng vai trò tương hỗ cho nhau, thực hiện theo phương châm con người và tự nhiên cùng chung sống. Không sử dụng thuốc nông nghiệp mà sử dụng phân thải của động thực vật rồi tạo nên vi sinh vật trong lòng đất làm thức ăn cho cây nông nghiệp phát triển, và còn làm tăng lượng vi sinh vật có khả năng chống lại các loại sâu bọ côn trùng có hại cho cây nông nghiệp. Cách thức này cũng góp phần tái tạo chất đất. Còn nếu sử dụng thuốc nông nghiệp và hoá chất sẽ tạo nên vòng tuần hoàn nghịch, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người, biến chất đất và giết hại nhưng vi sinh vật có ích.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế thì vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ kích thước nhỏ nhất sống trong lòng đất đến con người. Chính vì thế mà mô hình này đang ngày càng được nhân rộng ở Hàn Quốc và được hầu hết người dân quan tâm.

Người dân Hàn Quốc vốn rất ưa dùng các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Sản phẩm bị coi là kém chất lượng nhất trong số các sản phẩm nhập khẩu thường có xuất sứ từ Trung Quốc. Mặc dù đã được kiểm định gắt gao nhưng ngay cả đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ, Úc...cũng không được người Hàn ưa dùng. Nhưng vì giá rẻ hơn hẳn so với các sản phẩm trong nước nên vẫn được tiêu thụ nhiều bạn ạ. Bạn cũng có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu được bán trên thị trường, nhất là có nhãn mác cẩn thận, rõ ràng trong siêu thị. Vì khi đã được nhập khẩu qua đường chính ngạch thì đã được kiểm tra rất chặt chẽ nên dù không phải là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì vẫn đủ độ an toàn vệ sinh.

Diện tích đất canh tác của Hàn Quốc ít, một năm chỉ gieo trồng được một vụ do thời tiết khắc nghiệt, nguồn chi phí cho nhân công cao...nên các sản phẩm nông nghiệp trong nước thường có giá thành rất cao. Nhưng vì quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo độ tươi ngon... nên vẫn có vị thế. Nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì năng suất thường không cao, chịu chi phối nhiều bởi tự nhiên nên cũng rất dễ dẫn đến thất bát. Quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng kỹ càng nên giá thành đương nhiên không hề thấp. Vì thế ngay cả chính bản thân người Hàn Quốc không phải ai cũng đủ điều kiện để dùng sản phẩm hữu cơ đâu.

Lựa chọn của ban biên tập