Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Giới trẻ Bắc Triều Tiên nghe nhạc gì?

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-10-25

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank
Tại Bắc Triều Tiên, người ta ngầm gọi nhóm nhạc K-pop “Đoàn thiếu niên chống đạn” (BTS) là “ba lô chống đạn”. Do đó, câu hỏi “Có từng đeo ba lô chống đạn hay chưa?” có hàm ý là đã từng nghe nhạc BTS, hoặc có phải là người hâm mộ BTS hay không. Ở một đất nước cấm nghe nhạc quốc tế bao gồm K-pop như miền Bắc, có người đã từng bị bắt giữ vì nhảy múa theo nhạc BTS. Vậy, người miền Bắc thích âm nhạc nói riêng và nền văn hóa đại chúng nói chung của miền Nam đến mức nào?
Theo bài phỏng vấn một người tị nạn Bắc Triều Tiên từng thực hiện vào năm 2016, cứ 10 người thì có khoảng 8 người dân miền Bắc biết rõ về phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, nước này đã tích cực thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật và thông tin. Theo đó, việc chia sẻ nội dung truyền thông qua điện thoại di động đã nổi lên như một hoạt động giải trí mới trong giới trẻ.

Hàn Quốc đã từng trải qua thời nghe nhạc bằng máy cát-sét, rồi đến máy đọc đĩa CD, máy nghe nhạc MP3, và điện thoại thông minh như hiện tại. Có thể thấy phương tiện nghe nhạc đã dần trở nên thu nhỏ theo biến chuyển của thời đại và sự thay đổi trong công nghệ. Miền Bắc cũng đã trải qua những thay đổi tương tự. Ở Bắc Triều Tiên, thuật ngữ "Thế hệ mới" dùng để chỉ những người được sinh ra từ cuối thập niên 1980 đến trước những năm 2000, vượt qua thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”, tức khủng hoảng kinh tế những năm 1990. Những thanh niên thuộc thế hệ này thường nhạy bén với xu hướng và nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi. Vì thế, theo kết quả cuộc khảo sát với đối tượng là những người tị nạn miền Bắc ở độ tuổi 20-30 từng có kinh nghiệm nghe nhạc kể từ sau khi Chủ tịch Kim Jong-un nắm quyền, những người này cho biết họ từng nghe nói hoặc thấy băng cát-sét nhưng lại không có kinh nghiệm sử dụng. Thay vào đó, họ là thế hệ đã trải nghiệm quá trình biến đổi của phương tiện nghe nhạc từ CD đến MP3 và MP4.

Đĩa CD và DVD về âm nhạc hoặc các buổi trình diễn thường được sản xuất tại công ty âm nhạc Kwangmyong hoặc hãng Video Mokran, sau đó được phân phối ra toàn quốc thông qua công ty xuất nhập khẩu ấn phẩm xuất bản Triều Tiên. Được biết, Bình Nhưỡng ngăn chặn triệt để các sản phẩm video và âm thanh không phải do nước mình phổ cập, sản xuất và mua bán. Vậy thì văn hóa nước ngoài được du nhập vào Bắc Triều Tiên như thế nào?

Văn hóa nước ngoài bắt đầu tràn vào miền Bắc trong thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990, khi người dân nước này mua bán và buôn lậu ở khu vực biên giới giáp ranh Trung Quốc. Cùng với đó, các sự kiện giao lưu văn hóa hai miền Nam-Bắc đa dạng nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 cũng đã tạo điều kiện để người dân miền Bắc được tiếp xúc với văn hóa miền Nam mặc dù vẫn còn hạn chế. Kể từ giữa những năm 2000, sự lan rộng của kỹ thuật số đã chính thức đưa văn hóa nước ngoài vào Bắc Triều Tiên. Các loại máy đọc video kiểu Trung Quốc, máy tính bảng giá rẻ và USB được lưu thông, khiến văn hóa bên ngoài tràn vào nước này, giúp người dân có thể nghe nhạc nước ngoài như K-pop. 

Đĩa CD thường to và dễ bị trầy xước, trong khi máy nghe nhạc MP3 có kích thước nhỏ hơn và được xem như một thế giới mới. Người dân Bắc Triều Tiên thường tải nhạc từ Trung Quốc hoặc ghi âm trái phép và sau đó cho vào các phương tiện lưu trữ rồi bán tại chợ. Người mua chỉ có thể cứ thế mà nghe các bản nhạc trong đó chứ không thể chọn lựa, nên có nhiều bản nhạc đa dạng không phân biệt thế hệ. Trong khi Hàn Quốc hay xếp hạng cho các ca khúc theo từng thời kỳ, và bảng xếp hạng thường thay đổi khi có ca khúc mới ra mắt, thì một tập tin âm nhạc của miền Bắc chứa nhiều bài hát thuộc đủ thời kỳ và thể loại khác nhau.

