Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc hoãn tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca

2021-04-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhóm xúc tiến tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố tiến hành xem xét về mối liên quan giữa vắc-xin của hãng dược Anh với việc phát sinh một số biến chứng đông máu sau khi tiêm.

 

Lý do dừng tiêm vắc-xin

Nhóm xúc tiến tiêm chủng ngày 7/4 đã mở cuộc họp bất thường có sự tham gia của các chuyên gia ở lĩnh vực vắc-xin. Giám đốc Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) kiêm Trưởng nhóm xúc tiến Jung Eun-kyeong cho biết quyết định tạm dừng tiêm vắc-xin của hãng AstraZeneca là biện pháp đối phó chủ động, nhằm đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Trong thời gian tới, cơ quan phòng dịch sẽ dựa trên nội dung công bố của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu, thảo luận chặt chẽ với các chuyên gia trong nước để đối phó một cách nhanh chóng.

 

Vào tháng trước, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu ra kết luận rằng không có mối liên quan giữa vắc-xin của hãng dược AstraZeneca với sự gia tăng biến chứng đông máu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nói rằng không loại trừ khả năng về mối liên quan giữa việc tiêm vắc-xin với việc phát sinh một số trường hợp rất hiếm gặp là đông máu nội mạch lan tỏa (DIC) và huyết khối xoang tĩnh mạch não (CVST). Đây là hai biến chứng xảy ra đồng thời với sự gia tăng huyết khối (cục nghẽn) và giảm tiểu cầu trong máu. Phần lớn các trường hợp này xuất hiện ở nữ giới dưới 55 tuổi sau khi tiêm vắc-xin của hãng dược Anh. Tại Hàn Quốc, cho tới nay đã ghi nhận ba trường hợp phát sinh biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin này.

 

Đối tượng bị hoãn tiêm chủng

Hiện tại, đối tượng đang được tiêm bằng vắc-xin của hãng dược Anh là người sống và làm việc tại các cơ sở điều dưỡng, nhân viên đối phó tuyến đầu với dịch COVID-19, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Việc tiêm chủng được triển khai từ cuối tháng 2, và hầu như đã hoàn tất tiêm mũi một. Từ ngày 8/4, vắc-xin của hãng dược AstraZeneca dự kiến được tiêm cho người làm việc tại các trường giáo dục đặc biệt trên toàn quốc, nhân viên y tế tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, giáo viên và nhân viên chăm sóc tại các nhà trẻ, trường dành cho trẻ em khuyết tật. Ngoài ra, từ ngày 9/4, khoảng 110.000 người gồm những người sống và làm việc tại các cơ sở dành cho người khuyết tật, các trung tâm chăm sóc người cao tuổi quy mô nhỏ, các cơ sở dành cho người bị bệnh lao, bệnh phong, trại giam, cũng được triển khai tiêm bằng loại vắc-xin này. Trong tổng số 183.000 người thuộc đối tượng tiêm, đã có khoảng 143.000 người đồng ý tiêm, và đã có hơn 80.000 người được tiêm. Có nghĩa là khoảng 142.000 người đang bị hoãn tiêm phòng. Ngoài ra, Chính phủ cũng tạm dừng tiêm phòng bằng loại vắc-xin hãng AstraZeneca với khoảng 38.000 người dưới 60 tuổi đang được triển khai.

 

Tình hình tiêm chủng và lo ngại dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh

Việc Chính phủ Hàn Quốc quyết định tạm dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca càng làm gia tăng tâm lý bất an trong xã hội, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 đang có xu hướng bùng phát trở lại. Bước sang tháng 4, số ca nhiễm mới có chiều hướng tăng vọt, lên tới 700 ca/ngày. Nhiều ý kiến đang lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 4, thậm chí một số ý kiến còn cho rằng làn sóng lây nhiễm mới đã bắt đầu. Tính tới ngày 8/4, đã có 1.075.000 người hoàn tất tiêm phòng mũi một, hơn 42.000 người đã tiêm xong cả hai mũi, tỷ lệ tiêm chủng trên tổng dân số đạt 2,06%. Vấn đề đặt ra là tỷ lệ người tiêm vắc-xin AstraZeneca ở mức lớn hơn. Trong số những người đã tiêm, có 903.000 người tiêm bằng vắc-xin của hãng dược Anh, 172.000 người tiêm bằng vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ). 60% lượng vắc-xin COVID-19 mà Hàn Quốc nhập về trong nửa đầu năm nay là của hãng AstraZeneca. Theo đó, dự kiến tháng 4 sẽ trở thành bước ngoặt lớn nhất với tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc trong năm 2021.

Lựa chọn của ban biên tập