Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hàn Quốc phải nhập khẩu 79% vật liệu quốc phòng trọng tâm

Write: 2024-05-08 14:40:30Update: 2024-05-08 17:57:55

Hàn Quốc phải nhập khẩu 79% vật liệu quốc phòng trọng tâm

Photo : YONHAP News

Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc (KIET) ngày 8/5 công bố báo cáo phân tích về chuỗi cung ứng các mặt hàng vật liệu quốc phòng trọng tâm của Hàn Quốc. 

Báo cáo chỉ ra rằng bất chấp tình hình xuất khẩu khả quan của ngành công nghiệp quốc phòng, Hàn Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định các mặt hàng vật liệu quốc phòng trọng tâm.

Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chiến tranh tại châu Âu và Trung Đông kéo dài, thiên tai quy mô lớn, hiện tượng tách rời tương quan (Decoupling) chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng.
 
Trên thực tế, Hàn Quốc đang phải nhập khẩu phần lớn các mặt hàng vật liệu quốc phòng trọng tâm, đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển và sản xuất vũ khí tối tân. Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 668,4 tỷ won (489,7 triệu USD) 10 loại vật liệu quốc phòng trọng tâm, chiếm 78,9% tổng giá trị mua sắm.

Trong đó, 8 vật liệu kim loại có mức độ phụ thuộc là 80,4%; vật liệu phi kim loại phụ thuộc 47,5% vào nước ngoài. Đặc biệt, mặt hàng hợp kim magiê và hợp kim chịu nhiệt nhập khẩu 100%; hợp kim titan và nikel, cobalt nhập khẩu 99,8%; hợp kim nhôm nhập khẩu 94,9%. 

Điểm đánh giá về mức độ an toàn chuỗi cung ứng vật liệu quốc phòng trọng tâm chỉ đạt từ 2,67 tới 2,98 điểm trên điểm tuyệt đối 5 điểm, còn dưới mức bình thường là 3 điểm.

Vậy nhưng theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và doanh nghiệp vật liệu trong nước, các đơn vị này hầu như không lập đối sách riêng nào. 10,5% doanh nghiệp trả lời đang nỗ lực đa dạng hóa doanh nghiệp cung cấp vật liệu, 7,9% đối phó bằng cách mở rộng nguồn dự trữ vật liệu, 5,3% lập phương án thay thế, cắt giảm vật liệu thông qua đổi mới công nghệ. Chỉ có 2,6% doanh nghiệp trả lời đa dạng hóa nguồn nhập khẩu và chuyển đổi sang huy động vật liệu ngay tại trong nước.

Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại chỉ ra rằng Chính phủ cần định nghĩa lại khái niệm về vật liệu quốc phòng lên ngang hàng với phụ tùng quốc phòng; tăng tốc thiết lập nền tảng để tự chủ về vật liệu quốc phòng trọng tâm, bao quát toàn bộ chu kỳ từ phát triển, sản xuất, thử nghiệm, đánh giá tới chứng nhận. Chính phủ cũng cần định kỳ thống kê về các loại vật liệu quốc phòng, điều tra chuỗi cung ứng, phát hiện các điểm yếu kém, lập hệ thống cảnh báo sớm; đồng thời tích cực xúc tiến hợp tác chuỗi cung ứng toàn cầu với các nước đối tác.

Lựa chọn của ban biên tập