Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Ko Hee-dong, họa sĩ theo hội họa phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc

2012-11-01

<b>Ko Hee-dong</b>, họa sĩ theo hội họa phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc
Cống hiến cho sự ra đời của hội họa phương Tây tại Hàn Quốc

Đầu thế kỷ 20, hội họa phương Tây chưa được nhìn nhận một cách tích cực ở Hàn Quốc, người trải giấy vẽ tranh ngoài trời có lúc còn bị tưởng lầm là người bán kẹo hay thuốc lá rong. Vào giai đoạn mà những rào cản về tư duy vẫn ngăn không cho khuynh hướng hội họa mới du nhập vào như vậy, có một nhân vật đã đứng lên, mở đường cho giới mĩ thuật Hàn Quốc thời cận đại. Đó chính là họa sĩ Ko Hee-dong, du học sinh đầu tiên về mĩ thuật của Hàn Quốc, người đã sang Nhật học hội họa phương Tây để về nước sáng lập ra Hiệp hội Thư họa Hàn Quốc.

Bắt đầu đến với hội họa

Ko Hee-dong sinh năm 1886 tại Seoul, là con trai thứ ba của Ko Young-cheol, một viên tri huyện giai đoạn cuối triều Joseon đồng thời cũng là một nhà tri thức tiến bộ. Theo lời khuyên của cha, năm 13 tuổi Ko Hee-dong đã vào trường Pháp ngữ Hanseong, trong suốt 4 năm học tiếng Pháp và các kiến thức mới mẻ hiện đại, quan tâm nhiều hơn tới văn hóa phương Tây.
Ko Hee-dong học giỏi, thành tích xuất sắc, từ năm 1904, khi còn chưa tốt nghiệp đã được bổ nhiệm làm chức quan Jusa (Chủ sự) trong "Cung nội phủ" - cơ quan xử lý các việc liên quan đến hoàng thất. Tại đây, ông đã làm thông dịch và phiên dịch tài liệu văn thư tiếng Pháp. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau, khi Điều ước Bảo hộ Ất Tỵ (1905) được ký kết cùng với việc Nhật Bản tước đoạt quyền ngoại giao của Hàn Quốc, ông đã bỏ làm quan để chuyển sang vẽ tranh.
Ko Hee-dong thường xuyên qua lại, học hỏi từ các học giả nổi tiếng lúc bấy giờ như An Jung-shik, Jo Seok-jin, bắt đầu cuộc sống của một họa sĩ. Lúc bấy giờ ở giới họa sĩ, chủ yếu vẫn chỉ thịnh hành kiểu mô phỏng, bắt chước y nguyên theo các tập tranh của Trung Quốc nhưng Ko Hee-dong lại khác. Ông là người đã sớm tiếp cận với mĩ thuật phương Tây, từng được xem thầy Leopold Remion, thầy giáo dạy tiếng Pháp của ông tại trường Pháp ngữ Hanseong vẽ những bức tranh chân dung v.v... Vì thế, ông không hề bằng lòng, thỏa mãn với phương thức vẽ tranh truyền thống vốn có trước đó mà quyết định lên đường sang Nhật, học khoa Hội họa phương Tây ở trường mĩ thuật Tokyo vào năm 1909.

