Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Đồ ăn vặt ở Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-10-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News
Mới đó mà đã bước vào tháng 10. Đây là lúc mà bầu trời trong xanh hơn với khí hậu mát mẻ. Mùa thu cũng là mùa thu hoạch, có nhiều món ăn để thưởng thức hơn. Vì thế, ta thường ăn nhẹ thêm món gì đó kể cả sau khi dùng bữa chính. Vậy ở Bắc Triều Tiên có những loại đồ ăn vặt thế nào nhỉ? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các món ăn vặt ở Bắc Triều Tiên cùng với giáo sư Jeon Young-sun thuộc Nhóm nghiên cứu nhân văn thống nhất của trường Đại học Konkuk.
 
Ở miền Bắc, khi nhắc đến nơi để mua đồ, người ta thường nghĩ ngay đến chợ truyền thống của nước này, hay còn gọi là “jangmadang”. Thế nhưng, gần đây ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng hiện đại. Các “siêu thị lớn phức hợp” mọc lên tại nhiều nơi ở nội thành Bình Nhưỡng, tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng mua thực phẩm, quần áo, các mặt hàng tạp hóa, đồ điện tử tại cùng một địa điểm. Đặc biệt, những quầy bán bánh kẹo luôn thu hút nhiều khách hàng.
 
Một cụ bà trả lời phỏng vấn cho biết bà đến quầy bánh kẹo mua quà cho 4 người cháu. Đối với các gia đình có con nhỏ thì chuyện phải ghé qua quầy bánh kẹo khi đi mua sắm là điều đương nhiên. Thế nhưng, trước đây người dân miền Bắc thường không có nhiều điều kiện để mua bánh kẹo dễ dàng. 
 
Bánh kẹo ở Bắc Triều Tiên chỉ mới được bán rộng rãi gần đây. Trước đó, bánh kẹo thường được xem là quà tặng trong các dịp đặc biệt như sinh nhật của các nhà lãnh đạo tối cao hoặc các ngày lễ quan trọng khác như ngày thành lập đảng Lao động 10/10, ngày thành lập chính quyền miền Bắc 9/9. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đội thiếu niên Bắc Triều Tiên 6/6, lãnh đạo của nước này thường tặng quà cho nhân dân và trẻ em, quy mô món quà cũng là công cụ để thể hiện tình yêu của vị lãnh tụ dành cho người dân sâu đậm đến mức nào. Đến thời của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, miền Bắc đã mở triển lãm bánh kẹo để thúc đẩy chất lượng và thiết kế của sản phẩm. Các sản phẩm xuất sắc được trao giấy khen và huân chương, qua đó nhấn mạnh nước này đang tập trung vào chất lượng sản phẩm và phát triển thiết kế.
 
Ở Bắc Triều Tiên, bánh kẹo là món quà được trao tặng trong các ngày lễ quốc gia, mang tính tượng trưng cho tình yêu của nhà lãnh đạo dành cho nhân dân.
 
Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un từng có bài phát biểu nói rằng các đội viên Đội thiếu niên là tương lai của đất nước, soi sáng ngày mai của tổ quốc. Vào năm 2020, ông Kim đã tặng “kẹo cao su nhãn hiệu Bong Bóng Bạc (Unbangul)” cho trẻ em toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đội thiếu niên Bắc Triều Tiên. 
 
Tại nhà máy sản xuất kẹo cao su ở Bình Nhưỡng, hãng kẹo cao su Bong Bóng Bạc đã sản xuất ra 9 vị kẹo cao su như dâu, nho, táo; chiếm được nhiều tình cảm từ Đội thiếu niên miền Bắc. Triển lãm bánh kẹo được tổ chức vào dịp Tết Thái dương, tức sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), đã dựng các tòa kiến trúc của Bình Nhưỡng và nhân vật hoạt hình bằng bánh kẹo, góp phần làm dịp lễ lớn nhất miền Bắc thêm ý nghĩa. Có thể thấy, các món ăn vặt của Bắc Triều Tiên mang ý nghĩa quan trọng cả về chính trị lẫn xã hội. Gần đây, bánh kẹo của nước này càng có nhiều chủng loại và mùi vị đa dạng. 
 
Thường thì miền Bắc có các loại bánh mì hoặc những mặt hàng kẹo dẻo khá mới mẻ đối với người Hàn Quốc, trong đó có mứt dẻo Danmuk. Đối với các loại bánh, có bánh rán hoặc bánh quy. Ngoài ra còn có một món ăn vặt khác nữa là kẹo mạch nha Yeot. Đây được xem là một loại kẹo cực kỳ quan trọng và phổ biến tại Bắc Triều Tiên. Tiếp theo đó là kẹo dẻo làm từ trái cây nấu chảy, như kẹo kỷ tử có ruột kẹo làm từ quả kỷ tử nấu chảy. Kem que ở miền Bắc thì được gọi là “Eskimo”, và tùy theo nguyên liệu mà có tên là Eskimo dâu hay Eskimo chanh.
 
