Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên nỗ lực để được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân

2021-10-21

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Chỉ riêng trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã thực hiện 8 vụ phóng thử tên lửa, gồm vụ phóng tên lửa hành trình ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/1 và ngày 21/3, vụ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 25/3, tên lửa hành trình vào ngày 11/9 và 12/9, tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 15/9, tên lửa bội siêu thanh Hwasong-8 vào ngày 28/9 và tên lửa đất đối không kiểu mới vào ngày 30/9. Ngày 19/10, miền Bắc tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn được cho là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Có thể thấy, nước này đang có những động thái đẩy nhanh phát triển vũ khí sau khi công bố "Kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng" tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 hồi tháng 1 năm nay, với mục đích được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết chi tiết hơn về sự kiện này.

 

Tuy đã sở hữu khả năng hạt nhân đáng kể, Bắc Triều Tiên vẫn đang trong quá trình phát triển sức mạnh hạt nhân nhằm gây áp lực với Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ, đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng. Dù trên thực tế, cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng động thái này vẫn có hiệu quả uy hiếp với Mỹ. Bắc Triều Tiên đã đình chỉ mọi hoạt động hạt nhân trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2018 khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm cho đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo Mỹ-Triều đàm phán thất bại, Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân, dù không vượt quá giới hạn.

 

Để được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã có sự chuẩn bị từ rất lâu. Năm 2005, cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il chính thức tuyên bố nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Năm 2012, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Hiến pháp miền Bắc đã quy định trong phần mở đầu rằng nước này là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Ngày 1/4/2013, Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động đã thông qua “Luật củng cố hóa địa vị một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ”. Cho đến nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và hơn 100 vụ phóng thử tên lửa.

 

Sau khi thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017 và bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) kiểu mới Hwasong-15 vào tháng 11 cùng năm, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố miền Bắc đã hoàn thiện năng lực hạt nhân. Tự công nhận là một quốc gia sở hữu hạt nhân, Bắc Triều Tiên vẫn luôn thể hiện thái độ mập mờ về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại các cuộc đàm phán hạt nhân trước đó. Nếu không có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ trở nên yếu thế so với Washington và Seoul về sức mạnh quân sự. Đồng thời, vũ khí hạt nhân cũng được miền Bắc tuyên truyền là đại diện cho tính chính thể của Nhà nước và chính quyền Kim Jong-un. Vì vậy, có rất ít khả năng Bắc Triều Tiên sẽ lựa chọn phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong tương lai gần. Bằng cách liên tục nhấn mạnh địa vị của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nước này có thể tăng cường đoàn kết nội bộ và quyết tâm tiếp tục sở hữu loại vũ khí này.

 

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực vào ngày 5/3/1970, công nhận quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là những nước đã hoàn thành thử hạt nhân trước ngày 1/1/1967. Theo Hiệp ước này, có 5 quốc gia  được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ngoài 5 nước này, NPT cấm các quốc gia phi hạt nhân phát triển vũ khí hạt nhân và cấm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các nước khác. Tuy nhiên, Ấn Độ, Pakistan và Israel là ngoại lệ vì không tham gia NPT. Các nước này được gọi là “quốc gia thực tế sở hữu vũ khí hạt nhân”, hay “quốc gia có năng lực hạt nhân”.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên gia nhập NPT vào tháng 12/1985 nhưng đã rút khỏi vào năm 1993 sau cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Năm 1994, miền Bắc ký thỏa thuận Geneva với Mỹ và cam kết tái tham gia NPT, nhưng thỏa thuận này mất hiệu lực sau khi Bình Nhưỡng bị cáo buộc thực hiện chương trình làm giàu uranium và nước này một lần nữa tuyên bố rút khỏi NPT vào năm 2003. Sau đó, miền Bắc tuyên bố đã trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

 

