Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

“Chính phủ mới cần tích cực đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ nhập cư diện kết hôn”

Write: 2022-02-14 13:46:18Update: 2022-02-14 13:46:56

“Chính phủ mới cần tích cực đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ nhập cư diện kết hôn”

Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 14/2 cho biết số người nhập cư theo diện kết hôn ở Hàn Quốc đã tăng liên tục qua các năm, từ 148.000 người năm 2012 lên gần 170.000 người vào năm 2020, mức cao kỷ lục. Trong số người nhập cư theo diện kết hôn năm 2020, có 137.000 người là nữ giới, chiếm 81,8%.

Xét theo quốc tịch, người Trung Quốc chiếm 35,6%, tiếp theo là Việt Nam 26,1%, Nhật Bản 8,7%, và Philippines với 7,1%.

Về vấn đề này, tại cuộc thảo luận trực tuyến “Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần thứ 20: Phụ nữ nhập cư nói gì”, có ý kiến chỉ ra rằng nhiều người nhập cư theo diện kết hôn không thể có cuộc sống ổn định tại Hàn Quốc và đang bị xã hội bỏ rơi. Do đó, các ứng cử viên Tổng thống cần tích cực quan tâm và đưa ra cam kết về chính sách toàn diện cho người nhập cư.

Người tham gia buổi thảo luận cho rằng Chính phủ tiếp theo cần đứng ra đảm bảo 5 điều gồm hỗ trợ xã hội, đảm bảo quyền lưu trú, bảo hộ quyền lao động, quyền được đoàn tụ gia đình, bảo vệ phụ nữ nhập cư là nạn nhân lạm dụng tình dục.

Giám đốc Trung tâm nhân quyền phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc Heo Oh Young-sook chỉ ra rằng hiện nay, phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn có con đến tuổi trưởng thành sau khi chồng qua đời, hoặc nuôi con riêng của chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn đang bị loại khỏi đối được được nhận hỗ trợ nuôi con. Đối tượng này cũng gặp khó khăn khi sử dụng cơ sở hỗ trợ phụ nữ hoặc cơ sở phúc lợi cho trẻ em. Chính phủ cần sửa đổi các quy định liên quan để phụ nữ kết hôn nhập cư gặp khó khăn trong cuộc sống có thể được bảo hộ, bất kể họ có con hay không, cũng như không bị phân biệt theo tuổi của con.

Bà Heo Oh nhấn mạnh Chính phủ cần lập ra các điều khoản cho phép các đối tượng này có thể sử dụng cơ sở an sinh xã hội và cơ sở chăm sóc trẻ em, thanh thiếu niên bất kể tình trạng lưu trú.

Theo bà Heo Oh, khi người vợ hoặc chồng Hàn qua đời hoặc ly hôn, người nhập cư theo diện kết hôn thường bị cắt mất cơ hội nhập tịch và có nguy cơ bi trục xuất về nước. Ngay cả khi là nạn nhân của bạo lực gia đình, những người này cũng ngần ngại trình báo với cảnh sát, lo sợ sẽ ảnh hưởng xấu tới việc gia hạn lưu trú. Do đó, Chính phủ cần đảm bảo an toàn cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng như có hệ thống luật pháp đảm bảo ổn định về tư cách cư trú.

Tổ chức nhân quyền nữ giới tại Hàn Quốc “Durebang” chỉ ra rằng mặc dù số lượng phụ nữ nhập cư làm việc ở nông thôn, làng chài và các khu công nghiệp đang tăng lên, nhưng môi trường làm việc yếu kém không được cải thiện. Trên thực tế, không có chính sách hay chế độ nào hỗ trợ đối tượng này mang thai và sinh con, cũng như bảo hộ họ khỏi vấn nạn bạo lực tình dục.

Qua đó, những phụ nữ nhập cư cần được đảm bảo về nơi làm việc theo chế độ cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc. Cơ quan chức năng Chính phủ cần thông báo cho người sử dụng lao động về trách nhiệm giúp người lao động được sinh hoạt trong ký túc xá đảm bảo điều kiện an toàn. Ngoài ra, Chính phủ cần lập trung tâm tư vấn cho nạn nhân bạo lực tình dục, tiến hành giáo dục về phòng chống bạo lực tình dục đối với chủ doanh nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập