Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Khoáng sản và năng lượng là lĩnh vực đầy triển vọng trong hợp tác Hàn-châu Phi

Write: 2024-05-29 16:07:38Update: 2024-05-29 16:52:58

Khoáng sản và năng lượng là lĩnh vực đầy triển vọng trong hợp tác Hàn-châu Phi

Photo : KBS News

Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) ngày 29/5 công bố báo cáo "Phương án thúc đẩy hợp tác kinh tế Hàn-châu Phi", trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Hàn-châu Phi vào đầu tháng 6. Đây là sự kiện thượng đỉnh đa phương đầu tiên do Seoul tổ chức với các nước châu Phi, với sự tham dự của đoàn đại biểu hơn 45 nước, quy mô lớn nhất kể từ khi Chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol ra mắt.

Theo báo cáo trên, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của châu Phi đã vượt mức bình quân của thế giới kể từ sau năm 2000. Triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Phi được dự đoán đạt 3,8% trong năm nay và 4,1% trong năm sau. Giao thương giữa Hàn Quốc và châu Phi có cơ cấu bổ trợ cho nhau dựa trên nền tảng tài nguyên phong phú của châu Phi và năng lực ngành chế tạo của Hàn Quốc, trong đó xuất khẩu hàng hóa vốn của Seoul chiếm 50,8%, còn nhập khẩu sản phẩm sơ cấp từ lục địa đen chiếm 54,7%. 

Kim ngạch xuất khẩu của châu Phi sang Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm, từ 2,6 tỷ USD trong năm 2020 lên 6,5 tỷ USD trong năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc của châu lục này cũng tăng từ 4,9 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hàn Quốc sang châu Phi là tàu thuyền và phụ tùng (44,2%), chế phẩm dầu mỏ (18%). Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu từ châu Phi của Hàn Quốc chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch (than đá 21,6%, khí gas thiên nhiên 12,6%), và thực phẩm ưa chuộng (3,5%).

Báo cáo chỉ ra lĩnh vực ưu tiên và hứa hẹn nhất trong hợp tác giữa Hàn Quốc với châu Phi đó là lĩnh vực năng lượng và khoáng sản. Trong năm ngoái, khoáng sản dùng trong ngành công nghiệp của Hàn Quốc phụ thuộc 95% vào nhập khẩu. Do đó, Seoul có thể nâng cao được tính ổn định trong việc đảm bảo khoáng sản bằng cách tham gia vào cơ chế thảo luận đa phương về xây dựng cơ sở luyện kim và tinh chế khoáng sản, phát triển tài nguyên tại châu Phi. 

Đối với châu Phi, điều này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả đôi bên cùng có lợi, xét đến việc có thể tạo ra nền tảng tự lập về kinh tế, mở rộng hệ sinh thái ngành khoáng sản lên giai đoạn có giá trị gia tăng cao, hơn là đơn thuần chỉ khai thác khoáng sản.

Báo cáo chỉ ra rằng trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo, Hàn Quốc cần có các chiến lược phát triển phù hợp với từng quốc gia châu Phi, vì mỗi nước đều có những lĩnh vực triển vọng riêng. 

Cùng với đó, báo cáo đề ra phương án hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai bên là "K-A.F.R.I.CA"; trong đó gồm lĩnh vực nông nghiệp (Agriculture), hạ tầng đô thị (Facility), khoáng sản và năng lượng (Resource), công nghệ số (ICT), với sự cần thiết phải hợp tác qua lại lẫn nhau (Cooperative Allies). 

Viện nghiên cứu kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh Hàn-châu Phi lần này sẽ giúp mở rộng chân trời hợp tác giữa hai khu vực. Để làm được điều này, Chính phủ Seoul cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tiến ra thị trường châu Phi, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác hướng tới tương lai về mặt trung và dài hạn, như xem xét ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước lớn của châu lục này.

Lựa chọn của ban biên tập