Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Thế giới cán mốc 200 triệu ca nhiễm COVID-19

2021-08-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Kể từ sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 31/12/2019 tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát được một năm 7 tháng, với hơn 200 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó có 4.256.000 ca tử vong.

 

Cán mốc 200 triệu ca nhiễm toàn cầu

Theo số liệu từ trang thống kê quốc tế Worldometer, tính đến 6 giờ 30 phút sáng 4/8 giờ Hàn Quốc, trên toàn thế giới đã có 200.149.000 ca nhiễm COVID-19, tương đương 2,5% trên tổng số 7,75 tỷ dân số thế giới. Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 20/1/2020, là một người nhập cảnh từ Trung Quốc. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan không thể kiểm soát, tính đến 0 giờ ngày 4/8, tổng số ca nhiễm đạt 203.926 ca, với 2.106 ca tử vong.

Số ca nhiễm trên thế giới từng vượt ngưỡng 100 triệu ca vào ngày 26/1 năm nay, mất hơn một năm kể từ sau ca đầu tiên, nhưng đã tăng thêm 100 triệu ca chỉ trong nửa năm sau đó, tốc độ tăng gấp đôi. Theo châu lục, châu Á ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với hơn 60 triệu ca, tiếp đó tới châu Âu 51,83 triệu ca, Bắc Mỹ 42,91 triệu ca, Nam Mỹ 35,65 triệu ca, châu Phi 6,86 triệu ca, châu Đại Dương khoảng 110.00 ca. Xét theo quốc gia, Mỹ có nhiều ca nhiễm nhất với 36 triệu ca, tiếp đến là Ấn Độ 32 triệu ca, Brazil khoảng 20 triệu ca, Nga và Pháp hơn 6 triệu ca. Về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.130.000 người. Nếu xét riêng theo quốc gia, Mỹ đứng đầu về số ca tử vong với hơn 630.000 người, Brazil khoảng 560.000 người, Ấn Độ khoảng 430.000 người, Mexico 240.000 người và Peru 200.000 người.


Vắc-xin và biến thể Delta

Các hãng dược thế giới đã lần lượt phát triển thành công vắc-xin COVID-19 với tốc độ nhanh chưa từng thấy, tưởng chừng như dịch COVID-19 đã có thể bước sang một cục diện mới. Tháng 12 năm ngoái, Anh là nước đầu tiên phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin COVID-19, và bắt đầu triển khai tiêm chủng. Trong số các nước, Israel triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân với tốc độ nhanh nhất thế giới, người dân nước này được “tháo bỏ khẩu trang” quay lại đời sống thường nhật sớm nhất. Vậy nhưng, biến thể Alpha của virus COVID-19 từ Anh, biến thể Delta từ Ấn Độ lần lượt xuất hiện. Đặc biệt, biến thể Delta có sức lây lan rất mạnh, càn quét toàn thế giới và trở thành chủng virus chính hiện nay.

Tính tới thời điểm hiện tại, có tổng cộng 2,23 tỷ người, tương đương 28,6% tổng dân số thế giới đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin COVID-19, trong đó có 1,15 tỷ người đã tiêm đủ số mũi khuyến nghị, tương đương 14,8% tổng dân số thế giới.

 

Tình hình tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, sau khi xu hướng lây lan có phần được kiểm soát ổn định, Chính phủ dự định nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/7. Song kế hoạch này đã không thể thực hiện do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại. Tính tới ngày 4/8, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã liên tiếp duy trì ở ngưỡng 4 con số suốt một tháng liền. Làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 ban đầu tập trung chủ yếu ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận, nhưng sau đó đã lan rộng trên toàn quốc. Tính tới ngày 4/8, các địa phương khác ngoài Seoul và khu vực lân cận liên tục ghi nhận hơn 600 ca nhiễm mới/ngày. Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đã nâng giãn cách xã hội lên mức 4, mức cao nhất ở Seoul và lân cận thủ đô; các địa phương còn lại cũng bị siết chặt phòng dịch.

Hàn Quốc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 từ ngày 26/2 năm nay, bắt đầu từ nhóm đối tượng ưu tiên. Từ đầu tháng 8, người dân ngoài 50 tuổi, nhân lực thiết yếu xã hội trên 18 tuổi bắt đầu được tiêm chủng. Tính tới 0 giờ 4/8, có 20,17 triệu người đã được tiêm mũi một, chiếm 39,3% tổng dân số, trong đó 7,29 triệu người đã tiêm đủ hai mũi, tương đương 14,2% dân số.

Lựa chọn của ban biên tập