Khi máy MP4 với chức năng xem cả video ra đời, xu hướng chỉ nghe mỗi nhạc chuyển sang thành nghe nhạc kèm xem video, cách thưởng thức âm nhạc cũng thay đổi. Vào thời điểm đó, máy MP3 và MP4 có giá rất cao. Tuy nhiên, các thiết bị này phổ biến đến mức ai không sở hữu sẽ cảm thấy bị lạc loài. 

Có thể xem thời dùng máy nghe nhạc MP3 là lúc người nghe không quan tâm mấy về ca sĩ vì chỉ có thể nghe nhạc qua tập tin. Tuy nhiên, máy MP4 đi kèm với màn hình để xem các video âm nhạc, giúp người nghe nhìn thấy ca sĩ biểu diễn bài hát. Theo những người tham gia cuộc khảo sát, máy MP3 có giá rất đắt đỏ vào thời điểm được nhập vào miền Bắc, nên các thiết bị có màn hình để xem video như MP4 còn quý hiếm hơn. Ngoài ra, khi các phương tiện phát nhạc như MP3 bị truy quét để ngăn chặn sự du nhập của làn sóng Hàn Quốc Hallyu, người sử dụng có thể gặp rắc rối hoặc thậm chí là chịu những hậu quả nghiêm trọng. Và dù các thiết bị này có giá cao, nhưng vẫn được lưu hành thông qua một số ít bạn bè.

Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) từng phát sóng nội dung vị Nguyên soái kính yêu của người dân là ông Kim Jong-un nói rằng điện thoại cầm tay vừa đẹp, nhẹ lại rất dễ sử dụng do trang bị nhiều chức năng dịch vụ cần thiết cho việc gọi điện và học tập. Văn hóa sinh hoạt của Bắc Triều Tiên đã thay đổi đáng kể khi smartphone và máy tính bảng xuất hiện, âm nhạc cũng vậy. Thế hệ trẻ miền Bắc bắt đầu lưu trữ nhạc trong USB và thẻ nhớ SD, cũng như nghe nhạc từ điện thoại thông minh. 

Nếu như phương tiện lưu trữ trước đây là băng cát-sét, thì hiện tại thẻ nhớ SD dưới dạng chíp nhỏ nằm trong điện thoại thông minh đã trở thành công cụ lưu trữ mới. Tại Bắc Triều Tiên, thẻ nhớ SD được gọi là thẻ D hoặc thẻ T. Thẻ nhớ đã được sử dụng rộng rãi do có thể lưu trữ nhiều tập tin đa dạng bao gồm cả file âm nhạc, không để lại lịch sử xem, kích thước nhỏ gọn.

Ngày nay, trong điện thoại thông minh và máy tính bảng thường được cài sẵn các ứng dụng nghe và phát nhạc; nhiều nội dung đa dạng liên quan đến âm nhạc cũng đang được phát triển. Vào năm 2020, trang tuyên truyền đối ngoại của miền Bắc “Meari” (Tiếng vọng) đưa tin Trung tâm thông tin âm nhạc Hana đã phát triển và ra mắt chương trình “nhạc đệm màn hình” dùng cho điện thoại di động mang tên “Jongso” phiên bản 1.0, mang hình thức ca hát song song với thưởng thức nhạc, cho phép nhiều người có thể chọn ca khúc để hát, có điểm số để đánh giá và xếp hạng. Ứng dụng này đã thể hiện rõ văn hóa nghe nhạc tập thể của Bắc Triều Tiên. 

Nhạc đệm màn hình có giai điệu ghi âm sẵn tương ứng với lời bài hát hiển thị trên màn hình để người hát có thể hát theo, nói dễ hiểu là nhạc đệm không lời (instrumental) trong các máy hát karaoke ở Hàn Quốc. Chính quyền Bắc Triều Tiên không chỉ cung cấp nội dung học hát dựa trên nhạc đệm, mà còn thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, tivi và radio để phổ biến về các bản nhạc mới được sáng tác dưới sự chỉ đạo của đảng. Ngoài ra, nước này còn học nhạc theo từng đơn vị, chơi nhạc theo nhóm. KCTV cũng phát sóng các chương trình về nhạc đệm. 

Phương tiện nghe nhạc phát triển từ đĩa CD cho đến máy MP3, MP4 và điện thoại di động, dẫn đến việc hưởng thụ âm nhạc của thế hệ trẻ có xu hướng cá nhân hóa. Hoạt động nghe nhạc ở miền Bắc thường chịu sự theo dõi và kiểm soát từ đảng. Do đó, người dân nước này thường dùng loa ngoài để nghe nhạc đại chúng Bắc Triều Tiên vào các dịp tụ tập như sinh nhật hoặc ngày đặc biệt, và dùng tai nghe để nghe nhạc nước ngoài. Tuy nhiên, chẳng có mấy người đeo tai nghe khi đi lại ngoài đường. 

