Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về thủ tục đổi tên khi gia nhập quốc tịch Hàn Quốc và quyền từ chối thừa kế tài sản sau khi người thân qua đời.

2012-11-04

1. Giải đáp thông tin về thủ tục đổi tên khi gia nhập quốc tịch Hàn Quốc

Câu hỏi 1Tôi đã kết hôn với người Hàn Quốc là chồng tôi hiện giờ và sang đây sống cũng đã khá lâu, nhưng phải đến thời gian vừa qua tôi mới thi xong và hoàn tất các thủ tục nhập quốc tịch Hàn Quốc. Theo đánh giá của mọi người thì tôi nói tiếng Hàn khá tốt nhưng trên thực tế, trình độ đọc hiểu và viết của tôi rất kém, vì thế mà phải thi viết đến lần thứ 3 tôi mới đỗ. Chồng tôi bận rộn vô cùng nên hầu như anh ấy không giúp gì được tôi trong vấn đề giấy tờ thủ tục và có hỏi thì anh ấy cũng không biết rõ, cũng lại phải hỏi người khác. Vì vậy tôi thường chủ động làm mọi việc. Giờ tôi còn một vấn để chưa giải quyết xong là phải đổi sang tên Hàn Quốc. Tên thì tôi nghĩ ra rồi nhưng không biết phải thực hiện các bước ra sao. Mong chương trình hướng dẫn giúp.

Trả lời 1
Trước tiên, chúng tôi xin chúc mừng bạn đã vượt qua kỳ thi đầy khó khăn để có thể nhập được quốc tịch Hàn Quốc. Như bạn đã biết, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua các kỳ thi sát hạch ngay từ lần đầu tiên đâu. Luật pháp Hàn Quốc ngày càng đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc cấp quốc tịch cho người nước ngoài. Theo đó, từ năm 2009, người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Hàn Quốc, ngoài việc phải trải qua kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn, còn phải vượt qua phần thi viết và vấn đáp về những hiểu biết của mình với văn hoá, xã hội Hàn Quốc nữa.

Vì thế, một lần nữa chúng tôi xin được đánh giá cao những nỗ lực của bạn. Bạn đã đạt được mục tiêu của mình, đồng thời cũng là mong muốn của bất kỳ cô gái nào lấy chồng Hàn Quốc và đang sinh sống ở xứ sở này, muốn được trở thành công dân chính thức của đất nước Hàn Quốc, nhằm hòa nhập tốt hơn với cuộc sống nước sở tại. Giờ bạn chỉ cần làm nốt một số thủ tục nhỏ liên quan đến đổi tên nữa thôi đúng không nào.

Thông thường, người nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc, khi khai họ tên để làm chứng minh thư người nước ngoài đều phiên âm tên gọi của mình theo cách đọc của người Hàn nên rất dài dòng và khó đọc. Người Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, khi nhập được quốc tịch Hàn Quốc rồi thì chính quyền Hàn Quốc sẽ đề nghị bạn đổi hẳn sang tên tiếng Hàn. Việc đổi tên Việt Nam sang tên Hàn Quốc là để thuận lợi cho các thủ tục hành chính và mọi giao dịch, đồng thời cũng không gây ra những bất tiện lớn nhỏ trong quan hệ xã hội thông thường của bạn.

Nhưng không phải tự ý mình có thể thay đổi họ tên theo ý muốn đâu. Bạn phải nhận được sự cho phép của toà án gia đình rồi khai báo việc thay đổi họ tên với cấp chính quyền cơ sở quản lý mình. Tức là bạn phải thực hiện tuần tự các bước theo quy định. Trong tiếng Hàn thì thủ tục đăng ký đổi sang tên Hàn Quốc được gọi là 법원 개명 신청. Bạn yên tâm nhé, vì thủ tục không đến nỗi quá rườm rà, phức tạp đâu. Chúng tôi sẽ hướng dẫn ngay cho bạn đây.

Trước tiên, để làm thủ tục xin đổi họ tên, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau: Sơ yếu lý lịch, Giấy chứng nhận quan hệ gia đình, Giấy chứng minh nhân dân, Giấy tờ xác nhận đồng ý cho nhập quốc tịch của Bộ Tư pháp Hàn Quốc do Cục quản lý xuất nhập cảnh cấp, và Giấy chứng nhận tình trạng bạn có bị vi phạm pháp luât hay không, do sở cảnh sát cấp. Một điều nữa bạn không thể quên, đó là đem theo 40,000 won lệ phí nhé.

Sau khi đã chuẩn bị xong các giấy tờ trên rồi thì bạn cần thực hiện các bước như sau: Bạn đến toà án quận (huyện, thành phố) nơi mình đang cư trú, tìm đến phòng giải quyết giấy tờ dân sự, xin hai phiếu xin đổi tên và khai đầy đủ theo mẫu. Sau đó mua 2 con tem loại 1.000 won dán vào hai phiếu điền này, đóng lệ phí tại quầy thu ngân và đem 2 tờ khai cùng với biên lai xác nhận đã đóng lệ phí tới quầy có ghi chữ “Xin đổi tên”(개명신청) rồi nộp toàn bộ các giấy tờ đã chuẩn bị và tờ khai cho nhân viên phụ trách. Phần đăng ký của bạn như vậy là đã xong.

Đúng vậy, nhưng không phải bạn đổi được tên ngay đâu. Một tháng sau, Tòa án sẽ gửi giấy thông báo thủ tục đổi tên của bạn đã được hoàn tất. Lúc đó, bạn cần tới Uỷ ban nhân dân quận (huyện, thành phố) để lấy giấy xác nhận tên mới và thay đổi tên mới vào các giấy tờ chứng nhận nhân thân khác. Và bước cuối cùng là đến Uỷ ban nhân dân phường hoặc xã để làm lại giấy chứng minh thư nhân dân với tên gọi mới.

2. Giải đáp thông tin về quyền từ chối thừa kế tài sản sau khi người thân qua đời.

Câu hỏi 2Mình làm dâu xứ Hàn được hơn 3 năm và đã có một cháu trai lên 3. Cuộc sống của mình không quá giàu có sung túc nhưng khá bình an. Chồng mình có mở một công ty làm ăn buôn bán nhưng mình thực sự không biết gì về công việc của anh ấy cả. Một phần vì mình bận rộn nuôi con nhỏ và chăm lo việc gia đình, một phần là do mình không thông thạo tiếng Hàn để có thể chia sẻ công việc với chồng. Những tưởng cuộc sống cứ yên ổn như thế sẽ theo mình đến suốt cuộc đời nhưng nào ngờ mới đây chồng mình bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo và nhanh chóng qua đời. Khỏi phải nói mẹ con mình đau buồn tới mức nào. Nhưng hiện nay mình còn phải đối mặt với một vấn đề mà mình không biết phải giải quyết ra sao. Như được thông báo thì chồng mình có để lại một số tài sản trị giá tương đương với 100 triệu won nhưng lại kèm theo những món nợ lớn gấp đôi số ấy. Mình thực sự bối rối không biết phải làm sao vì không thể kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy để trả nợ thay cho chồng được. Xin hãy cho mình lời khuyên.

Trả lời 2
Những người làm chương trình chúng tôi xin được chia sẽ nỗi đau buồn, mất mát to lớn mà gia đình bạn đang phải trải qua. Cuộc sống nơi xứ Hàn hẳn còn khá xa lạ với một người chỉ biết nuôi con và chăm sóc gia đình trong suốt 3 năm qua như bạn. Thiếu vắng đi sự bao bọc của người chồng, người trụ cột trong gia đình chắc chắn là một mất mát không gì có thể bù đắp nổi cho mẹ con bạn về mặt tinh thần. Không những thế, bạn còn phải đối mặt với món nợ quá sức đối với hoàn cảnh hiện tại của bạn.

Vâng đúng vậy, nhưng hơn lúc nào hết Minh Ngọc cần phải bình tĩnh, giữ gìn sức khoẻ và tinh thần để làm chỗ dựa cho con trai của bạn và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng sau khi chồng bạn đã vĩnh viễn ra đi. Bạn không nói rõ là bạn có bố mẹ chồng hay anh chị em ruột thịt bên nhà chồng để cùng chia sẻ, gánh vác việc này với bạn hay không? Cùng là người Á Đông nên người Hàn Quốc cũng rất coi trọng tình cảm, và hơn nữa vợ chồng bạn lại đã có một cậu con trai chung nên chúng tôi tin rằng gia đình chồng của bạn sẽ giúp bạn sớm tìm ra cách giải quyết. Hoặc trong trường hợp xấu hơn, không nhận được sự giúp đỡ của gia đình chồng thì bạn cũng có thể kêu gọi sự tư vấn giúp đỡ của các tổ chức xã hội và cá nhân ở các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài. Có cả hội người Việt Nam ở Hàn Quốc đấy bạn ạ, nên bạn không phải quá lo lắng vấn đề ngôn ngữ đâu.

