Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tàu hỏa chuyên dụng cho giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-11-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Sau khi kỹ sư người Anh George Stephenson phát minh ra động cơ hơi nước vào đầu thế kỷ XIX, hệ thống đường sắt đã thay đổi cuộc sống của thế giới. Những toa tàu trên đường ray đã chở hàng triệu người và hàng hóa đi vùng xa xôi, các thành phố mọc lên và nền kinh tế phát triển ở những nơi có đường sắt. Song, với sự gia tăng nhanh chóng của ô tô và sự phổ biến của máy bay, vị thế của tàu hỏa không bằng như trước đây. Tuy vậy, lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn ưa thích sử dụng tàu hỏa. Thậm chí trong những chuyến công du nước ngoài, họ vẫn ưa dùng tàu hỏa riêng thay vì máy bay. 
Tháng 9 vừa qua, mọi ánh mắt của thế giới đổ dồn về Bắc Triều Tiên. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin về việc Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã bắt đầu hành trình đến Nga bằng tàu hỏa riêng vào ngày 10/9/2023. Trên thực tế, tàu hỏa riêng của Chủ tịch Kim Jong-un đã dừng chân tại ga Khasan ở vùng Primorsky (Nga) sáng ngày 12/9, và ngay ngày hôm sau 13/9, ông Kim đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm vũ trụ Vostochny của Nga. Đây là cuộc gặp giữa lãnh đạo thượng đỉnh của hai nước sau 4 năm và 5 tháng. Trong lần viếng thăm Nga trước đây, ông Kim Jong-un cũng đã sử dụng tàu hỏa làm phương tiện di chuyển. 

Sau khi lên nắm quyền cho đến trước năm 2018, Chủ tịch Kim Jong-un đã tập trung vào đối nội và gần như không có hoạt động đối ngoại nào. Ông Kim bắt đầu có các hoạt động giao lưu quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018, 5 hội nghị cấp cao với Trung Quốc, một cuộc hội đàm thượng đỉnh với Nga và hai cuộc gặp cấp cao với Mỹ. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Chủ tịch Kim hầu như không có hoạt động đối ngoại nào cho đến gần đây là chuyến thăm Nga để gặp Tổng thống Putin vào năm nay. Ngoại trừ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6/2018 tại Singapore và cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung-Triều vào tháng 5/2018 tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), Chủ tịch Kim Jong-un đã sử dụng tàu hỏa cho tất cả các chuyến công du quốc tế.

Vào tháng 4/2019, Chủ tịch Kim Jong-un đã di chuyển bằng tàu hỏa tới Nga trên đoạn đường lên tới khoảng 1.200 km. Hai tháng trước đó, ông cũng đã có chuyến đi 60 giờ bằng tàu hỏa đến Hà Nội, trong Hội nghị thưởng đỉnh Mỹ-Triều với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong chuyến công du tới Trung Quốc hồi tháng 5/2018, Chủ tịch Kim Jong-un đã ngồi trên chuyên cơ riêng Chamme 1 để bay đến thành phố Đại Liên và Bắc Kinh. Một tháng sau đó, ông sử dụng máy bay do Trung Quốc cung cấp phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore. Vậy đâu là lý do ông Kim sử dụng tàu hỏa để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019, dù thời gian bay từ Bắc Triều Tiên đến Hà Nội chỉ mất 3-4 giờ. 

Lý do quan trọng nhất khiến lãnh đạo miền Bắc sử dụng tàu hỏa là về mặt an toàn. Tàu hỏa có nhiều khoang, có thể phân tán mục tiêu. Khi di chuyển bằng tàu chuyên dụng, miền Bắc luôn bố trí ba toa tàu. Toa chở vệ binh phía trước, toa riêng của ông Kim Jong-un, toa còn lại sẽ chở vệ binh hoặc chở hàng. Điều này tạo ra lợi thế trong việc đối phó với nguy cơ khủng bố và bảo vệ an toàn vì không thể biết được lãnh đạo miền Bắc ở toa tàu nào. Nếu sử dụng máy bay, đường bay có thể dễ dàng bị theo dõi hay bị tấn công từ bên ngoài. Vì vậy, việc sử dụng tàu hỏa có thể coi là biện pháp đảm bảo an toàn trong mọi tình huống nguy hiểm. 

Ngoài ra, thời gian di chuyển kéo dài sẽ tạo ra sự quan tâm liên tục trong nhiều ngày, giúp tăng cường tuyên truyền đến thế giới. Các chuyến công du bằng tàu hỏa của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã bắt đầu từ thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un. 

Tại miền Bắc, ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành được gọi là Tết Thái Dương. Do đó, từ “Thái Dương” mang hàm ý về ông Kim Nhật Thành. Tàu Thái Dương cũng là tên chính thức của chiếc tàu đặc biệt mà lãnh đạo thượng đỉnh của Bắc Triều Tiên sử dụng, và cũng thường được người dân nước này gọi là “Tàu đặc biệt” hoặc “Tàu số 1”. Tàu này được cho là một món quà từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là ông Joseph Stalin tặng cho cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ngoại trừ chuyến công du đến Indonesia bằng máy bay vào năm 1965, trong thời gian tại vị của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, hai cha con cũng chỉ sử dụng tàu hỏa khi thăm nước ngoài. 

Tàu Thái Dương được xem như “đôi chân” của các nhà lãnh đạo cao cấp Bắc Triều Tiên. Được cho là mắc chứng sợ độ cao, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã sử dụng tàu hỏa trong suốt quá trình di chuyển ra nước ngoài để phẫu thuật chữa bệnh. Theo truyền thông Hàn Quốc, nơi cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời chính là bên trong “Tàu số 1” của ông. Con tàu đặc biệt này có khoảng 20 toa. Mặc dù có đến 4 toa chở đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị y tế nhưng vẫn không thể cứu được cố Chủ tịch Kim Jong-il. 
Nối tiếp ông nội Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong-il thường xuyên đi công du nước ngoài bằng tàu hỏa, có thể nói, tình yêu của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đối với tàu hỏa vẫn còn kéo dài qua ba thế hệ. Vậy các con tàu đặc biệt này trông như thế nào? 

Nhìn từ bên ngoài, tàu Thái Dương được sơn màu xanh đậm, không quá sặc sỡ. Nếu nhìn từ phía trên, nó giống màu của cây cối và rừng, nên không bắt mắt, dễ ngụy trang. Bên trong tàu có các khoang điều khiển, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng ăn và kho lưu trữ. Mọi hoạt động bao gồm các cuộc họp có thể được thực hiện bên trong tàu. Tàu được lắp các thiết bị thông tin vệ tinh. Máy tính trong từng khoang khách được kết nối qua mạng. Sàn và cửa kính được gia cố bằng tấm chống đạn, đảm bảo tính an toàn và khả năng tránh sự quan sát từ vệ tinh bằng lớp phủ hấp thụ tia hồng ngoại. Con tàu đặc biệt này đã được thiết kế để cung cấp mức bảo vệ tối đa cho lãnh đạo trong suốt quá trình di chuyển. 

Tàu Thái Dương có khả năng thay đổi cấu trúc của các toa xe tùy thuộc vào điểm đến và mục tiêu. Bên trong, tàu trang bị thiết bị truyền thông cần thiết cho công việc và vũ khí như súng cối để bảo vệ lãnh đạo cao cấp. Con tàu đặc biệt này còn nổi tiếng với việc có toa vận chuyển xe bọc thép Mercedes-Benz với trang trí nội thất sang trọng.
Truyền thông Bắc Triều Tiên từng công bố hình ảnh bên trong tàu của cố Chủ tịch Kim Jong-il khi ông thăm Nga, với các thiết bị an ninh tiên tiến và các tiện nghi cấp độ khách sạn sang trọng. Cố Chủ tịch Kim Jong-il, đã sử dụng tàu đặc biệt của mình khi đón tiếp các khách quý nước ngoài như quan chức cấp cao Nga. Trong cuốn hồi ký của một tướng quân đội Nga từng tiếp đón ông Kim Jong-il vào năm 2001, có nội dung "tàu đặc biệt của Tổng thống Putin cũng không đẹp như tàu của Kim Jong-il" để nhấn mạnh về độ xa hoa của con tàu này. Tuy nhiên, tàu Thái Dương cũng có nhược điểm. 