Con đường mới trong tranh chân dung tự họa

Sau 5 năm học vẽ ở Nhật, Ko Hee-dong đã tốt nghiệp với tác phẩm là bức chân dung tự họa dù rằng tính đến thời điểm lúc đó, trên thế giới hiếm có trường hợp nào nộp tranh tự họa làm tác phẩm tốt nghiệp. Ông đã vẽ bằng sơn dầu tranh chân dung của bản thân, mặt nhìn thẳng chính diện, đầu đội mũ jeongjagwan của quý tộc thời Joseon và mặc trang phục quần áo truyền thống Hanbok. Bức tranh sơn dầu này chính là tác phẩm theo hội họa phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc, nó thấm đượm lòng tự tin, sự oai phong đường hoàng của một thanh niên đã khai phá ra con đường mới cho mĩ thuật nước nhà.
Ko Hee-dong chính là người đã mở cánh cửa cho Hàn Quốc đến với mĩ thuật phương Tây thời cận đại. Năm 1915 ông về nước, giảng dạy về hội họa phương Tây và bắt đầu đưa thuật ngữ "mĩ thuật" vào dùng tại Hàn Quốc. Đặc biệt, năm 1918 ông đã thuyết phục các nhân vật quan trọng, các học giả lớn có tên tuổi trong giới thư họa, thành lập nên Hiệp hội Thư họa, một tổ chức đầu tiên hoạt động về mĩ thuật theo hướng cận đại, quy tụ các chuyên gia về thư họa của Hàn Quốc. Hoạt động chủ yếu nhất của Hiệp hội Thư họa này là triển lãm tác phẩm của các hội viên và triển lãm đầu tiên của hiệp hội đã được tổ chức vào năm 1921 tại hội trường của trường phổ thông trung học Jungang. Đây là buổi triển lãm tranh đầu tiên theo phong cách cận đại, lấy công chúng làm đối tượng phục vụ chính. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động khai sáng, thức tỉnh người dân của Ko Hee-dong chính là việc xuất bản nên tạp chí mĩ thuật đầu tiên của Hàn Quốc mang tên "Thư họa hiệp hội báo". Mặc dù năm 1939 do bị thực dân Nhật đàn áp, hiệp hội Thư họa đã phải giải tán nhưng nó cũng đã đóng góp công lao to lớn cho việc đoàn kết các nhà mĩ thuật yêu nước tại Hàn Quốc lại với nhau.

Người tiên phong đặt nền tảng cho hội họa Hàn Quốc

Sau ngày đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, Ko Hee-dong đã đảm nhận nhiều trọng trách trong giới mĩ thuật Hàn Quốc như làm chủ tịch hội đồng của Trung tâm Xây dựng mĩ thuật Joseon, chủ tịch Hiệp hội Mĩ thuật Hàn Quốc v.v... Khi quốc hội khóa 5 được hình thành sau cuộc cách mạng dân chủ ngày 19/4/1960, ông được giới thiệu là ứng cử viên của đảng Dân chủ tại Seoul, đứng ra tranh cử và trúng cử vào thượng viện. Tuy hoạt động chính trị nhưng ông vẫn đặc biệt quan tâm tới việc phát triển mĩ thuật Hàn Quốc về mặt chế độ, chính sách.
Về sau, do năm 1915, có lần gửi tác phẩm "Mĩ nhân đánh đàn Gayageum" đến dự hội chợ "Triển lãm sản phẩm Joseon" do phủ Tổng đốc Joseon (Triều Tiên Tổng đốc phủ) tổ chức nên Ko Hee-dong từng phải chịu nhục, bị coi là họa sĩ thân Nhật. Mặc dù vậy, ông vẫn rất cố gắng cho việc duy trì những đặc điểm bản sắc cố hữu từng bị mai một trong thời kỳ hỗn loạn trước đây. Ở mỗi bức tranh của ông đều thể hiện sắc màu xanh hết sức thanh tao, trang nhã chẳng hạn như phong cảnh sơn thủy sử dụng màu xanh mạnh mẽ trong bức "Xuân giang hoa ổ đồ" vẽ năm 1964, khi đã về già của ông có thể xem là một tác phẩm tiêu biểu. Họa sĩ Ko Hee-dong đã không rời cây bút vẽ cho đến khi qua đời vào ngày 22/10/1965. Mặc dù bị hạn chế là một tác giả của thời kỳ thuộc địa, đất nước bị mất chủ quyền cả về mặt văn hóa nhưng ông chính là người đã tiên phong, mở con đường mới, đặt ra nền tảng cho hội họa Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập