Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính phủ Hàn Quốc ban tiếp lệnh cưỡng chế người lao động vận tải lĩnh vực thép, hóa dầu quay lại làm việc

Write: 2022-12-08 14:26:48

Thumbnail : YONHAP News

Tại cuộc họp Nội các bất thường ngày 8/12, Chính phủ Hàn Quốc quyết định ban tiếp lệnh cưỡng chế người lao động vận tải ở lĩnh vực thép, hóa dầu quay trở lại làm việc. Đây là lần thứ hai Chính phủ quyết định ban lệnh cưỡng chế, 9 ngày sau lệnh cưỡng chế đầu tiên với người lao động làm việc ở lĩnh vực vận chuyển xi măng.

Thủ tướng Han Duk-soo nhấn mạnh sự gián đoạn xuất xưởng hàng hóa ở các ngành thép, hóa dầu đang gây lo ngại có thể lan rộng sang toàn bộ các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô, đóng tàu, chíp bán dẫn. Tình hình hiện nay là hết sức nghiêm trọng và nguy cấp, khó có thể chờ đợi vào sự tự nguyện quay trở lại làm việc của Công đoàn vận tải hàng hóa.

Chính phủ nhận định việc ban tiếp lệnh cưỡng chế là điều bất khả kháng đối với những tài xế từ chối vận chuyển hàng hóa ở lĩnh vực thép, hóa dầu. Biện pháp lần này vừa là đối sách đặc biệt, vừa là nỗ lực tối đa của Chính phủ nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng.

Thủ tướng một lần nữa kêu gọi người lao động vận tải dừng ngay cuộc đình công vô lý, lấy nền kinh tế quốc gia làm "con tin". Lập trường của Chính phủ là kiên quyết không thỏa hiệp với hành vi trái phép, truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm minh.

Sau khi được thông qua tại cuộc họp Nội các, lệnh cưỡng chế sẽ được Tổng thống phê duyệt, rồi sau đó là Bộ trưởng Địa chính và giao thông Won Hee-ryong chính thức ban hành.

Tổng số lao động ngành vận tải thuộc đối tượng áp dụng lệnh cưỡng chế lần hai của Chính phủ là hơn 10.000 tài xế, trong đó có hơn 6.000 người làm việc ở lĩnh vực vận tải thép, 4.500 người thuộc lĩnh vực hóa dầu. Tổng số doanh nghiệp vận tải liên quan là hơn 200 đơn vị.

Từ chiều ngày 8/12, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tiến hành điều tra với các công ty vận tải liên quan ở hai lĩnh vực trên.

Các công ty vận tải và tài xế nhận được lệnh cưỡng chế từ Chính phủ bắt buộc phải quay trở lại làm việc muộn nhất là cho tới hết đêm ngày hôm sau. Nếu không tuân thủ lệnh cưỡng chế sẽ bị xử phạt hành chính như đình chỉ tư cách hoạt động vận tải trong vòng 30 ngày.

Công đoàn vận tải hàng hóa lên án việc Chính phủ ban tiếp lệnh cưỡng chế đã đi quá giới hạn đạo lý thông thường, cho rằng chính phủ đã thông đồng với lợi ích của giới tài phiệt mà không hề quan tâm tới đời sống người dân và nền kinh tế. Công đoàn này cũng chỉ trích Tổng thống Yoon Suk-yeol có những phát ngôn hiềm khích, yêu cầu Chính phủ dừng ngay các hành vi công kích, phủ nhận quyền đình công của người lao động, điều được đảm bảo trong Hiến pháp.

Lựa chọn của ban biên tập