Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bí quyết thành công của đạo diễn Bong Joon-ho

Write: 2020-02-11 10:52:43Update: 2020-02-11 17:08:20

Bí quyết thành công của đạo diễn Bong Joon-ho

Photo : YONHAP News

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92, phim "Ký sinh trùng" (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho đã mang về tới 4 tượng vàng ở các hạng mục "Kịch bản xuất sắc nhất", "Phim quốc tế xuất sắc nhất", "Đạo diễn xuất sắc nhất", và giải thưởng lớn "Phim hay nhất", viết nên trang sử mới cho nền điện ảnh xứ kimchi.

Biệt danh của đạo diễn Bong Joon-ho là "Bong-tail", gắn liền với tên tuổi của ông từ 20 năm trước, khi ông khởi đầu sự nghiệp điện ảnh với tác phẩm "Chó sủa không cắn" (Barking Dogs Never Bite, 2000).

"Bong-tail" được ghép từ họ của đạo diễn Bong và từ "detail" trong tiếng Anh, nghĩa là tỉ mỉ, kỹ lưỡng tới từng chi tiết nhỏ, được đánh giá là "bí quyết thành công" giúp người đạo diễn đại tài chinh phục công chúng yêu điện ảnh toàn thế giới.

Chi tiết cuối phim "Người mẹ" (Mother, 2009) là cảnh những người mẹ, trong đó có nhân vật chính, nhảy múa trên chiếc xe khách du lịch. Để quay ngược sáng cảnh này, đạo diễn Bong đã khảo sát các tuyến đường bộ dọc từ Bắc xuống Nam, tính toán tới cả ngày tháng để căn cho tia sáng mặt trời xuyên ngang qua ô cửa sổ của chiếc xe khi đi ngang đoạn đường đó.

Tất cả các tác phẩm của đạo diễn Bong đều do chính tay ông chắp bút, chuyển thể thành kịch bản phim, trau chuốt từng chi tiết để đưa lên màn ảnh. Sự tỉ mỉ này cũng thể hiện rõ trong phim "Ký sinh trùng" (Parasite).

Mặc dù không xuất hiện trên màn ảnh, nhưng xung quanh căn nhà bán hầm của gia đình nhân vật Kim Ki-taek, đạo diễn Bong đã chất đầy các túi rác để mùi ẩm mốc lan tỏa tự nhiên. Trong không gian chật hẹp này, hai anh em Min-hyuk và Ki-jeong đã lần mò khắp nơi để bắt wifi nhà bên. Phân đoạn này vừa gây cười cho khán giả, vừa lột tả được sự nghèo túng của gia đình ông Kim Ki-taek, gây ấn tượng khó phai trong lòng công chúng.

Với sự tinh tế này, đạo diễn Bong được đánh giá là có tài năng xuất chúng, lột tả những vấn đề của thời đại dưới một góc nhìn mang tính biểu tượng.

Nếu như trong phim "Chuyến tàu băng giá" (Snowpiercer, 2013), đạo diễn Bong khắc họa các giai cấp trong xã hội theo chiều ngang, từ phần đầu đến phần đuôi của chuyến tàu, thì trong "Ký sinh trùng", ông đã phơi bày khoảng cách giàu nghèo theo chiều dọc, giữa cuộc sống trên mặt đất và dưới mặt đất. Cách thức này được công chúng toàn thế giới đồng cảm, bởi sự phân hóa trong xã hội xuất phát từ chủ nghĩa tư bản là vấn đề chung, không chỉ trong phạm vi một quốc gia.

Đạo diễn Bong từng phát biểu "Ký sinh trùng" là bộ phim điện ảnh mà chỉ công chúng Hàn Quốc mới có thể hiểu "tới tận xương tủy". Tuy nhiên, tài năng và sự tinh tế của ông đã thu hút được cả giới phê bình phim và công chúng toàn thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập