Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Môn cưỡi ngựa ở Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-09-27

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank
Dựa theo hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại của Mỹ, có 20 khu vực ở Bắc Triều Tiên có hoặc sắp xây dựng trang trại cưỡi ngựa, trong đó Bình Nhưỡng và tỉnh Kangwon mỗi nơi có 4 điểm, thành phố Nampo và tỉnh Ryanggang mỗi nơi có 1 điểm, tỉnh Bắc và Nam Pyongan là 4 điểm, tỉnh Nam và Bắc Hwanghae là 3 điểm, tỉnh Nam Hamgyong có 1 điểm. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un cũng có trại cưỡi ngựa tại dinh thự ở Ryongsong, Bình Nhưỡng và biệt thự ở thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bộ môn cưỡi ngựa ở Bắc Triều Tiên cùng giáo sư danh dự Kim Dong-sun đến từ trường Đại học Nghệ thuật và thể thao thuộc Đại học Kyonggi (KGU).

Vào tháng 2/2022, Bắc Triều Tiên đã mở một cuộc thi đấu cưỡi ngựa quy mô lớn nhân dịp Tết nguyên đán, có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Choe Ryong-hae cùng các quan chức cấp cao khác.

Cuộc thi đấu không chỉ có đua ngựa, mà còn có trình diễn cưỡi ngựa. Người biểu diễn sẽ thể hiện những kỹ thuật cưỡi ngựa khó nhằn như xoay vòng trên lưng ngựa hoặc trình diễn các động tác khéo léo theo nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin chi tiết về cuộc thi đấu dài hơn một tiếng đồng hồ. 

Kể từ khi thành lập câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim, Bình Nhưỡng đã nỗ lực tuyên truyền thông qua báo Lao động và Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên. Điều này có thể xem là phong cách lãnh đạo trưng cầu sự sang trọng và phô trương của Chủ tịch Kim Jong-un. Cùng với đó là bày tỏ thông điệp người dân có thể cùng tham gia thú vui của ông Kim. Hơn nữa, môn cưỡi ngựa còn được phân tích là để chứng tỏ tầm nhìn xa của nhà lãnh đạo miền Bắc đã đạt được thành quả hiện hữu, đồng thời cho thấy sự ưu tiên trong chính sách là nhằm hướng tới cải thiện đời sống của người dân và theo đuổi cân bằng trong công việc và cuộc sống riêng tư.

Bắc Triều Tiên nhấn mạnh môn cưỡi ngựa là một phong tục truyền thống của dân tộc này.
Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã giới thiệu rằng trong lịch sử, người Goguryeo là tộc người xuất sắc nhất trong việc cưỡi ngựa. Các lực lượng kỵ binh mạnh mẽ của Goguryeo đã trở thành lá chắn bảo vệ quốc gia, bảo vệ vương triều Goguryeo (năm 37 trước Công nguyên – năm 668 sau Công nguyên) khỏi sự xâm nhập của địch. Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng phong cách cưỡi ngựa và trang thiết bị cưỡi ngựa của Goguryeo đã được phổ biến rộng rãi đến các triều đại Baekje (năm 18 trước Công nguyên – 660 sau Công nguyên), Silla (năm 57 trước Công nguyên – 935 sau Công nguyên),và Gaya (42-532). 

Cưỡi ngựa là một phong tục kéo dài hàng nghìn năm, bắt đầu từ thời Gojoseon (cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ I trước Công nguyên). Trong thời Goguryeo, người người yêu thích cưỡi ngựa từ khi còn nhỏ, cưỡi ngựa còn được xem như một tiêu chí đánh giá để tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Trong thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX), nhiều cuộc thi thể hiện kỹ năng trên lưng ngựa đã được tổ chức. Bắc Triều Tiên cho biết dân tộc mình đã rèn luyện thân thể bằng trò cưỡi ngựa và bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của đế quốc Nhật. Từ đó, nước này nhấn mạnh rằng việc tham gia cưỡi ngựa trong câu lạc bộ Mirim sẽ giúp duy trì truyền thống dân tộc.

Mặt khác, báo chí miền Bắc còn dẫn lời Chủ tịch Kim, cho biết cưỡi ngựa là môn thể thao không phụ thuộc vào mùa và dễ tiếp cận, có thể làm bùng lên làn sóng cưỡi ngựa. Trên thực tế, môn cưỡi ngựa đã chính thức được phổ cập từ sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên cầm quyền năm 2012. Vào tháng 10/2013, câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim đã được mở cửa ở khu vực Sadong, thành phố Bình Nhưỡng.

