Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc miễn cấm vận với công tác khảo sát đường sắt liên Triều

2018-11-29

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Ngày 23/11 vừa qua, Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn miễn cấm vận, cho phép Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tiến hành khảo sát thực địa chung các đoạn đường sắt tại miền Bắc. Quyết định trên đã giúp hai miền Nam-Bắc gỡ bỏ “chướng ngại vật” đầu tiên trong lộ trình kết nối các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Sự chú ý đang tập trung vào việc liệu diễn biến tích cực trên có thể dẫn tới tiến triển thực chất trong các dự án hợp tác liên Triều, cũng như đối thoại Mỹ-Triều hay không. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Kim Yong-hyun từ khoa Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, trường Đại học Dongguk, phân tích sâu hơn.


Trong khi các cuộc thảo luận nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và thiết lập một cơ chế hòa bình vẫn đang diễn ra, Liên hợp quốc tin rằng quan hệ liên Triều được cải thiện cũng rất cần thiết. Với việc Bắc Triều Tiên vẫn đang chịu các lệnh cấm vận quốc tế, quyết định vừa qua của Liên hợp quốc cho thấy tổ chức này sẽ tích cực ủng hộ các chương trình hợp tác kinh tế liên Triều, bao gồm dự án kết nối đường sắt, nếu có tiến triển trong các cuộc hội đàm về phi hạt nhân hóa.


Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cần tiến hành khảo sát chung đường sắt ở phần lãnh thổ của miền Bắc nhằm kết nối các đoạn đường sắt bị chia cắt tại cả khu vực phía Tây và phía Đông bán đảo. Công tác khảo sát đòi hỏi việc vận chuyển xăng dầu và các nguyên vật liệu khác tới miền Bắc, mặc dù các lệnh trừng phạt quốc tế cấm việc chuyển xăng dầu cùng các mặt hàng khác bằng tàu. Nhưng động thái mới nhất của Liên hợp quốc đã xua tan những mối quan ngại về khả năng vi phạm cấm vận. Chính quyền Mỹ cũng đã quyết định không áp đặt các biện pháp cấm vận đơn phương của nước này lên Bình Nhưỡng liên quan tới công tác khảo sát đường sắt. Những quyết định trên của cả Liên hợp quốc và Washinhton đang được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khảo sát chung đường sắt liên Triều.


Hai tuyến đường sắt xuyên biên giới đã không hề hoạt động. Về mặt kỹ thuật, có thể đưa ngay tuyến Gyeongui ở phía Tây vào hoạt động, mặc dù tuyến này đã dừng hoạt động sau khi khu công nghiệp liên Triều Gaesung bị đóng cửa. Nhưng tuyến dọc biển Đông thì hoàn toàn không thể hoạt động được. Tuy nhiên, hai miền Nam-Bắc có thể tổ chức lễ khởi công ít nhất là trong năm nay. Điều này không có nghĩa là họ có thể bắt đầu công tác xây dựng kết nối các tuyến đường sắt ngay lập tức. Thay vào đó, lễ khởi công có thể ngụ ý rằng hai bên sẵn sàng triển khai dự án đường sắt một cách nhanh chóng một khi hội đàm về phi hạt nhân hóa có tiến triển. Do đó, việc tổ chức ngay lập tức lễ khởi công là một ý tưởng hay.


Công tác khảo sát chung đường sắt là một phần trong thỏa thuận thượng đỉnh giữa lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc hồi tháng 4 năm nay nhằm hiện đại hóa và tái kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới. Ban đầu, việc khảo sát thực địa được lên kế hoạch diễn ra vào tháng 7, nhưng đã bị hoãn lại vì một số vấn đề, bao gồm các mối quan ngại về vi phạm cấm vận. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể hoàn thành việc khảo sát chung càng sớm càng tốt. Trong công tác trên, một đầu máy xe lửa Hàn Quốc với 5 hoặc 6 toa tàu sẽ di chuyển tới miền Bắc rồi bàn giao lại cho một đầu máy xe lửa Bắc Triều Tiên kéo đi tiếp. Sau khi hoàn thành khảo sát chung, lễ khởi công sẽ được tổ chức, có thể là vào giữa tháng 12. Giờ đây, dự án đường sắt đã có được bước đi đầu tiên, báo hiệu một thay đổi tích cực cho đối thoại liên Triều và Mỹ-Triều.


