Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Mỹ trừng phạt ba quan chức Bắc Triều Tiên vì vấn đề nhân quyền

2018-12-13

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Chính phủ Mỹ ngày 10/12 vừa qua đã áp đặt trừng phạt với ba quan chức chủ chốt của Bắc Triều Tiên với lý do xâm hại nhân quyền, gồm có Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức đảng Lao động Choe Ryeong-hae.Dường như Washington đang sử dụng vấn đề nhân quyền, vốn rất nhạy cảm với Bình Nhưỡng, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Sejong, phân tích sâu hơn về động thái trên.


Ông Choe Ryong-hae là Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên kiêm Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức của đảng này. Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo tổ chức là một chức vị rất quan trọng, từng do cố lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-il nắm giữ. Đây là một cơ quan giám sát đầy quyền lực, là trụ cột cho chính quyền miền Bắc trên thực tế. Ông Choe được xem là cánh tay phải của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, vốn kiểm soát cả đảng Lao động, Chính phủ và quân đội.


Hai quan chức còn lại là Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh quốc gia Jong Kyong-thaek và Chủ nhiệm Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Pak Kwang-ho. Cục bảo vệ an ninh quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc điều khiển các hoạt động kiểm duyệt, chà đạp nhân quyền người dân. Trong khi đó, Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động giám sát tất cả truyền thông trong nước. Em gái của Chủ tịch Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong đang giữ chức Phó Chủ nhiệm của cơ quan này. Do đó, ba vị trên đều là các quan chức hàng đầu của miền Bắc.


Bình Nhưỡng có lẽ rất thất vọng với biện pháp trừng phạt trên của Washington, bởi nước này luôn vô cùng nhạy cảm với vấn đề nhân quyền, vốn liên quan mật thiết tới sự tồn vong của chính quyền.


Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt ba quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên đúng ngày 10/12, ngày kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Đây là lần đầu tiên Washington áp đặt trừng phạt nhân quyền với Bình Nhưỡng kể từ Hội nghị thượng đỉnh song phương ở Singapore hồi tháng 6. Tính từ tháng 7/2016, Mỹ đã áp đặt trừng phạt 13 tổ chức và 32 cá nhân miền Bắc với cáo buộc xâm hại nhân quyền, bao gồm cả nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un. Nhưng các biện pháp trừng phạt trước đây được đưa ra vào thời điểm Washington đang đẩy mạnh sức ép lên Bình Nhưỡng vì hàng loạt động thái khiêu khích hạt nhân và tên lửa của miền Bắc.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được kỳ vọng sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, nhưng miền Bắc vẫn chưa hề thi hành các biện pháp phi hạt nhân hóa thực chất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn. Trên thực tế, quyết định trừng phạt vừa qua đã đóng băng các tài sản của Bắc Triều Tiên tại Mỹ và cấm giao dịch thương mại với phía Mỹ. Nhưng những cá nhân bị trừng phạt chưa từng có bất kỳ giao dịch nào với người Mỹ. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt trên chủ yếu mang tính biểu tượng và nhằm mục đích chính trị. Bằng việc áp đặt những biện pháp cấm vận cộng thêm với miền Bắc, Washington đang gây nhiều sức ép hơn lên Bình Nhưỡng hòng khiến nước này cam kết phi hạt nhân hóa mạnh mẽ hơn.


Dự luật về tăng cường các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên quy định Bộ Ngoại Mỹ phải trình lên Quốc hội Mỹ báo cáo nhân quyền ở miền Bắc 6 tháng/lần. Nhưng quyết định trừng phạt vừa qua đã được công bố 14 tháng sau bản báo cáo trước đó vào cuối tháng 10 năm ngoái. Điều này có nghĩa Chính phủ Mỹ đã biết về các hành vi xâm hại nhân quyền của ba vị quan chức Bắc Triều Tiên nhưng vẫn bỏ qua việc công bố trừng phạt ít nhất một lần, xem xét tới tiến trình đối thoại với miền Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng đang bế tắc, các nhà phân tích suy đoán rằng Washington muốn sử dụng vấn đề nhân quyền nhằm thúc đẩy một sự thay đổi thái độ từ miền Bắc.