Đồ ăn vặt Bắc Triều Tiên được chia thành các loại như bánh kẹo, bánh mì, kẹo mạch nha Yeot, mứt dẻo Danmuk; kem; nước ngọt. Ở một đất nước xem cả kẹo cao su là một món mang ý nghĩa chính trị, miền Bắc đang chế biến ra nhiều loại sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng. Lý do là chính sách sử dụng hàng nội địa của Chính phủ Chủ tịch Kim Jong-un và sự phát triển kinh tế địa phương.
 
Bề ngoài, Bắc Triều Tiên làm ra nhiều món ăn vặt để cung cấp nhiều món ăn cho người dân và thể hiện sự thay đổi trong hệ thống xã hội. Thế nhưng, về mặt sâu xa, có thể xem việc này có liên quan trực tiếp đến vấn đề kinh tế. Ví dụ, Bắc Triều Tiên đã từng không chú trọng vào hàng nội địa trong ngành công nghiệp thực phẩm, từ hàng hóa tiêu dùng cơ bản cho đến hàng tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy, việc phát triển ngành công nghiệp thực phẩm là một chiến lược để thúc đẩy sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, cùng với đó còn có một số mối liên quan đến ngành công nghiệp địa phương. Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, việc tạo ra giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông sản, nguyên liệu từ núi rừng, biển cả và đất đai được coi là một phần quan trọng của chính sách kinh tế. Do đó, ngành công nghiệp thực phẩm được xem là một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp địa phương, bằng cách sử dụng các nguyên liệu chính từ núi rừng và đất đai để sản xuất thực phẩm.
 
Từ lúc mới lên cầm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh vào chính sách nội địa hóa. Theo đó, ông đã áp dụng chế độ “quản lý trách nhiệm doanh nghiệp chủ nghĩa xã hội” với thành tố của chủ nghĩa tư bản, và nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa cũng như hạn chế nhập khẩu.
 
Trong một chương trình phát sóng của Bắc Triều Tiên, một người phụ nữ cho biết người dân miền Bắc luôn khắc ghi rằng các sản phẩm công nghiệp và thực phẩm của nước mình là nhất. Đặc biệt, những món thực phẩm nội địa nhận được nhiều tình cảm nhất từ người dân Bắc Triều Tiên là bánh nhiều lớp vị dâu sản xuất tại Nhà máy liên hợp thể thao Kumcob (Cúp vàng), kẹo tổng hợp của Nhà máy thực phẩm Sonhung, thực phẩm chế biến từ trái cây của Nhà máy chế biến trái cây tổng hợp sông Taedong (Đại Đồng).
 
Một quan chức của Nhà máy chế biến trái cây tổng hợp sông Taedong cho biết trước đây nhà máy này từng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, song đã chuyển sang dùng hàng trong nước để chế biến bánh kẹo cho người dân miền Bắc. Việc phát triển ngành công nghiệp thực phẩm tại các vùng nông thôn với mục đích giảm bớt sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn đã giúp cho các sản phẩm ăn vặt trở nên đa dạng hơn. Những món kẹo, bánh ngọt, kem được sản xuất từ nguyên liệu là trái cây và nông sản tại từng vùng địa phương, và dự án bồi dưỡng nền công nghiệp địa phương được thể hiện thông qua tên gọi của sản phẩm. 
  
Hàn Quốc thường hay chọn những cái tên hết sức đơn giản như “bánh vòng hành tây”, trong khi miền Bắc thì lại phải tuân thủ theo cách đặt tên dựa trên một số yếu tố nhất định như nguyên liệu. Do đó, tên đồ ăn vặt của nước này thường rất dài và chính xác. Chẳng hạn như “bánh trứng Rakhwasaeng” được làm từ đậu phộng mà tại Bắc Triều Tiên gọi là “lạc hoa sinh” cùng với trứng gà, hay “bánh que vị Rakhwasaeng” là bánh que dài có nhân đậu phộng, “bánh bông lan sô-cô-la” thì là loại bánh giống như Choco Pie và có sô-cô-la bên trong. Từ đó có thể thấy, cách đặt tên bánh kẹo của miền Bắc không có khái niệm nhãn hiệu, mà quan trọng là phải truyền đạt được chi tiết về sản phẩm. 
 
