Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Gia đình tù binh Hàn Quốc sống tại Bắc Triều Tiên đã bí mật nhập cảnh vào Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2012-04-08
Gia đình tù binh Hàn Quốc sống tại Bắc Triều Tiên đã bí mật nhập cảnh vào Hàn Quốc

Theo một nguồn tin ngoại giao chính thống, 5 người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đã bí mật nhập cảnh vào Hàn Quốc hôm 1/4. 3 trong số 5 người này là các thành viên của gia đình một tù binh Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên. Họ đã nhập cảnh vào miền Nam sau 3 năm lưu trú tại văn phòng ngoại giao của Hàn Quốc ở Trung Quốc.

Người tỵ nạn Bắc Triều Tiên nhập cảnh vào Hàn Quốc
Trong số 5 người nhập cảnh vào Hàn Quốc lần này có con gái thứ hai Baek Young-ok, cháu trai ngoại Lee Gang-min và cháu gái ngoại Lee Il-sim của tù binh Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên, ông Baek Jong-gyu. Họ đã xin tỵ nạn tại Lãnh sự Hàn Quốc ở Bắc Kinh sau khi trốn khỏi miền Bắc vào năm 2009. Sau đó họ đã lưu trú 3 năm tại văn phòng ngoại giao này để chờ ngày được trở về Hàn Quốc. Bà Baek Yeong-suk, con gái lớn của tù binh Baek Jong-gyu trước đó đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên. Bà đặt chân đến Hàn Quốc mang theo hài cốt của cha mình và trốn thoát khỏi miền Bắc. Bà cũng đã cố gắng tìm đủ mọi cách để em gái mình có thể quay trở về quê hương. Hài cốt của ông Baek Jong-gyu được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Daejeon. Cuối cùng, gia đình họ đã được đoàn tụ sau 3 năm mòn mỏi chờ đợi.

Sự thay đổi chính sách của Trung Quốc
Được biết Trung Quốc đã cho phép những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên lần này sang Hàn Quốc theo hình thức trục xuất sang nước thứ 3. Đây được cho là sự thay đổi lớn của Trung Quốc đối với người tỵ nạn Bắc Triều Tiên. Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng đã cho phép người tỵ nạn Bắc Triều Tiên từng vào văn phòng ngoại giao tại nước ngoài xin tỵ nạn được trở về Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong vòng 3, 4 năm gần đây, do chính sách đối với người tỵ nạn Bắc Triều Tiên bị thắt chặt nên Trung Quốc cũng đã quay trở lại xu hướng không cho phép họ sang Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép người tỵ nạn Bắc Triều Tiên đang lưu vong tại nước này sang Hàn Quốc kể từ khi chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền. Dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng phản đối việc cưỡng ép người tỵ nạn trở về miền Bắc. Ngoài ra, tuyên bố phóng tên lửa của Bình Nhưỡng cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến mối quan hệ Triều-Trung. Rõ rằng, Trung Quốc cũng đã bày tỏ lập trường mềm dẻo đối với vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên trong cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul hôm 26/3. Việc người tỵ nạn Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc lần này đã thu hút sự chú ý của dư luận vì đây có thể là động thái tích cực đầu tiên sau cuộc hội đàm của lãnh đạo 2 nước.

Người tỵ nạn bắc Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
Có ý kiến chỉ trích rằng, hiện còn quá sớm để coi vụ việc lần này là sự thay đổi toàn diện về chính sách đối với người tỵ nạn Bắc Triều Tiên của Trung Quốc. Song cũng có ý kiến lạc quan rằng sắp tới Trung Quốc có thể sẽ cho phép người tỵ nạn Bắc Triều Tiên trở về Hàn Quốc một cách có chọn lọc. Nếu xem xét lại các trường hợp trước đây thì thấy rằng, những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên vào văn phòng ngoại giao của nước ngoài tại Trung Quốc xin tỵ nạn đều được cho phép trở về Hàn Quốc hoặc trục xuất sang nước thứ 3. Một số ý kiến phân tích, vì việc làm này khác với việc cho phép người tỵ nạn Bắc Triều Tiên thông thường nên dù có xét theo mối quan hệ với miền Bắc thì phía Trung Quốc cũng không có “gánh nặng” lớn. Văn phòng ngoại giao của các nước là nơi có đặc quyền về ngoại giao. Theo đó, Trung Quốc không thể đơn phương quyết định vấn đề coi những người này là người tỵ nạn hay là người lưu trú bất hợp pháp. Nói như vậy thì khó có thể chờ đợi Trung Quốc chuyển sang thái độ tích cực về người tỵ nạn Bắc Triều Tiên vì việc này có thể liên quan đến nhân quyền trong nước. Xử lý vấn đề người tỵ nạn Bắc Triều Tiên của Trung Quốc dự kiến sẽ được thực hiện đồng thời theo 2 nguyên tắc. Nói một cách khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục thắt chặt kiểm soát người tỵ nạn Bắc Triều Tiên để bảo vệ lập trường của miền Bắc, đồng thời có thể chiều theo dư luận quốc tế thông qua việc cho phép chọn lọc người tỵ nạn Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc hoặc trục xuất sang nước thứ 3. Bước đi này được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy để nâng cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất