Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chính sách tiêu chuẩn hóa của Bắc Triều Tiên

2021-01-07

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Hàn Quốc áp dụng Tiêu chuẩn công nghiệp Hàn Quốc (KS) quy định các tiêu chuẩn cho các sản phẩm công nghiệp, thử nghiệm và phương pháp sản xuất. Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng đưa ra một hệ thống các tiêu chuẩn nhất định cho các ngành công nghiệp và xã hội nói chung. Miền Bắc đã ban hành luật quy định các tiêu chuẩn mang tên KSP vào năm 1997 và sửa đổi vào năm 2005. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về luật quy định các tiêu chuẩn của Bắc Triều Tiên.


Luật về tiêu chuẩn tại Bắc Triều Tiên

Tháng 7/1997, Bắc Triều Tiên ban hành luật về tiêu chuẩn với mục đích đảm bảo cuộc sống hàng ngày của người dân bằng cách thiết lập hệ thống các tiêu chuẩn phù hợp, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật. Tại miền Bắc, các tiêu chuẩn quốc gia là những quy tắc bắt buộc cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Năm 2002, Bình Nhưỡng bắt đầu sửa đổi và cải tiến các tiêu chuẩn KSP cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, số lượng sản phẩm mang chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia đã tăng lên 14.000.

Bắc Triều Tiên không ngừng mở rộng phạm vi của tiêu chuẩn quốc gia, bao quát từ ngành công nghệ thông tin và bảo vệ môi trường đến sản xuất thực phẩm, ví dụ như các sản phẩm đậu tương, nước giải khát, thực phẩm truyền thống, và cả các mặt hàng thông thường như biển hiệu xây dựng, cửa ra vào.


Thực trạng của tiêu chuẩn sản xuất tại Bắc Triều Tiên

Đầu năm 2020, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã chỉ ra các vấn đề phát sinh và yêu cầu các khu công nghiệp phải khắc phục. Thông qua báo Lao động, các nhà chức trách Bắc Triều Tiên đã chỉ ra thực trạng nhiều sản phẩm được sản xuất và bán ra không theo tiêu chuẩn nào, trong khi kỹ thuật sản xuất máy móc đã trở nên lạc hậu, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cho sự không thống nhất về chất lượng và gia tăng về số lượng các sản phẩm tương tự nhau là do thiếu các tiêu chuẩn thống nhất. Tờ báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách dự án tiêu chuẩn hóa để đạt được chất lượng sản xuất tốt hơn. Đồng thời, báo Lao động cũng cho rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn chính xác cho tất cả các sản phẩm và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt là vô cùng cần thiết. 


Chính sách áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế của Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu khác nhau từ khá sớm. Cụ thể, miền Bắc gia nhập Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 1963, sau đó gia nhập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vào năm 1974. Miền Bắc cũng trở thành thành viên chính thức của Hội đồng mã sản phẩm thống nhất châu Âu (EAN) vào năm 1999. Mặc dù Bình Nhưỡng khá thụ động trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tình hình đã thay đổi tích cực hơn sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền. Bắc Triều Tiên đang cố gắng đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu, từ đó mở ra cơ hội phát triển kinh tế nhờ tham gia thị trường quốc tế thông qua các hệ thống thương mại và tài chính. 

 

Bài toán thống nhất hệ thống tiêu chuẩn hai miền Nam-Bắc

Việc thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà hai miền Nam-Bắc phải giải quyết trong tương lai. Hàn Quốc áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn tạo điều kiện cho việc giao thương với nước ngoài như Mỹ và Nhật Bản. Ngược lại, Bắc Triều Tiên sử dụng tiêu chuẩn công nghệ của khối xã hội chủ nghĩa cùng hệ thống tiêu chuẩn riêng biệt, dẫn đến sự khác biệt lớn giữa hai miền Nam-Bắc về tiêu chuẩn công nghiệp nói chung, bao gồm thuật ngữ kỹ thuật, đơn vị đo lường, điện áp tiêu chuẩn và tín hiệu đường sắt. Vì vậy, hai bên cần nhanh chóng thảo luận tìm ra cách thống nhất các tiêu chuẩn tương ứng để chuẩn bị cho quá trình thống nhất. 

Việc Bắc Triều Tiên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là con đường tắt dẫn đến thống nhất hệ thống tiêu chuẩn hai miền Nam-Bắc. Một điều may mắn là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, miền Bắc đang thể hiện mạnh mẽ mong muốn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và đang hoàn thành các dự án tiêu chuẩn hóa trong nước. Seoul cần đẩy mạnh các chính sách giúp Bình Nhưỡng tham gia các hệ thống chứng nhận quốc tế nhằm huớng tới một tương lai thống nhất.

Lựa chọn của ban biên tập