Ấn Độ, Pakistan và Israel phát triển vũ khí hạt nhân trước khi thể chế NPT được xây dựng vững chắc, còn Bắc Triều Tiên phát triển loại vũ khí này sau khi gia nhập NPT. Hiệp ước này quy định các thành viên chỉ được phép rút khỏi nếu gặp phải uy hiếp bất khả kháng. Vì vậy, không phải miền Bắc không được phép rút khỏi NPT, mà là nước này rút với lý do không chính đáng. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên cũng thực hiện các hoạt động hạt nhân bị NPT cấm nên phải chịu các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Việc quốc tế thừa nhận một quốc gia làm trái hiệp ước NPT và sở hữu vũ khí hạt nhân bất hợp pháp có thể dẫn đến “hiệu ứng domino hạt nhân”, trong đó các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, hay các nước đang phát triển cũng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân. Do đó, khả năng Bắc Triều Tiên được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể.

 

Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên khó có thể được cộng đồng quốc tế công nhận là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng đang hối thúc Seoul từ bỏ các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch chống lại nước này.

 

Trong khi duy trì việc tạm hoãn các vụ thử hạt nhân và ICBM như đã hứa, Bắc Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động hạt nhân trên danh nghĩa tự vệ, bao gồm các động thái phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn, phóng tên lửa hành trình và sản xuất các vật liệu hạt nhân, vốn không nằm trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng dự kiến sẽ phát triển năng lực hạt nhân trong khi vẫn hòa hoãn với các biện pháp trừng phạt, nhằm mục đích vừa tăng cường khả năng quốc phòng vừa gây áp lực với Mỹ. Đây cũng là lộ trình mà Chủ tịch Kim Jong-un và các cơ quan quân sự miền Bắc cam kết thực hiện. Bắc Triều Tiên cũng sẽ tiếp tục tuyên bố nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cho đến khi đạt được thỏa thuận tại các cuộc đàm phán, mặc dù điều này không được cộng đồng quốc tế công nhận.

 

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Kim Jong-un gần đây có động thái tập trung vào các bài diễn thuyết đại chúng. Trong năm 2019, ông Kim đã có hàng chục chuyến kiểm tra thực địa, thăm các công trường, nhà máy và trạm điện, đồng thời kiểm tra các đơn vị quân đội và tham dự các cuộc thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới. Tuy nhiên, số lượng các chuyến thị sát của ông Kim Jong-un trong năm nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi ông đã thực hiện khoảng 10 bài diễn thuyết và chủ trì hội nghị, bao gồm bài phát biểu tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào đầu năm.

 

Trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ngày 18/10 đưa tin nước này đang trong tình cảnh khắc nghiệt mà nếu là các quốc gia khác thì có thể đã chao đảo hàng trăm lần. Tại Hội nghị Bí thư chi bộ đảng Lao động vào tháng 4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định quyết tâm tiến hành một “cuộc hành quân gian khổ” thậm chí còn khó khăn hơn trước đây. Tuy nhiên, đây là một vấn đề nan giải bởi miền Bắc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế và đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19. Phương pháp duy nhất mà Chủ tịch Kim có thể áp dụng lúc này là huy động dân chúng và chính sách chính trị thân thiện với người dân. Do đó, các hội nghị và diễn thuyết, đặc biệt là các sự kiện liên quan đến lịch sử, đảng Lao động và các đoàn thể được tổ chức thường xuyên hơn, với sự tham gia phát biểu của ông Kim. Đây được xem như là một khổ nhục kế giúp người dân vượt qua khó khăn và tăng cường đoàn kết nội bộ.

 

Bắc Triều Tiên đang có các động thái nhằm vượt qua khó khăn kinh tế, củng cố đoàn kết nội bộ, để được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân về mặt ngoại giao. Nhưng cộng đồng quốc tế đang thể hiện sự quan ngại về khả năng nước này sẽ thực hiện các hành động khiêu khích vũ trang như phóng thử tên lửa trong quá trình này.

Lựa chọn của ban biên tập