Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 (giờ địa phương) chính thức công bố sẽ áp 25% thuế đối ứng đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc và nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, phụ lục Sắc lệnh hành chính được Nhà Trắng công bố sau đó lại ghi là 26%. Liên quan đến điều này, Nhà Trắng khẳng định rằng cần tuân theo phụ lục Sắc lệnh hành chính, và mức thuế áp cho Seoul đúng là con số 26%.
Tuy vậy, Nhà Trắng không giải thích lý do lại có sự khác biệt giữa bảng trình bày của Tổng thống Trump và phụ lục Sắc lệnh hành chính liên quan đến mức thuế đối ứng mà Hàn Quốc phải chịu.
Ngoài Hàn Quốc, các quốc gia như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Nam Phi, Philippines, Pakistan, Serbia và Botswana cũng có mức thuế trong phụ lục Sắc lệnh hành chính cao hơn 1% so với những gì được ghi trên bảng mà Tổng thống Trump trình bày.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ cũng đã nắm được sự chênh lệch này và hiện đang liên hệ với phía Mỹ để làm rõ vấn đề.
Thuế đối ứng lần này được đưa ra với danh nghĩa nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử mà các doanh nghiệp Mỹ đang phải gánh chịu do hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các quốc gia khác. Thuế đối ứng này bao gồm thuế quan cơ bản có hiệu lực từ ngày 5/4, và thuế riêng áp dụng cho các quốc gia bị xem là "tồi tệ nhất" do có chính sách thuế quan hà khắc với Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9/4.
Các nước bị áp thuế đối ứng cao hơn mức thuế cơ bản gồm Hàn Quốc và các đối tác thương mại lớn khác của Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Đài Loan.
Ông Trump chỉ trích các quốc gia khác đã áp mức thuế khổng lồ lên hàng hóa Mỹ và dựng lên hàng rào phi tài chính một cách vô căn cứ để phá hoại ngành công nghiệp của Mỹ, khẳng định sẽ không để người dân Mỹ là những người đóng thuế bị bóc lột suốt hơn 50 năm qua phải tiếp tục chịu tình cảnh tương tự. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên đưa nước Mỹ lên hàng đầu, và tuyên bố đây chính là thời kỳ hoàng kim của nước này.
Mức thuế đối ứng theo từng quốc gia là Trung Quốc 34%, EU 20%, Việt Nam 46%, Đài Loan 32%, Nhật Bản và Ấn Độ lần lượt là 24% và 26%.
Việc nước Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới, quyết định áp thuế trên diện rộng đối với toàn bộ mặt hàng nhập khẩu mà không phân biệt quốc gia hay loại hàng hóa, đã khiến cuộc chiến thuế quan do ông Trump khởi xướng lan rộng thành quy mô toàn cầu.
Trước động thái này, EU và nhiều quốc gia lớn khác cho biết sẽ có biện pháp trả đũa, làm dấy lên lo ngại về sự thay đổi mạnh mẽ trong trật tự thương mại quốc tế, vốn được dẫn dắt bởi nguyên tắc tự do thương mại do Mỹ dẫn đầu.
Trong bối cảnh thiếu nhà lãnh đạo, cuộc chiến thuế quan toàn cầu ngày càng leo thang đã khiến Hàn Quốc, nước vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, rơi vào tình trạng phải đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KITA) cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ trong năm ngoái đạt 127,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2023. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc với Mỹ năm 2024 cũng đạt mức cao kỷ lục là 55,7 tỷ USD.
Seoul và Washington đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ, nên hàng hóa trên thực tế là được miễn thuế. Tuy nhiên, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vào cuối tháng 3 vừa qua đã công bố báo cáo thường niên về các rào cản thương mại của từng quốc gia, trong đó cho biết Seoul đã có những hàng rào phi thuế quan với Washington như cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ trên 30 tháng tuổi, đưa ra các quy định về giao dịch bù trừ quốc phòng và các rào cản trong thương mại số.
Tổng thống Trump cũng cho rằng tất cả các biện pháp hạn chế thương mại phi tài chính do Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang áp lên Mỹ là tồi tệ nhất. Biểu đồ mà ông Trump trình bày khi công bố chính sách thuế cho thấy Hàn Quốc đang áp 50% thuế đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm thao túng tỷ giá và các hàng rào thương mại. Ông Trump cho biết mức thuế 25% mà Hàn Quốc phải chịu là con số đã được “giảm nhẹ”.