Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bối cảnh và ý nghĩa của khẩu hiệu “cuộc hành quân gian khổ” mà Chủ tịch Kim Jong-un đề cập

2021-04-22

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Trong lễ bế mạc Hội nghị Bí thư chi bộ đảng Lao động ngày 8/4 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện quyết tâm thực hiện một “cuộc hành quân gian khổ” thậm chí còn khắc nghiệt hơn quá khứ. Đây là một khẩu hiệu Bình Nhưỡng đưa ra vào giữa và cuối những năm 1990 để cổ vũ người dân vượt qua khó khăn kinh tế. Sau đây, tiến sĩ Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ giải thích về lý do Chủ tịch Kim nhắc đến khẩu hiệu này.

 

Động thái này cho thấy nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang trong tình trạng hết sức khó khăn. Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ các hoạt động giao thương của miền Bắc và gián đoạn mạng lưới kinh tế trong nước. Về mặt ngoại giao, chính sách Bắc Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa được tiết lộ và những bất ổn trong quan hệ Mỹ-Triều dự kiến sẽ kéo dài. Trong bối cảnh này, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố đất nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn gian khổ tương tự thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” trong quá khứ.

 

Cho đến nay, Bắc Triều Tiên đã trải qua ba “cuộc hành quân gian khổ”. Sự kiện đầu tiên diễn ra từ tháng 12/1938 đến tháng 3/1939, khi đơn vị du kích kháng Nhật dưới sự lãnh đạo của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành “hành quân” từ khu vực Mông Cương (nay là một phần khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc) đến vùng duyên hải sông Amnok (Áp Lục). Từ đó, Bình Nhưỡng sử dụng thuật ngữ “cuộc hành quân gian khổ” để kêu gọi người dân tiếp nối tinh thần vượt qua khó khăn như thời kỳ này.

“Cuộc hành quân gian khổ” thứ hai bắt đầu từ “Sự kiện phe phái tháng 8” năm 1956 đến “Phong trào Thiên lý mã”, vốn là cuộc vận động phát triển kinh tế của miền Bắc. Vào thời điểm đó, phe đối lập với tên gọi “phe Liên Xô” hay “phe Yonan” đã gây ra xung đột chính trị khi công khai chỉ trích cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, dẫn đến việc bị thanh trừng. Sau đó, Bắc Triều Tiên tổ chức “Phong trào Thiên lý mã” nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ.

“Cuộc hành quân gian khổ” thứ ba xảy ra vào giữa và cuối những năm 1990. Sau sự ra đi của ông Kim Nhật Thành vào năm 1994, kinh tế miền Bắc bị suy thoái nghiêm trọng do thiên tai và cấm vận. Để vượt qua khủng hoảng, Bình Nhưỡng đã đưa ra khẩu hiệu “cuộc hành quân gian khổ” trong một bài xã luận chung nhân dịp đầu năm mới 1996.

 

Sau sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa vào đầu những năm 1990, Bắc Triều Tiên không còn có thể trao đổi thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt khi nước này phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ Liên Xô và Trung Quốc. Việc không có dầu thô để sản xuất phân bón cho nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực. Vào thời điểm đó, ở miền Bắc không có chợ và người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống bao cấp Nhà nước. Ước tính khoảng 600.000 đến 2 triệu người dân Bắc Triều Tiên chết đói khi đó do bị cắt khẩu phần ăn, hơn 70% dân số miền Bắc đã trở thành nạn nhân.

 

Giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” vào những năm 1990 đã làm xuất hiện nhiều thay đổi và xu hướng xã hội mới ở Bắc Triều Tiên. Với sự sụp đổ của các ngành công nghiệp và hệ thống bao cấp Nhà nước, người dân đã cố gắng tự sinh tồn bằng cách làm việc tại các khu chợ tư nhân. Trong bối cảnh dân chúng mất dần niềm tin vào các giá trị xã hội chủ nghĩa, vốn có đặc trưng là chủ nghĩa tập thể và tư tưởng tự lực, các loại hình hoạt động phi xã hội chủ nghĩa được mở rộng.