Nơi này vốn dĩ là nơi huấn luyện cho lực lượng kỵ mã, song Chủ tịch Kim Jong-un đã đích thân chỉ thị xây dựng trại cưỡi ngựa và thường xuyên đến thị sát trong thời gian đang tiến hành xây dựng. Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim có tất cả các loại ngựa từ lớn tới nhỏ dành cho người lớn và trẻ em, nhằm giúp người dân có thể dễ dàng tận hưởng bộ môn cưỡi ngựa. Ngoài ra còn có các cơ sở hạ tầng cần thiết khi cưỡi ngựa như đường đua và sân huấn luyện. 

Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim được mở cửa vào năm 2013 ở phường Mirim, khu vực Sadong, thành phố Bình Nhưỡng. Nơi này có quy mô khoảng 600.000 m², là một cơ sở cưỡi ngựa hiện đại được trang bị sân cỏ, sân tập trong nhà, và trường học cưỡi ngựa. Mặc dù đây là một cơ sở dành riêng cho gia đình ông Kim Jong-un hoặc những tầng lớp ưu tú có tiền bạc, quyền lực ở Bình Nhưỡng, người nước ngoài, nhưng người bình thường cũng có thể tận hưởng việc cưỡi ngựa, thể hiện rằng người dân nước này có thể thưởng thức các hoạt động giải trí giống như các quốc gia tư bản. Đây được xem là những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh tinh thần vì dân của Chính phủ miền Bắc.

Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim cung cấp khóa học cưỡi ngựa dành cho công chúng, và tạo nhiều điều kiện cho học sinh học cưỡi ngựa từ năm 2015. Chương trình học bao gồm cả bài giảng lý thuyết sử dụng máy tính và video, cũng như bài học thực hành theo từng khóa học.

Một học sinh nữ tham gia khóa học cưỡi ngựa cho biết đã được bạn bè nhận xét là tính cách bản thân đã trở nên tươi sáng hơn. Một em khác thì chia sẻ rằng mình có thể biết rõ tâm lý ngựa nếu nhìn vào cử động và biểu cảm của chúng. Các học sinh hoàn thành khóa học sẽ được nhận chứng chỉ và được hoạt động cưỡi ngựa. Vào năm 2017, truyền thông Bắc Triều Tiên cũng từng giới thiệu về cuộc thi cưỡi ngựa được tổ chức tại đây.

Cuộc tranh tài được chia thành các phần thi về kỹ thuật cưỡi ngựa, các màn trình diễn về cưỡi ngựa và cuộc đua dành cho người yêu thích thú vui cưỡi ngựa. Trong bản tin, miền Bắc cũng chia sẻ về việc thực hiện "chương trình rút thăm”, mà trên thực tế là giống với "vé mua thẻ đặt cược đua ngựa” của Hàn Quốc. Do đó, có ý kiến cho rằng ở Bắc Triều Tiên cũng có cá cược đua ngựa. 

Bắc Triều Tiên dường như cũng có hứng thú về ngành công nghiệp cá cược như đua ngựa hoặc các môn thể thao của chủ nghĩa tư bản. Nước này chuẩn bị giải thưởng cho các vận động viên có thành tích xuất sắc tại cuộc thi cưỡi ngựa vào mùa thu và thậm chí còn có nguồn tin cho biết miền Bắc tổ chức các sự kiện rút thăm đua ngựa để nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với môn cưỡi ngựa. Nếu Bắc Triều Tiên có ngành công nghiệp cá cược thể thao như vậy, thì có thể nước này đang cố gắng kích thích tâm lý cầu may của người dân để rút tiền từ các tủ tiền cá nhân và tăng thu nhập quốc gia, nhằm giải quyết vấn đề tài chính quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển môn cưỡi ngựa như một ngành công nghiệp, miền Bắc cần phải kích thích các lĩnh vực như sản xuất dụng cụ cưỡi ngựa, cung cấp cơ sở và dịch vụ cưỡi ngựa. Hiện tại, nước này vẫn chưa đạt đến cấp độ như vậy. Mặc dù thế, qua việc thu hút khách du lịch nước ngoài, bán vé cưỡi ngựa và sử dụng Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim làm nơi tổ chức tiệc cưới, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp cưỡi ngựa.

Vào tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tổ chức lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân nước này. Dẫn đầu đoàn quân duyệt binh là con ngựa trắng tượng trưng cho Chủ tịch Kim, theo sau cũng là chú bạch mã tượng trưng cho cô con gái Kim Ju-ae của ông Kim. Có ý kiến cho rằng hành động này là để thần tượng hóa cô con gái Kim Ju-ae. Ở Bắc Triều Tiên, ngựa trắng có ý nghĩa tượng trưng khá đặc biệt. 

Có bản ghi chép rằng nhà sử học Herodotus thời Hy Lạp cổ đại nuôi một con ngựa màu trắng, được coi là động vật linh thiêng. Trong đạo Cơ Đốc, Hindu và Islam, ngựa trắng thường được mô tả là đưa người bảo vệ hoặc đấng cứu thế. Trong thần thoại Bắc Âu, bạch mã được xem như biểu tượng của niềm tin mang lại tin tức tốt lành. Tại Bắc Triều Tiên, ngựa trắng cũng là biểu của dòng máu Baekdu, chỉ gia tộc cầm quyền họ Kim, và đại diện cho uy quyền của những lãnh đạo và tướng lĩnh. Trong phòng giáo dục lịch sử ở Câu lạc bộ Mirim có trưng bày hình ảnh và tư liệu liên quan đến việc cưỡi ngựa của ba thế hệ lãnh đạo là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), cố Chủ tịch Kim Jong-il và Chủ tịch Kim Jong-un. Dựa vào những thông tin này, có thể suy đoán rằng cả ba thế hệ nhà họ Kim đều có sở thích cưỡi ngựa. Trong đó, con ngựa "Maebong” mà ông Kim Jong-il hay cưỡi là món quà từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, thuộc giống cao cấp Orlov Trotter. Trong các nhà tưởng niệm quan trọng của miền Bắc cũng có hình ảnh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cưỡi ngựa trắng và hoạt động chống Nhật trong khu vực biên giới Mãn Châu và trên núi Baekdu (Bạch Đầu). Hình ảnh người anh hùng cưỡi bạch mã này đã được truyền lại cho con trai ông là cố Chủ tịch Kim Jong-il.

Bắc Triều Tiên luôn tuyên truyền về hình ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cưỡi ngựa trắng trên chiến trường trong thời gian chống đế quốc Nhật Bản và xem hình ảnh này là biểu tượng của nhà lãnh đạo lý tưởng. Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã sử dụng hình ảnh này để nhấn mạnh truyền thống kế thừa quyền lãnh đạo. Do đó, hình ảnh ông Kim Jong-un cưỡi ngựa trắng thường xuyên xuất hiện trong các phương tiện truyền thông miền Bắc. Đặc biệt, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội thất bại và nội bộ miền Bắc gặp khủng hoảng vào năm 2019, ông Kim đã cưỡi ngựa trắng đi qua núi Baekdu tuyết phủ trắng xóa để nhấn mạnh sự đoàn kết nội bộ. Ngoài ra, trong bộ phim tài liệu phát sóng vào tháng 1/2022 cũng có cảnh ông Kim Jong-un cưỡi ngựa và nhìn theo mặt trời mọc.

Trong bộ phim này, Chủ tịch Kim cưỡi ngựa trắng trong rừng, thậm chí còn giữ dây cương chỉ bằng một tay và lao nhanh như vũ bão. Đây là hình ảnh nhằm nhấn mạnh dòng máu Baekdu đang chảy trong người ông Kim và để củng cố đoàn kết nội bộ.

Trong vài năm gần đây, truyền thông Bắc Triều Tiên thường giới thiệu về những người học hoặc yêu thích cưỡi ngựa. Bằng cách này, miền Bắc đã tuyên truyền về việc cưỡi ngựa là môn thể thao mà bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng. Cách đây không lâu, những kênh tuyên truyền bao gồm “Naenara” (Đất nước tôi) đã giới thiệu về Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim và cơn sốt cưỡi ngựa tại Bắc Triều Tiên. 

Phí vào cửa năm 2023 của Câu lạc bộ cưỡi ngựa Mirim là 7 USD, mỗi giờ cưỡi ngựa có giá 50 USD, tương đương với giá của một bao gạo. Dựa trên điều này, có thể ước tính rằng dân số cưỡi ngựa ở Bắc Triều Tiên là rất ít. Miền Bắc cũng đã thể hiện sự quan tâm đối với ngành công nghiệp cá cược thể thao hoặc ngành công nghiệp tài trợ thể thao và đã tìm kiếm các nhà đầu tư Trung Quốc để thành lập nhà máy sản xuất sản phẩm thể thao. Từ đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang chú trọng vào ngành công nghiệp thể thao, nhưng để bộ môn cưỡi ngựa phát triển thành môn thể thao, dân số tham gia cần phải tăng. Để thực hiện được điều đó, nước này cần phải có nhiều sân cưỡi ngựa hơn, đồng thời giá cả phải rẻ hơn so với hiện tại. Hiện nay, Hiệp hội cưỡi ngựa Triều Tiên đang cố gắng thúc đẩy phổ biến hoạt động cưỡi ngựa thông qua các cuộc thi và sự kiện dành cho người hâm mộ. Tuy nhiên, dựa trên tình hình kinh tế và thu nhập của nhân dân ở Bắc Triều Tiên thì việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Có thể thấy phải cần thêm một khoảng thời gian thì môn cưỡi ngựa mới có thể tìm được chỗ đứng vững chắc ở miền Bắc với tư cách là “môn thể thao dễ dàng tiếp cận đối với người dân” theo như lời Chủ tịch Kim Jong-un.

Lựa chọn của ban biên tập