Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Lịch sử giao lưu âm nhạc giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-11-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Bài hát mang tên “Rất vui được gặp bạn” do dàn nhạc giao hưởng Samjiyon của Bắc Triều Tiên trình diễn vào năm 2018, khi miền Bắc tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Đây là ca khúc mà phía Bình Nhưỡng hay biểu diễn trong các sự kiện giao lưu giữa hai miền. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên có nhiều lần cùng trình diễn vào thời điểm mối quan hệ liên Triều được cải thiện. Tuy nhiên, những màn giao lưu như vậy đã dừng lại từ sau năm 2018. 

Danh sách bài hát trình diễn là một phần quan trọng, có tính biểu tượng và thường được xem như một thông điệp chính trong buổi biểu diễn đó. Xét theo các buổi biểu diễn từ trước đến nay, “Dòng sông Duman ngập nước mắt” là một bài hát rất hay được biểu diễn. Nhạc phẩm mở đầu thường là “Rất vui được gặp bạn”, còn khi kết màn thường trình diễn các bài như “Núi Baekdu và Halla là tổ quốc tôi”, “Dân tộc chúng ta”, “Ước mơ của chúng ta là thống nhất” và “Hẹn gặp lại”. Những bài hát liên quan đến thống nhất đất nước như vậy thường được chọn cho các buổi biểu diễn âm nhạc chung giữa hai miền. Ngoài ra, trong buổi hòa nhạc cổ điển, dân ca “Arirang” cũng hay được trình diễn. Mặc dù khung chương trình lặp đi lặp lại có thể xem là nhàm chán, nhưng sẽ có lúc khiến khán giả vô tình rơi nước mắt, đây có thể xem là sức mạnh của âm nhạc.

Có thể nói hoạt động giao lưu âm nhạc liên Triều đã bắt đầu vào năm 1985. Vào tháng 5/1985, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí tổ chức sự kiện thăm quê và trình diễn nghệ thuật cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tháng 9 năm đó, các gia đình bị ly tán đã lần đầu tiên có một cuộc đoàn tụ kể từ khi bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt. Đoàn nghệ thuật của hai miền Nam-Bắc đã mở buổi biểu diễn chung tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc ở Seoul và Nhà hát lớn Bình Nhưỡng ở Bình Nhưỡng. 

Sự kiện này có sự tham gia của một đoàn thăm quê gồm 50 người bị ly tán, một đoàn biểu diễn nghệ thuật gồm 50 người, 30 phóng viên và 20 người hỗ trợ, tổng cộng mỗi bên có 151 người. Khung chương trình đặt trọng tâm vào việc khôi phục sự đồng thuận dân tộc thông qua chia sẻ văn hóa chung. Vì là lần gặp gỡ đầu tiên, buổi biểu diễn tập trung chủ yếu vào âm nhạc truyền thống. Khác với mục đích là giao lưu âm nhạc để xem phương thức bảo tồn âm nhạc truyền thống của đối phương, buổi diễn này được đánh giá là để xác nhận những điểm khác biệt trong văn hóa hai miền sau khi bị chia cắt. 