Một số người cho rằng Mỹ đang tăng cường sức ép với Bắc Triều Tiên thông qua việc đưa ra vấn đề nhân quyền mà Washington đã nhắm mắt làm ngơ thời gian qua. Nhưng Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton vừa phát biểu rằng Mỹ sẽ xem xét gỡ bỏ cấm vận khi có “biểu hiện” phi hạt nhân hóa từ miền Bắc. Để Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu năm sau diễn ra thành công, Washington đang đưa ra sự khích lệ trên, đồng thời áp đặt trừng phạt cộng thêm với Bình Nhưỡng. Nhìn chung, Mỹ đang dùng phương án “cây gậy và củ cà rốt”. Trừng phạt nhân quyền chính là một phần trong các biện pháp của Washington nhằm khiến Bình Nhưỡng có hành động phi hạt nhân hóa thực chất và qua đó đạt được thành quả tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu năm sau.


Biện pháp trừng phạt vừa qua của Chính phủ Mỹ cho thấy ý định tiếp tục gây sức ép lên Bắc Triều Tiên cho tới khi nước này phi hạt nhân hóa, nhưng cũng thể hiện cam kết của Washington về đối thoại. Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập tới hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Chủ tịch Kim Jong-un, trong khi Cố vấn John Bolton, một người theo đường lối cứng rắn, lại vừa khẳng định về khả năng gỡ bỏ cấm vận miền Bắc. Bởi vậy, điểm mấu chốt hiện nay chính là Bình Nhưỡng sẽ đối phó và tiếp nhận chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Washington ra sao.


Tất nhiên, Bắc Triều Tiên sẽ phản đối quyết định của Mỹ. Miền Bắc giờ đây đang tập trung vào một hội nghị thượng đỉnh nữa với Mỹ, làm giảm khả năng diễn ra chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim Jong-un năm nay – điều mà ông này đã hứa với Tổng thổng Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9. Chính phủ miền Bắc có thể chỉ trích Mỹ, nhưng sự chỉ trích sẽ không đủ nặng nề để phá hỏng bầu không khí cho đối thoại hạt nhân hoặc trì hoãn Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hơn nữa.


Ngày 11/12 vừa qua, truyền thông Bắc Triều Tiên đã lên án quyết định của Washington, gọi đây là một hành động thù địch, đi ngược lại tinh thần tốt đẹp của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore. Nhưng miền Bắc có lẽ sẽ phải điều chỉnh mức độ chỉ trích, xem xét tới khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Mỹ. Với việc cả hai bên đang cho thấy cam kết mạnh mẽ với hội đàm thượng đỉnh, lời chỉ trích gay gắt của Bình Nhưỡng có thể được hiểu như sự khước từ đối thoại, nhất là trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc hiện nay.


Với thực tế là khả năng nhà lãnh đạo miền Bắc thăm Seoul trong năm nay đang ngày một thấp, vấn đề trừng phạt nhân quyền của Washington với Bình Nhưỡng đang nổi lên như một yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới cục diện đối thoại khu vực. Vì vậy, chỉ có hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên mới có thể hóa giải được tình thế phức tạp hiện nay.


Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai rất có thể diễn ra đầu năm sau, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn đang giậm chân tại chỗ, do chưa thể tổ chức hội đàm cấp cao. Tôi cho rằng tại thời điểm này, cuộc hội đàm trên mang tính cấp bách hơn chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim Jong-un. Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều nên được tổ chức ngay trong tháng này hoặc đầu năm sau để tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh song phương thứ hai.


Bình Nhưỡng và Washington có thể đạt được một thỏa thuận lớn tại hội nghị thượng đỉnh, trong đó Chủ tịch Kim Jong-un sẽ trình ra các biện pháp phi hạt nhân hóa thực chất và Tổng thống Trump sẽ gỡ bỏ cấm vận với miền Bắc, hoặc miễn trừ cấm vận cho các chương trình hợp tác kinh tế liên Triều. Chỉ sau diễn biến tích cực này, nhà lãnh đạo miền Bắc mới tới thăm Seoul. Việc Mỹ và Bắc Triều Tiên có thực sự tổ chức hội đàm cấp cao hay không, sẽ là phép thử cho những diễn biến tiếp theo của công tác ngoại giao khu vực.


Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng, Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều, vốn từng được lên kế hoạch diễn ra vào đầu tháng 11, đang được kỳ vọng trở thành sự kiện bước ngoặt nhằm tạo ra bước đột phá cho đàm phán song phương đã bị bế tắc kéo dài.

Lựa chọn của ban biên tập