Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cô lập xã hội nghiêm trọng tại Hàn Quốc do dịch COVID-19

2022-03-19

Tin tức

ⓒKBS News

Một kết quả khảo sát cho thấy người dân Hàn Quốc đang bị cô lập xã hội hơn bao giờ hết kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều người cảm thấy cô đơn, mất đi niềm tin vào người khác, chất lượng cuộc sống giảm sút, kéo theo đó là tỷ lệ béo phì gia tăng.

 

Cô lập xã hội

Theo báo cáo “Chất lượng cuộc sống người dân năm 2021” do Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố, mức độ cô lập xã hội trong năm ngoái là 34,1%, tăng 6,4% so với năm 2019, và là mức cao kỷ lục trong lịch sử thống kê liên quan từ năm 2009.

Mức độ cô lập xã hội là một trong các chỉ số “sức khỏe xã hội” của người dân, thể hiện tỷ lệ người trả lời không có ai giúp đỡ nếu xảy ra các tình huống nguy cấp như ốm đau, bệnh tật. Đối tượng khảo sát là người trưởng thành trên 19 tuổi. Mức độ cô lập xã hội càng cao thì có nghĩa là các mối quan hệ lành mạnh giữa con người với con người trong xã hội càng bị thu hẹp.

Theo báo cáo trên, tuổi của người khảo sát càng cao thì mức độ cô lập xã hội cũng tăng theo. 41,6% người trên 60 tuổi trả lời rằng họ không có ai để nương tựa khi xảy ra các tình huống nguy cấp. Mức độ cô lập xã hội của nữ giới cao hơn so với nam giới. Cục Thống kê phân tích dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, tác động tới mức độ cô lập xã hội.

  

Hệ quả từ cô lập xã hội

Mức độ cô lập xã hội cao kỷ lục kéo theo nhiều hệ quả, như tỷ lệ béo phì tăng, sự tin tưởng vào người khác giảm, hoạt động giải trí giảm, cuối cùng là chất lượng cuộc sống giảm sút. Một điểm dễ nhận thấy nhất là tỷ lệ béo phì, chỉ số tiêu biểu thể hiện tình trạng sức khỏe của người dân. Trước đó, tỷ lệ béo phì đã có chiều hướng tăng liên tục từ 29,2% vào năm 2001 lên 31,3% vào năm 2005, 33,2% vào năm 2015. Tuy nhiên, trong năm 2020, tỷ lệ béo phì đã tăng vọt lên tới 38,3%, mức cao nhất trong lịch sử thống kê liên quan về béo phì từ năm 1998.

Cục Thống kê phân tích người dân chủ yếu làm việc tại nhà hoặc học tập trực tuyến trong mùa dịch, các hoạt động bên ngoài bị hạn chế, cơ sở thể thao bị đóng cửa, ít vận động làm gia tăng tỷ lệ béo phì. Trên thực tế, các hoạt động giải trí như du lịch, xem thi đấu thể thao của người dân đã bị giảm mạnh. Trong năm 2020, số ngày du lịch trong nước bình quân đầu người là 5,81 ngày, chỉ bằng một nửa so với 10,01 ngày một năm trước. Do dịch COVID-19, các buổi biểu diễn hay thi đấu thể thao đều bị tạm dừng hoặc hạn chế về số khán giả theo dõi. Trong năm ngoái, số lượt xem văn hóa nghệ thuật, thể thao của người dân đạt bình quân là 4,5 lần, giảm mạnh so với 8,4 lần năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch.

Các hoạt động xã hội bị thu hẹp khiến người dân bị mất đi niềm tin vào người khác. Mức độ tin tưởng vào người khác từng đạt 65% trong giai đoạn 2015-2019, đã giảm mạnh xuống còn 50,3% trong năm 2020. Đại dịch đã làm gián đoạn các mối quan hệ giữa con người với con người, người dân rơi vào tâm lý bất an do lo sợ bị lây nhiễm COVID-19.

 

Chất lượng cuộc sống

Mức độ hài lòng về cuộc sống hiện tại của người dân trong năm 2020 đạt 6,1 điểm trên 10 điểm tuyệt đối, giảm nhẹ so với một năm trước. Điều này cho thấy mức độ cô lập xã hội, sự tin tưởng vào người khác giảm, các hoạt động xã hội, giải trí bị co hẹp đã khiến chất lượng cuộc sống của người dân giảm theo. Nói tóm lại, đại dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm qua đã khiến chất lượng cuộc sống của người dân giảm mạnh. Phương án căn bản nhất có thể khắc phục tình trạng này chính là chấm dứt hoàn toàn đại dịch.

Lựa chọn của ban biên tập