Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bản tin về thiên tai tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-09-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Trong đợt mưa lớn vào tháng 7 và lần cơn bão số 6 Khanun đổ bộ vào bán đảo Hàn Quốc hồi tháng 8 vừa qua, các phương tiện truyền thông bao gồm Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) đã chuyển sang hệ thống đưa tin đặc biệt và phát sóng về thiên tai. Giới truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng mỗi khi có thiên tai hay tai nạn xảy ra, giúp người dân nhanh chóng cập nhật những mối nguy hiểm gây ra bởi thiên tai, cũng như hỗ trợ các cơ quan hữu quan phân tích nguyên nhân, tìm ra phương án giải quyết nhằm giảm thiểu thiệt hại. Vậy tại Bắc Triều Tiên thì sao?
 
Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) hôm 29/6 đã đưa tin đưa tin về mùa mưa năm nay bắt đầu tại miền Bắc nước này từ vào ngày 26/6 vừa qua. Cục Khí tượng và thủy văn miền Bắc nước này phân tích front thời tiết tạo dải mây gây mưa có chuyển động thất thường. Một quan chức Cục Khí tượng và thủy văn cũng nhấn mạnh cần phải lập ra đối sách ứng phó sớm một cách triệt để nhằm để giảm thiểu thiệt hại từ mùa mưa lên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế dân sinh bao gồm nông nghiệp

Số lượng chương trình phát sóng về thiên tai liên quan đến bão tại Bắc Triều Tiên đã giảm nhẹ so với các năm trước. Từ tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2023, nước này chỉ phát sóng lại các tin tức phân tích về tính nguy hiểm của hiện tượng El Nino và đưa tin về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khi vào cùng kỳ một năm trước, truyền thông miền Bắc đã nhiều lần đưa tin đặc biệt về biện pháp phòng tránh bão. Thêm vào đó, năm 2023 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Bắc Triều Tiên, trong khi hiện tại khó có thể xem là miền Bắc đã tạo ra được thành quả theo kế hoạch này. Do đó, Bình Nhưỡng có xu hướng đưa tin về thiệt hại mưa bão ít hơn mọi năm để ngăn chặn phản ứng tiêu cực từ người dân.

Bản tin phát sóng về thiên tai đóng vai trò truyền tải chính xác và nhanh chóng tình hình thiệt hại, cung cấp thông tin cần thiết về kỹ năng hành động, cứu hộ và khắc phục khi xảy ra thiên tai, cũng như hướng dẫn cách chủ động ứng phó trước để giảm thiệt hại. Chỉ mới cách đây vài năm, miền Bắc hầu như không hề có chương trình phát sóng nào về thiên tai. Chẳng hạn như vào năm 1995, tại Bắc Triều Tiên đã xảy ra một trận đại hồng thủy mà nước này nhận định là “trăm năm có một”.
Vào tháng 8/1995, Đài KBS của Hàn Quốc cho biết truyền thông miền Bắc đã lần đầu đưa tin về thiệt hại mưa lũ sau trận đại hồng thủy năm 1995, kêu gọi hỗ trợ vật phẩm thiết yếu cho nạn nhân lũ lụt. Tại thời điểm đó, truyền thông Bắc Triều Tiên công bố có 68 người đã thiệt mạng và 5,2 triệu người chịu ảnh hưởng từ trận lũ lụt, thiệt hại về tài sản là khoảng 17.000 tỷ won (theo tỷ giá hiện tại là 12 tỷ USD).

Thật ra mục đích của việc đưa tin về trận lũ lụt lớn này là để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, thay vì để ngăn chặn thiệt hại mưa lũ và ứng phó với thiên tai. Sau trận đại hồng thủy, Bình Nhưỡng đã lập ra Ủy ban đối sách thiệt hại lũ lụt thuộc Bộ Ngoại giao và tách riêng Cục Khí tượng và thủy văn ra thành một cơ quan độc lập.

Trong bài phỏng vấn hồi năm 2016, một người tị nạn Bắc Triều Tiên cho biết bản thân đã không được tiếp xúc nhiều với các bản tin về thiên tai qua tivi, mà thỉnh thoảng chỉ nghe qua radio buổi sáng. Tháng 8 cùng năm, miền Bắc đã đưa tin nước này chịu lượng mưa lớn nhất từ trước đến nay dưới ảnh hưởng của cơn bão Lionrock. Vào thời điểm cơn bão này bắt đầu di chuyển lên hướng Bắc, một số chương trình dự báo thời tiết chỉ nhắc đến việc cần chú ý gió mạnh, mưa lớn và lũ lụt. Mãi cho đến khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão vào ngày 29/8, nước này mới bắt đầu đưa tin về những cơn mưa lớn, gió giật, sóng lớn và kêu gọi cần có biện pháp ứng phó trước với bão.