Người Hàn Quốc thường dùng tai nghe để tránh tiếng ồn từ bên ngoài. Trong khi đó, người sử dụng tai nghe ngoài đường ở miền Bắc có thể bị gọi lại kiểm tra. Đa số thanh thiếu niên nước này dùng tai nghe để nghe nhạc một mình tại nhà. Ở Bắc Triều Tiên cũng có tai nghe kết nối bằng bluetooth. Các phương tiện truyền thông đối ngoại của Bắc Triều Tiên đã giới thiệu tai nghe bluetooth với các cụm từ như "tai nghe bluetooth thuận tiện cho việc tập thể dục" hoặc "tai nghe bluetooth chất lượng cao". Người dân miền Bắc thường sử dụng tai nghe bluetooth vì tính năng hữu ích trong các hoạt động thể thao như lái xe máy hoặc xe đạp. Thêm vào đó, loại tai nghe này đã trở thành một loại món phụ kiện thời trang cho các nam sinh trẻ tuổi.

Bình Nhưỡng bắt đầu tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt khi ngày càng có nhiều người dân tiếp xúc với âm nhạc quốc tế như K-pop. Thông qua lần sửa đổi bộ luật năm 2015, Bắc Triều Tiên đã quy định sẽ xử phạt nặng đối với các trường hợp xem hoặc nghe văn hóa ngoại lai như phim truyền hình và nhạc Hàn Quốc. Vào năm 2017, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã trực tiếp chỉ thị phải tiêu diệt tận gốc “mầm mống” phi xã hội chủ nghĩa. Ông Kim cũng tiếp tục nhắc lại yêu cầu này trong bài phát biểu mừng năm mới 2018. Miền Bắc đã liên tục ban hành các bộ luật nhằm duy trì thể chế và kiểm soát người dân, như Luật bài xích văn hóa tư tưởng phản động năm 2020, Luật đảm bảo kiến thức thanh niên 2021, Luật bảo vệ ngôn ngữ văn hóa Bình Nhưỡng 2023. Cùng với đó, việc kiểm soát điện thoại di động cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo lời một người tị nạn Bắc Triều Tiên vào năm 2016, người này đã từng cho phim Hàn Quốc vào thẻ nhớ để xem trên điện thoại, khi có người kiểm tra thì sẽ rút thẻ nhớ ra. Vì ngày càng có nhiều người dân miền Bắc nghe nhạc hoặc xem video nước ngoài, Chính phủ Bắc Triều Tiên đã cho lấp hết lỗ cắm thẻ nhớ trên điện thoại di động. Sự phát triển về phương tiện lưu trữ nhạc kéo theo những thay đổi về phương thức kiểm tra và hạn chế của Chính phủ. Kết quả là các chương trình “lách luật” cũng càng trở nên tinh xảo hơn. 

Các bước tiến trong công nghệ cũng dẫn đến sự thay đổi trong việc quản lý và kiểm soát của Chính phủ, cũng như các hành vi trái phép của người dân Bắc Triều Tiên. Kích thước của các thiết bị lưu trữ cũng dần được thu nhỏ. Chính phủ đã lắp đặt các chương trình ghi lại nội dung đã xem trên điện thoại và tiến hành kiểm tra đột xuất để tìm kiếm nội dung không phù hợp hoặc thực hiện các biện pháp cấp quốc gia để tịch thu thiết bị. Về phần mình, người sử dụng đã áp dụng những phương thức “lách luật” mới như thay đổi cấu trúc thiết bị để chương trình của Chính phủ không thể đọc được, hay dùng chương trình xóa lịch sử đã xem.

Tờ Bưu điện Washington của Mỹ năm 2019 đã đăng bài với tựa đề “K-pop đã giúp giới trẻ Bắc Triều Tiên vượt qua ranh giới như thế nào?”, mang nội dung là những người miền Bắc trẻ tuổi sau khi nghe nhạc K-pop đã trở nên ngưỡng mộ nền văn hóa mới và quyết định vượt biên tị nạn. Không những thế, tờ báo còn ví nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc đang đóng vai trò tương tự như âm nhạc của The Beatles và David Bowie trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã ảnh hưởng đến những nước Đông Âu theo chủ nghĩa xã hội. Chúng ta hãy cùng theo dõi xem văn hóa đại chúng Hàn Quốc bao gồm K-pop sẽ tạo ra những thay đổi gì cho giới trẻ cũng như xã hội Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập