Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khoa học

Các vệ tinh đang hoạt động bình thường sau một tháng tên lửa đẩy Nuri được phóng lên vũ trụ

Write: 2023-06-26 11:36:40Update: 2023-06-26 18:06:35

Photo : KBS News

Đã một tháng sau khi Hàn Quốc phóng thành công lần ba tên lửa đẩy vũ trụ Nuri tự phát triển vào ngày 25/5. 

Vệ tinh cỡ nhỏ thế hệ mới số 2 vẫn đang tiếp tục trao đổi tín hiệu với Trái đất trong vòng một tháng, kiểm tra các tính năng. Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) cho biết vệ tinh này hiện đang trong trạng thái tốt nhất. Chỉ cần ổn định thêm chút nữa là vệ tinh sẽ chính thức bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quan trắc Trái đất từ trung tuần tháng 8 theo đúng kế hoạch.

Người đứng đầu dự án phát triển vệ tinh cỡ nhỏ thế hệ mới thứ hai thuộc KAIST, ông Jang Tae-seong cho biết vệ tinh đã tiến vào quỹ đạo một cách chính xác. Khi mới tách ra khỏi tên lửa đẩy, vệ tinh sẽ bị quay tròn một chút, nhưng tỷ lệ quay tròn này giữ ở mức thấp ổn định.

Trong số 4 vệ tinh khối lập phương được phóng cùng, có một vệ tinh không tách ra được khỏi tên lửa Nuri, nhưng ba vệ tinh còn lại đã hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng quan trắc thời tiết vũ trụ.

Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc công bố kết quả phân tích trong vòng một tháng qua, cho biết toàn bộ hệ thống nhiệm vụ phóng của tên lửa đẩy Nuri đã hoạt động bình thường đúng như thiết kế.

Hàn Quốc dự kiến sẽ phóng tên lửa Nuri thêm 3 lần nữa, trong đó lần phóng thứ 4 là vào năm 2025. Đồng thời, Chính phủ sẽ xúc tiến chuyển giao công nghệ cho khối tư nhân.

Mặt khác, Hàn Quốc cũng đã bắt tay vào phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới nối tiếp tên lửa Nuri. Khác với tên lửa Nuri có 4 động cơ 75 tấn, tên lửa thế hệ mới sẽ gắn 5 động cơ 100 tấn, tính năng được nâng lên vượt trội.

Trong vòng 10 năm tới kể từ năm nay, Chính phủ sẽ đầu tư tổng cộng 2.000 tỷ won (1,54 tỷ USD) để phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới, đặt mục tiêu phóng vệ tinh cỡ lớn và tàu đổ bộ Mặt trăng.

Ông Park Chang-soo, người chịu trách nhiệm về dự án nghiên cứu phát triển tên lửa đẩy thế hệ mới thuộc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc, cho biết tên lửa đẩy mới được lên kế hoạch phát triển để đáp ứng nhu cầu vệ tinh và thám hiểm vũ trụ của Hàn Quốc cho tới năm 2040. Mục tiêu trước mắt đó là đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng cho tới năm 2032.

Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách công nghệ lớn giữa Hàn Quốc với các nước hàng đầu về vũ trụ, hiện đã thương mại hóa được tên lửa đẩy phóng nhiều lần như tàu con thoi.

Bài toán đặt ra với Seoul đó là thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân để sớm thu hẹp được khoảng cách công nghệ này với các nước lớn.

Lựa chọn của ban biên tập