Việc cho hoạt động thử các tuyến đường sắt và một số dự án nghiên cứu chung sẽ có ảnh hưởng tích cực đến quan hệ liên Triều. Seoul và Bình Nhưỡng đã không thể tiến hành các dự án chung một cách tương xứng, trừ những dự án liên quan tới thỏa thuận quân sự song phương. Trong bối cảnh này, lễ khởi công kết nối đường sắt sẽ vô cùng quan trọng. Tất nhiên, thật khó để nói rằng chỉ riêng dự án đường sắt thôi sẽ có ảnh hưởng tích cực tới quan hệ Mỹ-Triều. Nhưng ít nhất thì công tác trên sẽ góp phần tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại. Trong lúc nổi lên nhiều suy đoán về khả năng hội đàm cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc Kim Yong-chol, Mỹ đã thể hiện sự linh hoạt trong dự án đường sắt liên Triều. Rõ ràng là Washington đã vừa gửi đi một tín hiệu tích cực tới Bình Nhưỡng.


Khảo sát đường sắt là bước đi sơ bộ cần phải được tiến hành trước khi thực sự kết nối các đoạn đường sắt. Tuy vậy, việc công tác khảo sát được khởi động mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn, bởi kế hoạch trên đã bị hoãn lại do bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa. Do đó, quyết định phê chuẩn miễn cấm vận của Washington được hiểu là ý định của Mỹ nhằm một lần nữa đẩy nhanh đối thoại đang bế tắc với Bắc Triều Tiên. Bằng cách giúp tạo điều kiện thuận lợi cho dự án hợp tác liên Triều trên, Washington cũng được tin là đang đẩy trọng trách sang cho Chính phủ Hàn Quốc, bởi họ luôn nhấn mạnh rằng quan hệ liên Triều được cải thiện phải đi đôi với phi hạt nhân hóa. Trong bối cảnh trên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm nhẹ cấm vận với Bình Nhưỡng tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).


Tôi cho rằng Tổng thống Moon Jae-in sẽ nêu rõ quan điểm của Seoul là sẽ tích cực thúc giục nới lỏng cấm vận với Bình Nhưỡng phù hợp với tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Tại thời điểm này, Seoul đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Tôi cho rằng Tổng thống Moon sẽ tích cực hối giục cộng đồng quốc tế tham gia vào nỗ lực này.


Sau chuyến công du châu Âu vào tháng trước, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ sử dụng Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sắp tới như một cơ hội thảo luận các biện phám giảm nhẹ cấm vận quốc tế với Bắc Triều Tiên, nhằm thuyết phục miền Bắc phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 trên, ông Moon được nhận định sẽ cố gắng thu hẹp bất đồng ý kiến giữa Seoul và Washington về vấn đề phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, để Hàn Quốc có thể khởi động đối thoại Mỹ-Triều, Giáo sư Kim Yong-hyun cho rằng Bình Nhưỡng và Washington nên thể hiện sự thay đổi trước.


Tôi cho rằng việc Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un kiến tạo một bầu không khí tích cực cho hội đàm về phi hạt nhân hóa và cơ chế hòa bình, là rất quan trọng. Ông Kim và Tổng thống Trump vừa có một cuộc “giằng co” về Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2. Nếu họ tiếp tục đối đầu nhau, đàm phán về phi hạt nhân hóa có thể sẽ mất đi xung lực và những người bảo thủ trong nội bộ nước Mỹ sẽ gây thêm sức ép với ông Trump. Tại thời điểm này, Chủ tịch Kim cần nhượng bộ và nỗ lực đàm phán với Washington, thể hiện cam kết mạnh mẽ tiến tới phi hạt nhân hóa. Ông Trump cũng cần phải nỗ lực duy trì đối thoại. Và Tổng thống Moon Jae-in cũng nên tiếp tục đóng vai trò trung gian điều phối giữa hai nước để nối lại đàm phán Mỹ-Triều. Với sự hợp tác giữa 3 nhà lãnh đạo, các cuộc thảo luận về nỗ lực phi hạt nhân hóa và hòa bình có thể tiến triển và tốt nhất là nên đạt được sự khác biệt về chất so với trước đây.


Trong bối cảnh hội đàm phi hạt nhân hóa tiếp tục bế tắc, quyết định miễn cấm vận vừa qua đã làm dấy lên hy vọng rằng dự án đường sắt liên Triều sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Nhưng chỉ khi tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên có tiến triển, hai miền Nam-Bắc mới có thể thực sự kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt xuyên biên giới. Chúng ta cùng chờ xem liệu các biện pháp vừa qua của Liên hợp quốc có thể giúp mang lại một giải pháp quan trọng nhằm cải thiện quan hệ Mỹ-Triều hay không.

Lựa chọn của ban biên tập