Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Thảo luận về vấn đề cấm vận I-ran giữa Robert Einhorn và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2012-01-22
Thảo luận về vấn đề cấm vận I-ran giữa Robert Einhorn và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Robert Einhorn, Cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, người đang đảm nhận nhiệm vụ giải quyết vấn đề cấm vận đối với I-ran và Bắc Triều Tiên đã có cuộc gặp với Trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Jae-sin. Trong cuộc gặp này, ông Einhorn cho biết, tình hình hiện tại của I-ran và Bắc Triều Tiên là những vấn đề có liên quan đến nhau và yêu cầu phía Hàn Quốc hợp tác trong việc áp dụng chế tài I-ran. Cụ thể là ông Einhorn đã yêu cầu Hàn Quốc giảm lượng dầu thô nhập khẩu và cắt giảm giao dịch với Ngân hàng trung ương I-ran. Đây là lần đầu tiên phía Mỹ trực tiếp đề cập đến vấn đề cắt giảm nhập khẩu dầu thô của I-ran đối với chính phủ Hàn Quốc.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Cố vấn Einhorn và việc cấm vận I-ran
Cố vấn Robert Einhorn đã có chuyến thăm Hàn Quốc nhằm thảo luận với chính phủ Hàn Quốc về việc áp dụng cấm vận kinh tế của I-ran. Hiện tại ông này đang có chuyến thăm các nước đồng minh của Mỹ nhằm hối thúc các nước hợp tác trong việc cấm vận I-ran. Trong cuộc họp vào ngày 17/1 vừa rồi, Cố vấn Einhorn cho biết, Mỹ yêu cầu tất cả các nước đồng minh hãy cắt giảm việc giao dịch với Ngân hàng trung ương I-ran và giảm lượng nhập khẩu dầu thô từ I-ran. Liên hợp quốc cũng cho rằng, việc gửi những tín hiệu rõ ràng và thống nhất đến I-ran, quốc gia đang từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân là một việc làm quan trọng. Ông nhấn mạnh, vấn đề này có liên quan đến Bắc Triều Tiên. Theo ông, nếu vấn đề đối với I-ran có tiến triển thì vấn đề với Bắc Triều Tiên cũng có thể được giải quyết một cách suôn sẻ. Và đây chính là lí do hai nước Hàn-Mỹ phải hợp tác với nhau trong vấn đề cấm vận I-ran.

Việc cấm vận I-ran và lập trường của Hàn Quốc
Hiện Hàn Quốc đang rất khó xử trong trường hợp này. Nếu xét mối quan hệ đồng minh với Mỹ và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên thì Seoul bắt buộc phải tích cực hợp tác trong việc cấm vận I-ran. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng cần xem xét đến tầm quan trọng của việc nhập khẩu dầu thô từ I-ran cũng như mối quan hệ về kinh tế đối với các nước Ả rập. Hiện tại, khoảng 10% lượng dầu thô nhập khẩu của Hàn Quốc đang phụ thuộc vào I-ran. Không chỉ vậy giá dầu thô của I-ran khá thấp nên lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc từ đây đã tăng từ 8,3% vào năm 2010 lên 9,7% vào năm 2011.

Lựa chọn của Hàn Quốc
Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang yêu cầu Mỹ cân nhắc việc miễn trừ thực hiện Đạo luật ủy quyền quốc phòng. Theo nội dung của đạo luật này thì những tổ chức kinh tế có giao dịch với ngân hàng trung ương I-ran sẽ không thể giao dịch với các tổ chức tài chính của Mỹ. Theo đó, nếu áp dụng điều luật này thì Hàn Quốc sẽ không thể nhập khẩu dầu thô từ I-ran nữa. Tuy nhiên, Seoul vẫn có thể được công nhận sự ngoại lệ trong việc Washington áp dụng đạo luật này mà không cần có sự đồng ý của Chính phủ. Trong đó, việc công nhận ngoại lệ được thực hiện ở mức độ ‘có thành ý’, tức là sẽ cắt giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ I-ran. Trong cuộc gặp với cố vấn Einhorn, trợ lý thứ trưởng Ngoại giao Kim Jae-sin đã khẳng định, chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia và ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề này. Đồng thời ông này bày tỏ mong muốn hai nước sẽ hợp tác mật thiết với nhau để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng từ vấn đề này. Phát biểu của ông Kim đã cho thấy những trăn trở của chính phủ Hàn Quốc. Dù sao thì Seoul cũng đang ở trong hoàn cảnh không thể cắt giảm quá nhiều lượng dầu nhập khẩu từ I-ran. Hiện chính phủ Hàn Quốc cũng đang tìm biện pháp để điều chỉnh tỉ lệ nhập khẩu bằng cách thay thế nguồn nhập khẩu khác. Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng, tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn những thiệt hại về kinh tế nhưng Chính phủ sẽ hết sức cố gắng xem xét phương án tìm nguồn nhập khẩu khác và giảm thiểu tối đa những thiệt hại này. Ngoài ra, một quan chức chính phủ cho biết, phía Mỹ cũng đang yêu cầu việc tăng lượng cung cấp dầu thô đối với các nước Ả rập khác như Ả rập Xe-út.

Tin mới nhất