Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Thông tin về việc có được mang thực phẩm của Việt Nam sang Hàn Quốc hay không và giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Bút chì đỏ” dành cho thiếu nhi của Hàn Quốc.

2012-06-24

1. Thông tin về việc có được mang thực phẩm của Việt Nam sang Hàn Quốc hay không

Câu hỏi 1Cuối tháng 6 em sẽ có dịp sang Hàn Quốc để thực hiện chương trình giao lưu văn hoá quốc tế dành cho sinh viên trong vòng 2 tháng. Em đang rất hồi hộp. Em có một người chị họ hiện cũng đang học ở Hàn Quốc. Biết em chuẩn bị sang chị ấy mừng lắm và hứa sẽ dẫn em đi chơi, khám phá Seoul, nơi chị ấy đang ở. Chị ấy cũng nhờ em mang theo một ít đồ ăn ví dụ như hoa quả, gia vị và vài đặc sản khác…là những loại mà ở Hàn Quốc không có. Chị ấy đã lên danh sách rồi, em chỉ việc mua và mang sang là được. Hành lý của em cũng nhẹ, nên em không ngại mang cho chị ấy. Nhưng có người nói hành lý của em sẽ bị kiểm tra ở sân bay Hàn Quốc, và cũng có người lại nói là không bị kiểm tra. Nếu bị kiểm tra thì những đồ ấy sẽ bị tịch thu và em thậm chí còn bị phạt tiền đúng không ạ. Em không biết thực hư thế nào nên rất lo lắng. Không biết có cách nào để em có thể mang được “chót lọt” những đồ chị em căn dặn không ạ? Các anh chị giúp em với nhé. Em xin chân thành cảm ơn ạ.”

Trả lời 1
Nghe bạn nhắc đến trái cây Việt Nam mà Thiện Nhân và Thu Ngoan cũng đang rất thèm rồi đây. Mùa nào thức ấy, ở Việt Nam có bao nhiêu là loại trái cây, nào là mận, vải, chôm chôm, nhãn, xoài, mít, sầu riêng…vừa rẻ vừa ngon. Không chỉ có chị bạn mà hầu hết người Việt Nam nhất là những bạn gái thì đều rất nhớ hương vị của trái cây Việt Nam. Về các miền quê, ra tận vườn trực tiếp hái rồi thưởng thức luôn cũng là một cái thú, hoặc mua về để tủ lạnh rồi mang ra tận hưởng vị thơm mát, ngọt lịm của chúng cũng thật tuyệt làm sao.

Tuy nhiên lại không hề dễ dành để mang chúng sang tận Hàn Quốc đâu bạn ạ. An ninh của ngành hàng không có quy định rất chặt chẽ trong việc mang hành lý theo người lên máy bay, và hành lý ký gửi, chẳng hạn như các loại hóa chất, khí ga, chất độc, phóng xạ, các chất dễ cháy nổ... Đó là những quy định cơ bản mà chắc chắn chúng tôi không cần giải thích thêm bạn cũng đã rất rõ rồi. Ngoài ra, mỗi quốc gia lại có thêm những quy định riêng về các loại hàng hoá cấm mang theo đường hàng không vào nước của họ mà chưa qua kiểm định. Ở Hàn Quốc, tất cả các loài động, thực vật và các sản phẩm từ động thực vật khi qua hải quan ở sân bay đều phải kiểm dịch. Như vật thì những loại trái cây và đồ ăn tươi sống mà bạn mang từ Việt Nam sang không có tem, nhãn mác kiểm dịch thì không được mang vào Hàn Quốc đâu. Vì đó là cách đề phòng sâu bệnh và các dịch bệnh gây hại cho nông nghiệp hay con người có thể phát sinh từ loại rau quả mang từ bên ngoài Hàn Quốc vào.

Nếu bạn để trái cây, đồ ăn tươi sống vào hành lý ký gửi thì khi sang đến sân bay Incheon, Hàn Quốc, hành lý của bạn sẽ tự động được kiểm tra trước khi đi qua băng truyền. Dù bạn có bao gói kỹ thế nào thì mọi thứ đồ này cũng sẽ được hiện lên trên máy soi, và hành lý của bạn sẽ bị dính một tờ giấy màu vàng báo cho nhân viên hải quan đề nghị cần kiểm tra chi tiết. Với hành lý bị dán giấy màu vàng này thì khi đi qua nhân viên hải quan cuối cùng để ra bên ngoài bạn sẽ bị giữ lại, đề nghị mở hành lý ra kiểm tra từng thứ. Những thứ không được phép thông qua sẽ bị tịch thu và huỷ ngay tại chỗ.