Mối quan hệ liên Triều đã có nhiều biến chuyển sau những năm giữa thập niên 1980. Hội nghị cấp cao liên Triều đầu tiên được tổ chức vào năm 1990. Đoàn nhạc truyền thống Seoul đã tham dự Nhạc hội thống nhất toàn dân tộc diễn ra vào tháng 10 tại Bắc Triều Tiên. Tháng 12 cùng năm, đoàn biểu diễn của miền Bắc đã đến Nhạc hội truyền thống thống nhất tống niên năm 1990 tại Trung tâm nghệ thuật Seoul và Nhà hát quốc gia Hàn Quốc, trình diễn cách hát mới và các nhạc cụ cách tân ở đây.
Vào cuối những năm 1990, quan hệ hai miền đã có nhiều tiến triển khi chính sách Bắc Triều Tiên được tích cực xúc tiến, hoạt động văn hóa cũng được mở rộng. Đặc biệt, khi “Tuyên bố chung liên Triều” được đưa ra vào ngày 15/6 năm 2000, các dự án hợp tác giao lưu trong lĩnh vực văn hóa xã hội đã tăng lên nhanh chóng. Vào tháng 8 cùng năm, Dàn nhạc giao hưởng của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Triều Tiên đã có buổi hòa nhạc giao hưởng hai miền tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Hai năm sau đó là năm 2002, Dàn nhạc giao hưởng KBS đã đến Bình Nhưỡng và trình diễn tại lễ hòa nhạc giao hưởng hai miền nhân dịp Tết Trung thu. Đặc biệt, tiết mục dân ca Arirang do Dàn nhạc giao hưởng liên Triều phối hợp thể hiện đã mang lại một niềm cảm kích cho người nghe. Buổi biểu diễn khi đó được xem là hoạt động giao lưu tượng trưng cho sự hòa giải mâu thuẫn giữa hai miền. 

Kể từ sau Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000, người dân đã có nhiều kỳ vọng về bầu không khí hòa hợp hai bên. Khi đó, các dàn nhạc giao hưởng đại diện hai miền Nam-Bắc đã tổ chức buổi hòa nhạc lần đầu tiên, cùng đứng chung trên sân khấu và cùng chơi một bản nhạc. Có thể xem buổi hòa nhạc này là một biểu tượng cho thấy Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tìm kiếm những cơ hội mới cho sự hợp tác hai nước trong lĩnh vực âm nhạc. Ngoài ra, việc hai miền cùng phát sóng trực tiếp buổi hòa nhạc trên tivi cũng mang ý nghĩa lớn.

Kể từ sau đó, hoạt động giao lưu âm nhạc thường được tiến hành bởi các hãng truyền thông, với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng. Tại Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản cùng đăng cai, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cùng tham dự buổi công diễn đặc biệt do Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc tổ chức tại Bình Nhưỡng. Khi đó, phía miền Nam có hai nữ ca sĩ Lee Mi-ja và Choi Jin-hee, nam ca sĩ nhạc rock Yoon Do-hyun, giọng nam cao Yim Ung-kyun, phía miền Bắc có các diễn viên nhân dân và diễn viên có công với tổ quốc. Sau đó, các buổi công diễn được mở rộng cho những nghệ sĩ thuộc nhiều thể loại lẫn thế hệ tham gia, như ca sĩ Jo Young-nam, Lee Sun-hee, nhóm nhạc thần tượng Shinhwa và Baby V.O.X. Bên cạnh đó, nam ca sĩ Cho Yong-pil cũng đã tổ chức concert cá nhân tại Bình Nhưỡng vào năm 2005 với 7.000 khán giả nước này. Đặc biệt, phải kể đến “Cuộc thi hát toàn quốc tại Bình Nhưỡng” tập đặc biệt nhân lễ Quốc khánh (15/8/1945) do KBS tổ chức vào năm 2003. “Cuộc thi hát toàn quốc” của đài KBS vốn là chương trình thi hát dành cho người dân, tìm kiếm tài năng ca hát tại mọi địa phương trên toàn Hàn Quốc. MC của “Cuộc thi hát toàn quốc tại Bình Nhưỡng” là diễn viên hài gạo cội Hàn Quốc Song Hae quê ở miền Bắc và một phát thanh viên nữ của Bắc Triều Tiên. Chương trình này được phát sóng ở cả hai miền Nam-Bắc. Bà Ha Seung-hee giải thích về ý nghĩa của “Cuộc thi hát toàn quốc tại Bình Nhưỡng”:

Ngay từ khâu dựng lên số đặc biệt này có sự tham gia của miền Nam và miền Bắc. Đây là nơi để giới thiệu các bài hát dân ca, bài hát thiếu nhi, cũng như âm nhạc đại chúng của Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, cuộc thi còn tạo cơ hội để hai miền có thể xem xét khả năng mở rộng khung bài hát biểu diễn chung, đồng thời cũng vô cùng ý nghĩa khi mà bất cứ người dân nào cũng có thể tham gia. 

