Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Cuộc đối thoại Triều-Mỹ lần thứ 3

Tin nổi bật trong tuần2012-02-19
Cuộc đối thoại Triều-Mỹ lần thứ 3

Mỹ và Bắc Triều Tiên nhất trí tổ chức cuộc đối thoại cấp cao lần 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 2 tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm thứ Ba (14/2) cho biết, đặc phái viên về chính sách Bắc Triều Tiên Glyn Davies sẽ gặp đoàn đại biểu của Bắc Triều Tiên trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-kwan vào ngày 23/2 và 2 bên sẽ thảo luận về việc nối lại đối thoại chính thức nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đối thoại cấp cao Triều-Mỹ
Đối thoại cấp cao Triều-Mỹ là bước thứ 2 trong 3 bước của quá trình thực hiện giải pháp đối thoại, đó là đối thoại liên Triều, đối thoại Triều-Mỹ và cuối cùng là đàm phán 6 bên. Sau cuộc hội đàm về phi hạt nhân hóa giữa hai miền Nam-Bắc, đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên đã diễn ra 2 lần vào năm 2011. Đối thoại Triều-Mỹ lần 1 được tổ chức tại thành phố New York, Mỹ vào tháng 7 và đối thoại lần 2 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ vào tháng 10 năm ngoái. Đối thoại Triều-Mỹ lần thứ 3 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 12 năm 2011. Trước thềm đối thoại lần 3, 2 bên đã bàn thảo về việc thi hành biện pháp phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và vấn đề hỗ trợ 240 tấn lương thực cho miền Bắc vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, cuộc họp cấp cao lần 3 này đã bị hoãn lại do Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il bất ngờ qua đời.

Cuộc đối thoại cấp cao lần 3
Cuộc đối thoại cấp cao lần thứ 3 dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 2 chính là cuộc họp đã bị hoãn lại vào tháng 12 năm ngoái. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland giải thích cuộc họp tại Bắc Kinh lần này là cơ hội để Washington tìm hiểu xem liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng trả lời những câu hỏi mà cộng đồng quốc tế đặt ra hay không. Chính vì vậy cuộc đối thoại lần này dự kiến sẽ đạt thêm những thoả thuận về nội dung đã được nhất trí vào đầu tháng 12 năm 2011. Bà Nuland cho biết chương trình nghị sự sắp tới sẽ tập trung bàn thảo về việc nối lại đối thoại chính thức nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trợ lý thứ trưởng Ngoại giao phụ trách tuyên truyền và quảng bá Mỹ Mike Hammer cũng giải thích rằng đây sẽ là cơ hội để xác nhận “sự thành thật” của miền Bắc đối với việc thực hiện nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và Tuyên bố chung của đàm phán hạt nhân 6 bên vào năm 2005. Ông Hammer nhấn mạnh, đối thoại lần này là những nỗ lực để xem Bình Nhưỡng lựa chọn con đường hướng tới nối lại đàm phán 6 bên như thế nào.

Ý nghĩa và triển vọng
Hiện có hai luồng ý kiến đánh giá tích cực và tiêu cực về triển vọng của đối thoại lần 3. Việc Bắc Triều Tiên nhanh chóng đứng ra để nối lại đối thoại được xem là một điểm tích cực. Qua đó, có thể thấy được ban lãnh đạo mới của miền Bắc sẽ tích cực tham gia vào đối thoại. Liên quan đến vấn đề này, những mong đợi về việc nối lại đối thoại liên Triều cũng được đưa ra một cách thận trọng. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện triển vọng không tốt về những tiến triển thực tế của đối thoại lần 3. Từ bỏ hạt nhân là từ bỏ “vũ khí” ngoại giao mà Bình Nhưỡng đang có, vì vậy có ý kiến cho rằng quân đội Bắc Triều Tiên sẽ không chấp nhận điều này. Theo đánh giá của Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế Hàn Mỹ Jack Pritchard, Bắc Triều Tiên hy vọng có thể nhận được một điều gì đó từ phía Mỹ trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào tháng 4, do đó dự kiến hầu như sẽ không có tiến triển gì mới cho cuộc đối thoại sắp tới.

Tin mới nhất