Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tổ chức hội đàm quân sự cấp tướng

2018-08-02

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội đàm quân sự tại Ngôi nhà Hòa bình, làng đình chiến Bàn Môn Điếm phía miền Nam vào ngày 31/7 vừa qua. Đây là cuộc hội đàm cấp tướng thứ hai dưới thời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và là cuộc hội đàm thứ IX trong lịch sử. Trong một động thái bất thường, cuộc hội đàm này đã được tổ chức theo đề xuất của Bắc Triều Tiên. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích về tầm quan trọng của hội đàm quân sự liên Triều vừa qua. 


Cuộc hội đàm quân sự vừa qua là nhằm từng bước thi thành Tuyên bố Bàn Môn Điếm, trong đó hai bên thảo luận các biện pháp giảm nhẹ căng thẳng quân sự và xây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã cho dỡ các loa phóng thanh tuyên truyền tại khu vực ranh giới quân sự liên Triều. Trong cuộc hội đàm cấp tướng lần đầu tiên kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm nay, hai bên đã nhất trí khôi phục các đường dây liên lạc quân sự giữa hai miền Nam-Bắc. Hàn Quốc cũng đã hoãn tập trận chung với Mỹ nhằm góp phần xây dựng lòng tin với Bắc Triều Tiên. Về phần mình, Bình Nhưỡng dường như hy vọng đẩy nhanh hợp tác kinh tế với Seoul, trong khi mong muốn thực hiện phi hạt nhân hóa một cách chậm rãi. Đó chính là lý do vì sao Bắc Triều Tiên đã đề xuất cuộc hội đàm quân sự liên Triều vừa qua.


Cuộc hội đàm quân sự cấp tướng đã diễn ra 47 ngày sau cuộc hội đàm trước đó vào ngày 14/6 và thu hút được quan tâm chú ý đặc biệt kể cả từ trước khi được bắt đầu. Đó là bởi Bắc Triều Tiên đã đề xuất cuộc hội đàm này trước và thể hiện một thái độ cầu thị. Trên đường tới địa điểm của cuộc gặp, phái đoàn miền Bắc đã thay đổi lộ trình và tới tham quan cây lưu niệm mà lãnh đạo của hai miền đã trồng nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh song phương ngày 27/4. Tại phòng họp, phái đoàn miền Bắc đã thân mật chào hỏi những người đồng cấp Hàn Quốc. Hội đàm đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng trong bầu không khí hữu nghị và kéo dài hơn tám tiếng đồng hồ. 


Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã chủ yếu thảo luận vấn đề biến Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) thành khu vực hòa bình, như việc phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA) và rút thí điểm binh lực và vũ khí tại trạm gác ở khu vực phi quân sự liên Triều (GP). Hai bên cũng nhất trí cùng khai quật hài cốt liệt sĩ tại khu DMZ nhằm góp phần xây dựng lòng tin tại khu vực quân sự, giống như việc Bắc Triều Tiên trao trả hài cốt của các binh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên. Dường như hai bên cũng đã đạt được tiến triển trong việc thảo luận phương án thành lập một hải phận hòa bình gần đường ranh giới liên Triều trên biển (NLL), một vấn đề gây tranh cãi. Hai nước được cho là đã có cùng quan điểm về sự cần thiết phải dừng các hành vi thù địch trên biển bằng việc dừng diễn tập bắn đạt thật trên vùng biển Tây, không sử dụng pháo hạm hoặc pháo bờ biển.


Hai bên đã thảo luận bốn vấn đề quan trọng, bao gồm việc phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA), khai quật hài cốt liệt sĩ tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), rút thí điểm binh lực tại một số trạm gác tại đây, và dừng các hành vi thù địch trên biển Tây. Các chủ đề thảo luận này đã cấu thành nhiệm vụ then chốt là biến Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) thành một khu vực hòa bình, như đã được nhất trí trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Đặc biệt, việc rút thí điểm binh lực và vũ khí tại trạm gác khu vực phi quân sự liên Triều (GP) có thể là bàn đạp theo sau Hiệp định đình chiến vốn cấm các vũ khí hạng nặng trong Khu vực phi quân sự liên Triều. Việc cùng khai quật hài cốt liệt sĩ tại khu vực này cũng có thể dẫn tới một dự án tương tự có sự tham gia của cả hai miền Nam-Bắc và Mỹ. Tuy nhiên, hai bên đã không đưa ra được thông cáo chung sau cuộc họp quân sự. 


Hàn Quốc dường như đang điều chỉnh tiến độ. Các biện pháp xây dựng lòng tin được thảo luận tại hội đàm quân sự liên Triều, trong khi Mỹ và Bắc Triều Tiên đàm phán về phi hạt nhân hóa. Hai tiến trình này nên được tiến hành song song. Nếu thảo luận về xây dựng lòng tin tiến triển quá nhanh giữa bối cảnh hội đàm phi hạt nhân hóa chậm chạp, hai quá trình này sẽ không cân xứng nhau. Seoul và Bình Nhưỡng có thể có quan điểm khác biệt về một số vấn đề, nhưng Chính phủ Hàn Quốc dường như đang cố gắng giữ được sự cân bằng giữa hai tiến trình thảo luận trên. Tôi đánh giá cao động thái này của Seoul.


Hiện tại, quân đội Hàn Quốc đang quản lý 80 trạm gác tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và Bắc Triều Tiên có khoảng 160 trạm gác tại đây. Con số binh lính đồn trú tại các trạm gác này lên tới 12.000, trong đó 10.000 lính là của phía miền Bắc. Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) là nơi duy nhất trên thế giới mà các lực lượng quân sự quy mô lớn của hơn một nước được triển khai sát gần nhau trong trạng thái đối đầu. Do đó, việc biến một khu vực được trang bị nhiều vũ khí như DMZ thành khu vực hòa bình đòi hỏi phải được thảo luận kỹ lưỡng. Ngay trước khi cuộc hội đàm cấp tướng liên Triều được bắt đầu vào ngày 31/7, Bắc Triều Tiên đã đề cập đến vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Nhưng thật khó để có thể thảo luận về vấn đề này tại cuộc gặp quân sự vừa qua. 


Hội đàm cấp tướng liên Triều vừa qua tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin. Tôi cho rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là một quyết định mang tính ngoại giao với sự tham gia của lãnh đạo hoặc Ngoại trưởng các quốc gia liên quan. Do đó, đây thực sự không phải là vấn đề nên được đưa ra tại hội đàm quân sự. Bắc Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề này một cách mau chóng, trong khi Washington lại khăng khăng rằng trước hết Bình Nhưỡng phải có các biện pháp phi hạt nhân hóa trên thực tế, chẳng hạn như công bố các chương trình hạt nhân của nước này. Với những khác biệt về quan điểm như trên, miền Bắc đã đề cập tới vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh, vốn liên quan tới hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, mặc dù đây không phải là chủ đề thảo luận chính thức của hội đàm quân sự liên Triều.


Trong cuộc hội đàm quân sự vừa qua, Seoul và Bình Nhưỡng đã nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề nhạy cảm mà hai nước có quan điểm hoàn toàn khác biệt. Cả hai bên đã đánh giá tích cực về cuộc họp, làm dấy lên hy vọng về các cuộc hội đàm trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập