Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Thể chế kế nhiệm của Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2011-12-25
Thể chế kế nhiệm của Bắc Triều Tiên

H: Ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Kim Jong-il qua đời, Bắc Triều Tiên đã gọi Phó chủ tịch Kim Jong-un là “người kế nhiệm”, “nhà lãnh đạo” và công bố sự bắt đầu của “thể chế Kim Jong-un”. Trên thực tế Nga và Trung Quốc, những quốc gia không mong muốn tình hình bất ổn xảy ra trên bán đảo Hàn Quốc đã ghi nhận thể chế Kim Jong-un. Nhưng theo dự đoán, việc xác lập thể chế Kim Jong-un sẽ là một con đường đầy chông gai vì Kim Jong-un chưa có đủ thời gian để thiết lập cơ cấu thể chế khi đang ở độ tuổi 20, độ tuổi còn quá trẻ.

Thể chế kế nhiệm
Thể chế độc tài không chấp nhận 2 nhà lãnh đạo. Chính vì vậy, khi nhà lãnh đạo tối cao gặp biến cố, thể chế kế nhiệm thường cho thấy tình hình bất ổn. Vì vậy, thể chế kế nhiệm này không thể so sánh được với việc chuyển giao quyền lực của thể chế dân chủ thông thường. Đây cũng chính là lí do tạo nên mối lo ngại về sự bất ổn sau cái chết của Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Kim Jong-il. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên lại có một điểm khác biệt so với các trường hợp chuyển giao quyền lực khác rằng, họ đã từng một lần thành công trong việc chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối”. Song lần chuyển giao đó lại không giống với lần này. Kim Jong-un được chỉ định là người kế nhiệm vẫn còn quá trẻ, mới đang ở độ tuổi 20. Hơn nữa, cha ông, Chủ tịch Kim Jong-il, đã tích lũy kinh nghiệm kế nhiệm trong một thời gian dài trong khi đó thời gian bắt đầu xây dựng cơ cấu kế nhiệm của Kim Jong-un lại rất ngắn, chưa được 2 năm. Đây cũng là nhân tố khiến cho nhiều người dự đoán việc xác lập thể chế kế nhiệm sẽ vô cùng khó khăn.

Kim Jong-un
Là con trai thứ 3 của Chủ tịch Kim Jong-il, Kim Jong-un không xuất hiện trước công chúng suốt thời gian qua và bắt đầu trở thành nhân vật nổi tiếng kể từ sau khi được chỉ định là người kế nhiệm của Bắc Triều Tiên. Kim Jong-un từng theo học trường quốc tế Thụy Sĩ và tốt nghiệp Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành. Được biết Kim Jong-un là người có tính quyết đoán và tham vọng chiến thắng. Sau khi được chỉ định nội bộ làm người kế nhiệm vào tháng 1/2009, Kim Jong-un đã được phong làm đại tướng quân đội nhân dân Triều Tiên và Phó chủ tịch Ủy ban quốc sự trung ương đảng. Kinh nghiệm chính trị của Kim Jong-un chính thức có được từ đầu năm 2011 với những việc liên quan đến các tổ chức như Bộ Bảo vệ an toàn quốc gia, Bộ Bảo an nhân dân và Tổng cục trinh sát thuộc Bộ vũ trang nhân dân. Như vậy, Kim Jong-un vẫn còn thiếu cả về kinh nghiệm và sự kết nối cá nhân.

Xác lập thể chế kế nhiệm
Bất chấp nền tảng chính trị yếu kém như vậy, nhưng hiện nay lại có nhiều triển vọng cho thấy hình ảnh ổn định của thế chế Bắc Triều Tiên trong thời điểm hiện tại. Có 2 lí do chính có thể lí giải cho triển vọng này. Thứ nhất là lợi ích của những người được giao nắm quyền trong nội bộ Bắc Triều Tiên. Cho dù không hài lòng với thể chế Kim Jong-un và có những yếu tố bất ổn, nhưng việc duy trì thể chế này vẫn phù hợp với lợi ích của họ. Có phân tích cho rằng nếu thể chế này bị sụp đổ, họ sẽ không thu được lợi gì. Thứ hai là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, Mỹ, Trung Quốc và ngay cả các nước láng giềng như Nhật Bản, Nga đều không mong muốn tình hình bất ổn xảy đến với Bắc Triều Tiên. Chính vì vậy, thể chế Kim Jong-un ổn định sẽ phù hợp với lợi ích của quốc gia.Về mặt đối ngoại, có nhiều yếu tố tích cực cho việc ổn định thể chế Kim Jong-un, nhưng do đặc tính của quyền lực tuyệt đối nên không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể sẽ không xảy ra chuyện gì nhưng cũng có thể xảy ra nhiều biến cố lớn. Không biết chừng cuộc chiến tranh giành quyền lực đã bắt đầu và cũng có thể đã kết thúc. Về ngắn hạn, tất cả nội bộ Bắc Triều Tiên sẽ đồng tâm để duy trì ổn định nên dù có biến cố thì có thể chỉ là việc của sau này.

Tin mới nhất