Chúng tôi không phải là những nhà tư vấn luật chuyên nghiệp nên không thể đưa ra được những lời khuyên chi tiết dành cho bạn. Tuy nhiên, sau khi tham khảo các chuyên gia thì được biết trường hợp của bạn không phải là không có cách giải quyết. Nếu bạn thấy mình không có khả năng tiếp tục điều hành việc buôn bán kinh doanh của chồng bạn để kiếm tiền trả nợ và phát triển công ty mà chồng bạn đã để lại thì bạn có thể từ bỏ quyền thừa kế. Như thế bạn sẽ được miễn trách nhiệm trả nợ thay chồng. Theo luật dân sự của Hàn Quốc thì bạn hoàn toàn có thể từ bỏ quyền được hưởng khối tài sản mà chồng bạn đã để lại và nó sẽ được đấu giá để trả nợ khách hàng. Chế độ này trong tiếng Hàn được gọi là 유산상속 포기권, nhằm bảo vệ người thừa kế trong trường hợp số nợ quá nhiều mà người thừa kế không có khả năng chi trả.

Như vậy, nếu bạn làm cam kết từ chối quyền thừa kế tài sản từ chồng bạn thì bạn sẽ không phải lo lắng gì với khoản nợ 200 triệu won kia nữa. Nhưng đồng thời với việc này thì mẹ con bạn sẽ trở nên trắng tay hoàn toàn. Nếu bạn từ chối quyền thừa kế thì bạn phải khai báo từ chối thừa kế cho Tòa án trong vòng 3 tháng kể từ ngày biết được việc mình được thừa kế (tức là sau ngày chồng bạn mất). Dĩ nhiên, trong trường hợp đó thì đương nhiên là bạn cũng không thể đòi hỏi quyền lợi về số tài sản 100 triệu kia được. Mọi tài sản đứng tên chồng bạn sẽ bị tịch biên. Nếu bạn không có sổ tài khoản riêng thì thậm chí bạn còn chẳng có một xu dính túi, thậm chí 2 mẹ con bạn sẽ phải xách vali rời khỏi căn nhà mà gia đình bạn đang ở. Khó khăn về tinh thần sẽ chồng chất với khó khăn về vật chất. Bạn sẽ phải tự bươm chải, tìm kiếm một công ăn việc làm nào đó để tự nuôi sống 2 mẹ con nơi đất khách quê người hoặc có thể trở về Việt Nam.

Còn nếu như bạn muốn gánh trách nhiệm trả khoản nợ mà chồng bạn để lại thì đương nhiên khối tài sản và quyền điều hành công ty của chồng bạn sẽ thuộc về bạn. Bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng và khách hàng theo các điều khoản mà chồng bạn đã cam kết trước đó. Vì theo như luật dân sự của Hàn Quốc thì nếu được thừa kế, người thừa kế không chỉ được thừa kế quyền lợi mà còn phải thừa kế cả nghĩa vụ nữa, tức là thừa kế tài sản và thừa kế luôn cả các khoản nợ nần nếu có.

Còn một giải pháp nữa cho bạn, đó là bạn có thể tìm người cùng đứng tên thừa kế. Trong trường hợp bạn không muốn mất trắng tòan bộ số tài sản liên quan đến chồng bạn, muốn tiếp tục phát triển công việc mà chồng bạn đã gây dựng. Nhưng một mình thì bạn không thể gánh vác hết được và chỉ có thể tìm người đứng ra chung sức cùng. Người này cũng sẽ cùng chia sẽ các khoản nợ với bạn nhưng đồng thời cũng là người đồng sở hữu toàn bộ số tài sản mà chồng bạn để lại. Để thực hiện việc này thì bạn cần có đơn khai báo với Toà án và thực hiện theo quy định của pháp luật. Bạn cần lưu ý là các thủ tục phải được tiến hành trong vòng 3 tháng kể từ ngày chồng bạn mất vì sau thời hạn đó, mọi thủ tục sẽ không còn hiệu lực nữa.

Bạn Minh Ngọc thân mến! Trên đây là một vài gợi ý và những thông tin cơ bản mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng những gợi ý này sẽ giúp bạn có thể hình dung tổng quát về thực trạng cũng như hướng giải quyết cơ bản cho trường hợp của bạn. Và để làm được những việc này một cách suôn sẻ, chúng tôi nghĩ rằng bạn không thể tiến hành một mình được đâu. Vì các giấy tờ liên quan đến tài sản, thừa kế và chuyển nhượng tài sản cũng như các vấn đề dính dáng đến luật pháp đều đòi hỏi tính chính xác, chặt chẽ và khá phức tạp. Người Hàn Quốc thực hiện còn khó huống chi bạn lại là người nước ngoài. Vì vậy, theo chúng tôi, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến văn phòng luật sư, uỷ quyền cho luật sư thực hiện sẽ nhanh chóng và đảm bảo hơn rất nhiều. Chúc bạn nhanh chóng giải quyết được các vấn đề khó khăn của mình để yên tâm ổn định cuộc sống.

Lựa chọn của ban biên tập