Bạn có thể yên tâm là sẽ không bị phạt trong trường hợp bị giữ lại những đồ ăn rau quả không được phép mang vào Hàn Quốc này. Vì thông thường chỉ là để ăn hoặc biếu tặng nên số lượng không nhiều. Bạn không mang đồ vào Hàn Quốc để buôn bán kiếm lời và những thứ đó cũng không gây hại trực tiếp gì cho con người nên chỉ bị tịch thu để tiêu huỷ và nhắc nhở lần sau không được mang nữa. Nhưng “của một đồng công một nén”, nên mặc dù có thể chúng không có giá trị vật chất cao song bạn đã mất công mang từ mấy nghìn cây số qua đây thì quả là rất tiếc. Hơn nữa, nếu bạn định làm quà hoặc mang cho ai đó thì uổng công người ta chờ đợi và lỡ kế hoạch của bạn đúng không nào?

Chúng tôi sẽ “bật mí” một cho bạn một cách mang trái cây và đồ ăn tươi như giò chả, bánh chưng...sang Hàn Quốc mà gần như không bị kiểm tra bắt giữ nhé. Bạn phải để vào hành lý xách tay chứ không được để vào hành lý ký gửi. Trái cây tương đối mềm, dễ dập nát và bạn thì phải di chuyển trong một khoảng thời gian tương đối dài, do đó, thật khó lòng mà giữ cho trái cây tươi nguyên như lúc vừa mua. Đồ ăn thì cũng tương tự như vậy, rất dễ bị ôi thiu hư hỏng nếu để trong vali to cùng với các loại đồ đạc khác ở khoang hành lý ngột ngạt nóng bức. Vì thế, khi mua bạn nên chọn những trái cây hơi xanh một chút để có một độ cứng nhất định đảm bảo nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển. Khi chuẩn bị xếp trái cây hoặc đồ ăn vào hành lý xách tay thì bạn nên bọc bằng giấy báo vì giấy báo có độ hút ẩm khá cao.

Ngoài ra, khi đi nước ngoài, một số người Việt thích đem theo một vài loại đặc sản Việt Nam như mực khô, nước mắm... Mà những người Việt hiện đang sinh sống dù tạm thời hay lâu dài ở nước ngoài đều không thể quên món nước mắm đặc trưng đúng không bạn. Nước mắm là thứ gia vị được dùng trong hầu hết các món ăn khi chế biến hoặc làm nước chấm. Người Việt Nam thiếu nước mắm trong bữa ăn sẽ giống như người Hàn Quốc thiếu món kimchi vậy. Nước mắm đóng chai, được gói bọc cẩn thận là sản phẩm được thông qua ở hải quan Hàn Quốc nhưng rất tiếc là không được thông qua ở hải quan Việt Nam. Chất lỏng có mùi và dễ vỡ bị từ chối vận chuyển mới chỉ từ cách đây khoảng 1 năm gì đó.

Còn loại đồ ăn khô thì bạn có thể thoải mái mang theo nhưng với loại thực phẩm có mùi thì bạn cần gói bọc kỹ không để cho mùi thức ăn bay ra ngoài nếu không cũng sẽ bị từ chối vận chuyển. Đầu tiên, khi mua về, bạn nên cho thức ăn vào một hộp nhựa có nắp đậy thật kín. Sau đó, bạn dùng băng keo dán chặt miệng hộp cho mùi không thoát ra được. Tiếp theo, bạn lấy giấy báo gói một lượt quanh hộp và dùng băng keo cố định lại. Sau cùng, bạn có thể cho hộp đã gói giấy báo vào một cái túi rồi dùng dây buộc thật chặt lại.

Trên thực tế hàng hóa Việt Nam vẫn được đưa vào hệ thống các siêu thị ở HQ như Lotte Mart, Home Plus, Tesco... nhưng thật sự rất khó để người Việt có thể tiếp cận được các loại hàng hóa này vì không được bán đại trà mà lượng hàng cũng không phong phú. Chủ yếu là các mặt hàng đồ khô như cafe, các loại bún phở, bánh đa nem, bánh kẹo hoặc trái cây đã sấy khô chứ không có các loại rau quả tươi. Giá cả thì dĩ nhiên là đắt hơn nhiều so với ở Việt Nam rồi. Vậy nên rau quả và đồ ăn tươi của Việt Nam ở Hàn Quốc rất quý hiếm đấy bạn ạ.