Hoạt động giao lưu âm nhạc liên Triều đã trở nên thưa thớt khi mối quan hệ hai miền dần nguội lạnh từ sau năm 2005. Cho đến năm 2018, dàn nhạc giao hưởng Samjiyon của Bắc Triều Tiên đã đến Hàn Quốc nhân Olympic mùa đông PyeongChang 2018, cùng với đó là công diễn tại Trung tâm nghệ thuật Gangneung ở tỉnh Gangwon và Nhà hát quốc gia Hàn Quốc tại Seoul. Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon bao gồm những nhạc công xuất sắc nhất của miền Bắc, được thành lập để biểu diễn tại Hàn Quốc. Dàn nhạc này đã biên lại bài hát “Gửi đến J” của nữ ca sĩ Hàn Quốc Lee Sun-hee, với sự trình diễn của hai giọng ca nữ và dàn hát bè, thể hiện khung chương trình đa dạng thông qua các bài hát Hàn Quốc và nhạc giao hưởng. 

Trước đó, hoạt động giao lưu âm nhạc liên Triều thường nhằm kỷ niệm các sự kiện chung của hai nước và để chúc mừng. Tuy nhiên, chuyến công diễn ở Hàn Quốc của dàn nhạc Samjiyon có những điểm khác biệt với các buổi diễn khác trong quá khứ là được tổ chức nhân dịp Olympic mùa đông PyeongChang 2018, một sự kiện mang tính biểu tượng về hòa bình và hòa hợp giữa các nước trên thế giới. Với tên gọi “Chúng ta là một”, chuyến công diễn được phân tích là để khôi phục lại tính đồng nhất giữa hai miền. Buổi biểu diễn vốn tập trung vào hai miền Nam-Bắc nay được cho là mở rộng ra tầm cỡ quốc tế.

Hai buổi công diễn mang tựa đề thấm đậm tình cảm “Xuân về” đã diễn ra tại Bình Nhưỡng. Mở đầu là video hologram và tác phẩm múa. Hai nữ ca sĩ Hàn Quốc Jung-in và Ali đã cùng hòa nhịp với các ca sĩ Bắc Triều Tiên, cất tiếng ca hát bài “Gương mặt” 

Khác với trước đây, buổi biểu diễn “Xuân về” đã tận dụng các yếu tố tượng trưng trong tên gọi và lời bài hát. Nghệ sĩ tham gia cũng đã chọn các bản nhạc phù hợp với chủ đề hòa bình và thống nhất để trình diễn. Những người đã từng biểu diễn ở Bắc Triều Tiên đã chọn ca khúc mà họ từng thể hiện trước đây, để hồi tưởng về ký ức ngày xưa hoặc thể hiện các ca khúc mà dàn nhạc giao hưởng Samjiyon đã trình diễn trong chuyến thăm Hàn Quốc trước đó, như một phương thức đáp lễ.

Trong phần cuối của chương trình, ca sĩ hai miền và khán giả đã cùng đồng thanh hát “Ước mơ của chúng ta là thống nhất” và “Hẹn gặp lại”, hứa hẹn về một buổi diễn tiếp theo. Sau chuyến công diễn “Xuân về” của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã lên kế hoạch cho buổi diễn tại Seoul với tựa đề “Thu đến”. Thậm chí, lịch trình của buổi diễn cũng được ghi rõ là tháng 10 trong “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng” tháng 9/2018. Tuy nhiên, nhiều mùa thu đã qua đi kể từ đó, nhưng chương trình này vẫn chưa được thực hiện. 

Lựa chọn của ban biên tập