Bánh kẹo ở Bắc Triều Tiên thường có tên gọi dựa theo nguyên liệu chính. Chỉ cần nghe tên là có thể biết được món bánh kẹo này được làm từ những nguyên liệu nào. Các loại bánh nói chung cũng vậy. Bánh bông lan ở miền Bắc được gọi là “seolgi”, gồm nhiều loại như bông lan nhân bơ hoặc nhân trái cây. Bánh mì “so-ppang” thì bỏ nhiều loại nhân bên trong như đậu đỏ, mứt dâu, mứt táo. Ngoài ra còn có các loại bánh nhân thuốc bổ như bánh mì vitamin tổng hợp, bánh mì canxi. Mặt khác, món ăn vặt đa dạng nhất ở Bắc Triều Tiên là kẹo. 
 
Ở miền Bắc có kẹo Rakhwasaeng là kẹo đậu phộng, tên cũng được đặt theo nguyên liệu lạc. Ngoài ra, nước này còn đặt tên theo từng trường hợp đối với các loại kẹo có thêm mùi hoặc sữa. Ví dụ, kẹo nho, kẹo quýt, kẹo chuối là kẹo được thêm vị. Bên cạnh đó cũng có vô vàn các loại vị khác như nhân sâm, cà phê, đào. Đối với kẹo sữa, Bắc Triều Tiên có kẹo sữa vị dâu, vị nho, vị dứa, vị chanh, chỉ cần nghe tên là biết được thành phần kẹo. Không những thế còn có kẹo que, giống với Pepero hoặc Chupa Chups.
 
Tại một đất nước không có nhiều món ngọt, kẹo là một sản phẩm bán rất chạy ở miền Bắc. Các doanh nghiệp Nhà nước và địa phương đang sản xuất ra hàng trăm loại kẹo. Trong đó, “kẹo sữa bò” của Nhà máy thực phẩm tổng hợp Songdowon là sản phẩm nổi tiếng và có quảng cáo là món kẹo này được làm từ sữa bò sản xuất tại khu vực Kurung, xã Sepo, tỉnh Kangwon. Từ những năm 2010, nhiều sản phẩm của Bắc Triều Tiên đã ra mắt trên thị trường, nước ngọt cũng được cải tiến. 
 
Từ năm 2014, miền Bắc đã sản xuất nhiều loại đồ uống có ga với thiết kế hoặc hình dạng tương tự với cola và soda. Vào tháng 1/2014, Nhà máy liên hợp thể thao Kumcob đã sản xuất các sản phẩm như bánh kẹo và đồ uống có ga, và đã trở nên nổi tiếng với công chúng. Kể từ đó, có khoảng 70 sản phẩm mới được ra mắt hàng năm. Đồ uống có ga thường được phân loại dựa trên thành phần phụ gia, như đồ uống có ga hương mâm xôi hoặc đồ uống có ga hương táo. Cola thường được gọi là "nước ngọt có ga cacao " ở Bắc Triều Tiên. Một điều thú vị là miền Bắc còn có đồ uống có ga vị ngải cứu.
 
Ở Bắc Triều Tiên, đồ uống có ga được gọi là “nước ngọt có ga”. “Nước ngọt có ga cacao” được đựng trong bình nhựa và có màu giống như cola. Vào mùa hè thì nước này tăng cường sản xuất nước có ga soda. Nguyên liệu chính dùng trong soda Bắc Triều Tiên là đường, axit chanh, ga, tương tự như các loại nước có ga không màu khác trên thế giới. Các loại nước trái cây cũng đi kèm với thông tin về nguyên liệu chính, hạn sử dụng và điều kiện bảo quản. 
 
Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ tiếp tục nhấn mạnh về khả năng món ăn vặt miền Bắc tiếp tục có sự thay đổi vượt bậc. Một trong những vấn đề nghiêm trọng mà nước này đang đối mặt là khoảng cách quá lớn giữa Bình Nhưỡng và các địa phương. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng như trường học hay nhà ở hiện đang được tiến hành tại các vùng nông thôn. Ở từng địa phương cũng xuất hiện các nhà máy cải thảo. Mặc dù chỉ là quy mô nhỏ, nhưng việc các loại bánh kẹo làm từ rau củ hay hạt trái cây được sản xuất tại những nhà máy này liên quan đến việc tập trung trồng lúa mạch gần đây ở miền Bắc. Vì bánh kẹo là một trong những mặt hàng có thể xuất khẩu khá dễ dàng từ Bắc Triều Tiên, nên dự kiến rằng trong tương lai sẽ có nhiều loại bánh kẹo đa dạng được ra đời trong thời gian cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Mặt thiết kế cũng được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng.
 
Các công ty bánh kẹo ở miền Bắc đang rất tích cực phát triển sản phẩm mới. Nhà máy liên hợp thể thao Kumcob, nơi ông Kim Jong-un đã hai lần ghé thăm, hiện đang sản xuất hơn 1.000 loại bánh kẹo và nước ngọt. Các món ăn vặt đang phản ánh bộ mặt xã hội và thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên. 

Lựa chọn của ban biên tập