Vào thời điểm này, hệ thống dự báo thời tiết ở Bắc Triều Tiên hết sức thiếu chính xác, nước này cũng chưa có nhiều kinh nghiệm đưa tin về thiên tai. Do đó, miền Bắc đã không có nhiều cơ hội cập nhật cho người dân thông tin liên quan đến phòng tránh thiên tai. Thêm vào đó, các vấn đề như cơ sở hạ tầng ứng phó và phòng chống bão yếu kém hay sự thất bại trong việc quản lý thiên tai có thể khiến người dân quy trách nhiệm cho bộ máy lãnh đạo và đảng, nên các chương trình phát sóng về thiên tai đã không thể phát huy vai trò của mình. Thay vào đó, nước này sẽ chú trọng vào việc tích cực đưa tin về quá trình khắc phục thiệt hại sau thiên tai, để thể hiện những nỗ lực của đảng và Nhà nước trong việc vực dậy quốc gia sau khó khăn.

Từ năm 2019, Bắc Triều Tiên đã bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên trong việc phát sóng về thiên tai và thảm họa, thông qua những bản tin về cơn bão Lingling. Theo Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên, cơn bão đã nhấn chìm các con đường tại thành phố Sariwon thuộc tỉnh Bắc Hwanghae trong biển nước và đánh sập cây cối ven đường. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã triệu tập khẩn cấp Ủy ban quân sự trung ương đảng Lao động để đưa ra biện pháp đối phó với bão.
KCTV cho biết ông Kim đã chỉ trích một số quan chức Chính phủ và địa phương khi đã thiếu trách nhiệm trong việc ứng phó với bão. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên đã tiến hành đối phó với bão từ thành thị cho đến nông thôn và trong mọi lĩnh vực, cũng như bắt đầu chương trình phát sóng về thiên tai, đưa tin cặn kẽ về đường đi và độ mạnh của bão.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 2/2019 không cho ra được thành quả nào, nền kinh tế Bắc Triều Tiên bị lâm vào thế bí khi việc xuất khẩu nhiên liệu và đầu tư vào nước này đã bị hạn chế dưới sức ép và quy định cấm vận của cộng đồng quốc tế. Lúc đó, đã có nhiều tin tức về việc Bắc Triều Tiên nhập lậu dầu hỏa. Tuy nhiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã dùng các bản tin về thiên tai để phô trương sự quan tâm của ông đối với người dân, nhằm tạo bầu không khí tốt đẹp trong nước, được phân tích là nhằm ngăn chặn tâm lý phẫn nộ của người dân về tình hình kinh tế khó khăn. Ở thời điểm đó, kỹ thuật phát sóng về thiên tai của miền Bắc vẫn còn thua xa miền Nam, và thường được thực hiện bằng hình thức đưa tin khẩn cấp về đường đi của bão và lượng mưa thông qua một phát thanh viên và chuyên gia Cục Khí tượng và thủy văn.

Trong năm 2020, bản tin về thiên tai của Bắc Triều Tiên đã chính thức được thực hiện theo hình thức đưa tin nóng tại hiện trường và tin đặc biệt. Từ đầu tháng 7, truyền thông miền Bắc đã truyền tải các thông tin về mùa mưa và đối sách phòng tránh thiệt hại theo từng khu vực trong bản tin 8 giờ tối. Nước này cũng sản xuất các chương trình riêng về mùa mưa, như “Tin tức từ Cục Khí tượng và thủy văn”, tích cực sử dụng hiệu ứng bao gồm đồ họa máy tính và bản đồ khí tượng, thực hiện các bài phỏng vấn với chuyên gia của Cục Khí tượng. Từ cuối tháng 8 cùng năm, Bắc Triều Tiên đã phát sóng các chương trình đặc biệt, đưa tin về tình hình theo từng múi giờ đối với ba cơn bão Bavi, Maysak và Haishen.

