Bộ Phụ nữ và gia đình Hàn Quốc ngày 17/4 công bố số liệu cho biết chỉ số bình đẳng giới của Hàn Quốc trong năm 2023 đạt 65,4 điểm, giảm 0,8 điểm so với 66,2 điểm vào năm 2022.
Chỉ số này được công bố hàng năm từ năm 2010 theo Luật cơ bản về bình đẳng giới, nhằm đo lường mức độ bình đẳng giới của Hàn Quốc và thiết lập, đánh giá phương hướng thúc đẩy các chính sách.
Chỉ số bình đẳng giới đã tăng đều đặn qua từng năm, từ 66,1 điểm vào năm 2010 đến 75,4 điểm vào năm 2021. Sau khi hệ thống tính chỉ số bình đẳng giới được thay đổi và áp dụng tiêu chuẩn mới vào năm 2022, chỉ số này năm 2021 là 65,7 điểm, và tiếp tục tăng lên 66,2 điểm vào năm 2022. Theo đó, đây là lần đầu tiên chỉ số này sụt giảm kể từ khi bắt đầu đo lường vào năm 2010.
Bộ Phụ nữ cho biết chỉ số bình đẳng giới trước đây chưa từng ghi nhận xu hướng giảm, nhưng hệ thống chỉ số này đã thay đổi lớn vào năm 2022, nên việc so sánh trực tiếp qua các năm còn gặp nhiều khó khăn.
Xét theo từng lĩnh vực, giáo dục đạt điểm cao nhất với 95,6 điểm, tiếp theo là y tế 94,2 điểm, thu nhập 79,4 điểm, tuyển dụng 74,4 điểm, nhận thức về bình đẳng giới 73,2 điểm, chăm sóc và đưa ra quyết định lần lượt đạt 32,9 điểm và 32,5 điểm.
Lĩnh vực có mức sụt giảm lớn nhất là nhận thức về bình đẳng giới, giảm 6,8 điểm so với một năm trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm trong chỉ số bình đẳng giới của Hàn Quốc được cho là do định kiến về vai trò giới trong gia đình trở nên mạnh hơn ở lĩnh vực nhận thức bình đẳng giới, cùng với việc nam giới giảm sử dụng chế độ nghỉ thai sản nhiều hơn so với nữ giới trong lĩnh vực chăm sóc.
Liên quan đến vấn đề này, Viện nghiên cứu chính sách phụ nữ Hàn Quốc nhận định các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ đã ngừng hoạt động và người dân phải làm việc từ xa trong đại dịch COVID-19, khiến khối lượng công việc chăm sóc trong gia đình tăng lên. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ nuôi con chủ yếu được phụ nữ sử dụng, nên điều này đã gây ảnh hưởng đến kết quả chỉ số.
Xét theo khu vực, thủ đô Seoul, thành phố Daejeon, thành phố Sejong, tỉnh Nam Chungcheong và đảo Jeju có mức độ chênh lệnh chỉ số bình đẳng giới cao nhất. Độ chênh lệnh ở mức trung bình cao gồm thành phố Daegu, thành phố Gwangju, tỉnh Gangwon, tỉnh Bắc Jeolla. Trong khi đó, độ chênh lệnh ở mức trung bình thấp gồm thành phố Incheon, tỉnh Gyeonggi, tỉnh Bắc Chungcheong, tỉnh Nam Gyeongsang. Cuối cùng, các khu vực có mức độ chênh lệch chỉ số bình đẳng giới thấp nhất là thành phố Busan, thành phố Ulsan, tỉnh Nam Jeolla và tỉnh Bắc Gyeongsang.