 

Trong những năm 1990, cơ chế thị trường đã mang lại những thay đổi quan trọng về mặt vật chất và tinh thần trong cuộc sống của người dân Bắc Triều Tiên. Những người đã trải qua thời thơ ấu hoặc sinh ra sau thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” giờ đây trở thành trụ cột của nền kinh tế. Khác với thế hệ cũ, họ không còn phụ thuộc vào Nhà nước mà thay vào đó tin tưởng vào các chợ và quan tâm hơn đến việc vun đắp cuộc sống riêng. Các nhà chức trách cũng hiểu được rằng không thể vận hành đất nước mà không có chợ. Bình Nhưỡng chính thức hợp pháp hóa chợ vào năm 2003. Năm 2016, ước tính có 406 khu chợ trên khắp Bắc Triều Tiên. Có thể thấy “cuộc hành quân gian khổ” đã góp phần phát triển các chợ, một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở miền Bắc hiện nay.

 

Từng được sử dụng làm khẩu hiệu chính trị để kêu gọi người dân vượt qua khó khăn trong những năm 1990, cụm từ “cuộc hành quân gian khổ” chỉ gợi nhớ về thời kỳ đau thương khi cuộc sống mưu sinh của người dân bị uy hiếp.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhắc lại khẩu hiệu này với mục đích huy động lực lượng lao động trong nước nhằm ngăn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ còn tiếp tục. Liệu Bắc Triều Tiên có thể vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại với một “cuộc hành quân gian khổ’ khác hay không vẫn là một ẩn số.

 

Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên có thể cầm cự ở một mức độ nhất định. Vật giá, tỷ giá hối đoái và các chỉ số kinh tế khác đều biến động ở mức ổn định nên chưa thể kết luận tình hình hiện tại cũng nghiêm trọng như giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990. Và cũng không thể bỏ qua quan hệ Trung-Triều. Có nguồn tin cho biết giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đang tăng lên cả về mặt chính thức và không chính thức, trong bối cảnh miền Bắc có dấu hiệu nới lỏng phong tỏa biên giới. Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt, Bắc Triều Tiên vẫn có thể sống sót phần lớn là nhờ mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Tôi nghĩ miền Bắc có thể cầm cự nếu đại dịch COVID-19 được kiểm soát hợp lý, nhưng sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.

 

Trong Hội nghị Bí thư chi bộ đảng Lao động, Chủ tịch Kim Jong-un cũng khẳng định sự cần thiết của việc giáo dục tư tưởng và chỉ trích tư tưởng thế hệ trẻ đang có vấn đề nghiêm trọng. Nhà lãnh đạo Kim cũng nhấn mạnh giới trẻ cần điều chỉnh trang phục, kiểu tóc, lời nói, hành vi và các mối quan hệ của mình. Ông tin rằng tư duy của những người trẻ, vốn là những người hiểu cách họat động của các chợ và có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chế độ.

 

Những người đã trải qua hoặc sinh ra sau giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ” hiện chiếm phần lớn dân số Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, những người từ độ tuổi thanh thiếu niên đến giữa và cuối độ tuổi 30, vốn được gọi là “thế hệ chợ tư nhân” hay “thế hệ thị trường”, đang có xu hướng tin tưởng các chợ hơn Nhà nước. Trong bối cảnh phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế hà khắc, những khó khăn do dịch COVID-19 và những bất ổn đang gia tăng trong mối quan hệ Mỹ-Triều, Chủ tịch Kim Jong-un đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiểm soát tư tưởng chặt chẽ hơn để ngăn chặn ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai hoặc các hành vi phi xã hội chủ nghĩa.

 

Mới đây, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Đại hội Liên đoàn thanh niên chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Jong-il lần thứ 10 sẽ được tổ chức vào ngày 27/4 tại Bình Nhưỡng. Nhân dịp Đại hội được tổ chức sau 5 năm lần này, miền Bắc dự kiến sẽ thắt chặt kỷ luật tư tưởng cho giới trẻ. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu Bắc Triều Tiên có thể vượt qua những khó khăn kinh tế và ngăn chặn sự thay đổi ý thức của người dân thông qua chính sách “cuộc hành quân gian khổ” và giáo dục tư tưởng hay không.

Lựa chọn của ban biên tập