Năm 2020 là năm mà các chương trình phát sóng về thiên tai của Bắc Triều Tiên bắt đầu có tiến triển. Vào tháng 8 cùng năm, nước này đã đưa tin cụ thể về tình hình cơn bão Bavi từ khi bão còn đang ở đảo Jeju của Hàn Quốc, cũng như liên tục dự báo về hướng đi của bão cho đến khi ra khỏi vùng ảnh hưởng của miền Bắc. Tại thời điểm này, Bắc Triều Tiên lần đầu đưa tin thâu đêm và cập nhật tình hình theo từng địa phương. Bản tin về bão Maysak thậm chí còn trở nên hệ thống hơn nữa khi được kết nối trường quay với Cục Khí tượng và thủy văn, cùng với phóng viên tại địa phương để cập nhật tình hình và dự báo hướng đi của bão. Miền Bắc cũng chiếu phim về thiên tai vào khung giờ khuya và sáng sớm để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân.

Trong Hội nghị toàn đảng vào tháng 1/2021, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ thống quản lý rủi ro và ngăn ngừa thiệt hại thiên tai cấp quốc gia, nhằm bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cũng liên tục nhắc đến tầm quan trọng trong việc lập ra đối sách chủ động ứng phó với thiên tai từ tháng 5, nhằm ứng phó với khoảng thời gian thường có bão là tháng 7-9. Bên cạnh đó, KCTV cũng phát sóng các chương trình đặc biệt về thiên tai, trong đó có chương trình về thời tiết nóng gắt và hạn hán.

Các chương trình phát sóng về thiên tai của Bắc Triều Tiên đã dần trở nên giống với Hàn Quốc trong năm 2021. Nước này chiếu các chương trình về thông tin khí tượng để ứng phó với khí hậu bất thường và mùa mưa. Đặc biệt là phát sóng các bài phỏng vấn với người dân chịu thiệt hại có phụ đề, giúp người xem cảm nhận rõ hơn về tình hình mưa bão. Miền Bắc đã bắt đầu chú trọng truyền tải các đoạn phỏng vấn trực tiếp với người dân địa phương chịu thiệt hại để tăng tính xác thực cho bản tin. Từ năm 2021, nước này cũng bắt đầu đưa tin về dự báo thời tiết theo ngày và thông tin cần thiết cho nhà nông, bao gồm thời gian mưa rơi nhiều và thời gian ngừng mưa.

Sau khi cơn bão Khanun ra khỏi lãnh thổ miền Bắc vào ngày 12/8 vừa qua, báo Lao động đã ca ngợi rằng người dân nước này đã một lần nữa chiến thắng khó khăn và dồn toàn lực để ứng phó với bão. Tờ báo này cũng đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến huyện Anbyon thuộc tỉnh Gangwon nhằm chỉ đạo khắc phục thiệt hại bão Khanun. Động thái này được phân tích là nhằm tâng bốc sự tận tụy vì dân vì nước của ông Kim và thúc đẩy sự đoàn kết của người dân, là một trong những đặc trưng của bản tin về thiên tai tại nước này.

Điểm khác biệt lớn nhất của bản tin về thiên tai của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên là miền Bắc không công bố số người thiệt mạng do thiên tai, tình hình đặc biệt nghiêm trọng do mưa lớn hay tình hình thiệt hại lũ lụt có thể gây ra mối đe dọa cho sự an toàn của chính quyền. Cụ thể, nước này chỉ đưa tin về khu vực Anbyon tại tỉnh Gangwon, nơi được ông Kim ghé thăm, chứ không hề cập nhật về các khu vực khác. Dự kiến, trong năm 2023, Bắc Triều Tiên sẽ chú trọng vào việc tuyên truyền và quảng bá về năng lực quản lý thiên tai của Chủ tịch Kim và hệ thống Nhà nước, hơn là cung cấp thông tin chính xác.

Dựa theo báo cáo về tình hình thiên tai ở Bắc Triều Tiên được công bố tại Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (UNESCAP) hồi cuối tháng 8, số người dân miền Bắc chịu thiệt hại về hạn hán và lũ lụt từ năm 1991-2020 là 51 triệu người, thiệt hại về người gây ra bởi thiên tai cũng khá nghiêm trọng mỗi năm. Hy vọng rằng trong tương lai, các chương trình phát sóng về thiên tai tại Bắc Triều Tiên sẽ giúp ích cho việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Lựa chọn của ban biên tập