Nhiều người Việt cũng đã khắc phục bằng cách đem hạt giống từ Việt Nam sang Hàn Quốc trồng nhưng cũng chỉ tự phục vụ cá nhân những người đang sống ở các vùng nông thôn có đất trồng thôi. Và do chất đất khác nhau nên khi được trồng ở xứ Hàn thì rau thơm hoặc rau muống không cho vị ngon giống như được trồng ở Việt Nam. Hy vọng một ngày không xa những sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam cũng có chỗ đứng trên thị trường Hàn Quốc, trước là để phục vụ chính cộng đồng người Việt, sau là tiếp cận với người tiêu dùng Hàn Quốc, mở ra cơ hội mới cho ngành nông sản Việt Nam.

2. Giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Bút chì đỏ” dành cho thiếu nhi của Hàn Quốc.

Câu hỏi 2 Mình có cô bạn thân đang làm việc ở một nhà xuất bản tại Việt Nam, chuyên xuất bản những cuốn sách viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Bạn ấy nói gần đây đã được giới thiệu cuốn truyện “Red Pencil”- “빨강 연필”(Bút chì đỏ), và nói đó là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi rất hay đã được nhận giải thưởng gì đó ở Hàn Quốc. Vì mình đang học Hàn Quốc nên bạn ấy nhờ mình tìm hiểu xem nội dung cuốn truyện ấy ra sao, liệu có hấp dẫn với các em nhỏ Việt Nam không để mua bản quyền và dịch, rồi xuất bản ở Việt Nam. Hiện nay, mình đang rất bận vì chỉ còn vài ngày nữa là phải nộp báo cáo cuối kỳ rồi nên không có thời gian đọc truyện này, tìm trên mang thì thông tin cũng rất ít. Vì vậy xin nhờ chương trình trả lời thắc mắc này giúp bạn mình với nhé. Cảm ơn chương trình rất nhiều ạ.”

Trả lời 2
Cuốn truyện mà bạn nhắc đến có tên tiếng Hàn là “빨강 연필”(Bút chì đỏ), do nhà xuất bản 비룡소(Piryongso) ấn hành vào tháng 5/2011. Truyện dài hơn 200 trang, bao gồm cả hình vẽ minh hoạ điểm suốt từ đầu tới cuối cũng tạo ấn tượng tốt cho các em nhỏ. “Bút chì đỏ” được nhận giải thưởng 황금도깨비(Hwanggumdogepi) lần thứ 17 ở lĩnh vực truyện dành cho thiếu nhi năm 2011, là tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Shin Soo-hyun.

Nhân vật chính là cậu bé Min-ho sống cùng với mẹ. Tuy cậu ghét người cha đã kiến mẹ buồn khổ nhưng cậu lại không muốn phải sống xa cha mình. Rồi một ngày, người cha ấy vẫn ra đi mà không còn trở về với cậu nữa. Min-ho có tới hai cuốn nhật ký. Vì 3 năm trước trong cuốn nhật ký trường học của mình cậu viết về những trận cãi vã của cha mẹ nên cô giáo đã gọi mẹ cậu tới. Và thế là cậu đã làm thêm một cuốn nhật ký bí mật nữa của riêng mình.

Thế rồi một hôm có một chiếc bút chì màu đỏ đến với Min-ho và cậu tìm hiểu ra thì đó là cây bút chì có phép thuật, có thể viết bất cứ thứ gì một cách trôi chảy. Min-ho đã khám phá ra năng lực đáng ngạc nhiên của bút chì đỏ. Chỉ cần đưa bút lên trang giấy nó sẽ chuyển động và viết lên những lời hay ý đẹp. Nhờ cây bút chì màu đỏ ấy mà cậu viết bài luận rất tốt, tốt hơn cả Jaegyu, một cậu bé khác vốn luôn đứng đầu lớp nhận các giải thưởng.