Tốc độ tối đa của tàu Thái Dương ước tính là khoảng 100 km/h. Do được trang bị các tấm thép chống đạn, tốc độ của tàu chậm hơn so với các tàu cao tốc ở nhiều nơi trên thế giới. Như tàu cao tốc ở Anh có tốc độ 200 km/h, tàu cao tốc Shinkansen Nhật Bản có tốc độ lên tới 320 km/h. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 9/2023 của Chủ tịch Kim Jong-un vừa rồi, lộ trình từ Bình Nhưỡng đến Khasan của Nga mất đến hai ngày. Xét theo việc hệ thống đường sắt ở miền Bắc đã quá cũ kết hợp với việc đoạn đường Baranovsky-Khasan ở Nga cũng được coi là phần xuống cấp nhất trong hệ thống đường sắt tại Nga, tốc độ của tàu khó có thể vượt quá 50 km/h. 

Không những do tình trạng cơ sở hạ tầng đường sắt đã lỗi thời, việc được trang bị các tính năng bảo vệ bằng thép, đầu nổ và pháo làm cho tàu Thái Dương trở thành một pháo đài di động, tuy sang trọng nhưng lại rất chậm chạp. Vì vậy, con tàu này luôn duy trì tốc độ dưới 100 km/h. 

Theo nội dung xuất bản trong giáo trình trung học cao cấp của Bắc Triều Tiên vào năm 2015, Chủ tịch Kim Jong-un không chỉ là một phi công giỏi mà còn được mô tả là biết lái xe từ khi còn 3 tuổi, và thậm chí còn biết lái thuyền. Tuy nhiên, để tôn vinh và thể hiện hình ảnh tiếp nối truyền thống lãnh đạo, khi tiến hành các cuộc họp với Trung Quốc, ông lựa chọn sử dụng tàu Thái Dương mà cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã sử dụng. Điều này được cho là có mục đích nhằm truyền tải hình ảnh giữ gìn và kế tục truyền thống lãnh đạo qua ba thế hệ của miền Bắc. 

Thông qua đó, Chủ tịch Kim Jong-un muốn tạo ấn tượng về hình ảnh của bản thân như một nhà lãnh đạo xuất chúng, yêu thương người dân Bắc Triều Tiên. Trong bộ phim tài liệu do KCTV phát sóng năm 2022 với tên gọi "Người cha của nhân dân" có hình ảnh ông Kim Jong-un đang làm việc trên tàu riêng. Trên bàn làm việc khi ông trò chuyện với các quan chức đảng Lao động, có máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại di động. Việc này cho thấy rằng ông có thể chỉ thị các công việc chính bất kỳ lúc nào, ngay cả khi đang di chuyển, và tạo ra hình ảnh về một lãnh đạo vì dân.

Miền Bắc thường xuyên sản xuất các phim tài liệu nhằm quảng bá hình ảnh làm việc miệt mài của các nhà lãnh đạo, dài từ 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút. Để thực hiện những thước phim như vậy không chỉ cần có cảnh làm việc tại văn phòng, mà còn cần cả cảnh giải quyết các vấn đề về cuộc sống của người dân trên tàu riêng nhằm tuyên truyền hình ảnh của lãnh đạo. Do đó, Chủ tịch Kim Jong-un hay huy động “Tàu số 1” để thực hiện các chuyến thị sát khắp nơi trên toàn miền Bắc, giải quyết vấn đề ăn ở của nhân dân. 

Đâu sẽ là điểm đến tiếp theo của con tàu đặc biệt này? Việc lựa chọn sử dụng tàu riêng để thực hiện chuyến công du đến Nga của Chủ tịch Kim Jong-un gần đây đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận về hoạt động đối ngoại tiếp theo của ông. 

Lựa chọn của ban biên tập