Kể từ khi có bút chì đỏ, cuộc sống của cậu bắt đầu có những thay đổi. Từ một cậu bé nằm ngoài sự quan tâm của lũ trẻ, Min-ho đã được chú ý và hơn hết cậu hạnh phúc vì thấy mẹ cười vui. Vốn là cậu bé sống khép mình, không dám biểu hiện những gì mình nghĩ ra bên ngoài nhưng giờ đây cậu bé đã được thầy cô, bạn bè và mẹ mình công nhận. Bản thân cậu cũng cảm thấy rất vui, như sống trong mơ. Tuy nhiên, Min-ho luôn cảm thấy bất an, run sợ vì bút chì đỏ chỉ viết những thứ hoàn hảo không liên quan gì tới hoàn cảnh hay ý chí của mình cả. Dần dần cây bút chì màu đỏ ấy đã khống chế Min-ho, vượt khỏi mong muốn của cậu. Min-ho đã làm thế nào để thoát ra khỏi vòng kiếm soát ấy? Đó chính là sức hấp dẫn để các bạn nhỏ tìm đọc cuốn truyện này.

Vào ngày tổ chức cuộc thi viết luận nhân kỷ niệm ngày ra đời chữ viết Hangul trên toàn quốc, Min-ho đã quyết tâm không phụ thuộc vào bút chì trước khi nó bị mất do ý đồ của Jae-gyu. Không cần bút chì đỏ giúp sức, Min-ho đã làm thế nào để viết bài nhỉ? Chủ đề của cuộc thi ngày hôm ấy là “Hạnh phúc” nhưng cậu bé đã nghĩ mình bất hạnh hơn bất cứ ai. Thế là cậu đã viết bài về “Nỗi khổ”, không liên quan gì đến chủ đề để biểu hiện tâm hồn mình bằng con chữ. Tuy không được giải nhưng cậu cảm thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm hơn bất kỳ khi nào.

Min-ho đã nỗ lực chống lại sức hút của bút chì đỏ. Hình ảnh ấy thật đẹp trong lòng độc giả. Nếu là một đứa trẻ thông thường khác, chính xác hơn thì nếu là một người bình thường chắc hẳn sẽ không thể ngoảnh mặt làm ngơ mà sẽ tận dụng tối đa cây bút chì phép màu ấy. Hình ảnh Min-ho phải đấu tranh tâm lý với chính mình để không nhờ sự giúp của bút chì đỏ thể hiện sự rắn rỏi của cậu bé. Ngay cả người lớn khi đọc truyện cũng bị cậu thức tỉnh về cái gọi là tính “chân thực” khi viết lách, vốn là cái mà người lớn dễ bị đánh mất.

Tác phẩm được đánh giá cao bởi hội đồng bình chọn vì chủ đề đầy hứng thú trong thế giới truyện thiếu nhi về một cậu bé phải đối diện với sự cám dỗ khó khước từ. Tác giả đã xây dựng hình ảnh cậu bé chính là chủ thể tự phán đoán, tự định hướng tư duy của mình mà không cần sự trợ giúp của người khác. Cậu tự suy nghĩ để có được hành động đúng. Tuy phải sống trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi nhưng Min-ho vẫn là một cậu bé trong sáng, đáng yêu và rất kiên định, dũng cảm. Với những ưu điểm đó thì cuốn sách xứng đáng trở thành bạn không chỉ của các em nhỏ mà còn của cả những người lớn chúng ta nữa.

Nhưng xin thông báo một tin buồn với bạn của bạn là nhà xuất bản First News - Trí Việt đã đàm phán xong việc mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam. Hiện nay đang trong quá trình dịch nên chắc chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ được giới thiệu tại Việt Nam. Vậy nên nhà xuất bản của bạn ấy sẽ không có quyền khai thác cuốn này nữa rồi. Tuy nhiên, tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của Hàn Quốc nhiều lắm bạn ạ, hãy nhắn nhủ với bạn của bạn là có thể liên lạc trực tiếp với các nhà xuất bản để đề nghị giới thiệu danh sách sách và cả tóm tắt truyện nữa nhé. Thông tin về các nhà xuất bản thì không khó tìm trên mạng đâu bạn ạ. Chúng ta cùng chờ đợi và hy vọng trong tương lai sẽ có thật nhiều tác phẩm văn học của Hàn Quốc được giới thiệu tới độc giả Việt Nam.

Lựa chọn của ban biên tập