Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 14 liên tiếp

2018-12-20

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết lên án các hành vi xâm hại nhân quyền của Bắc Triều Tiên năm thứ 14 liên tiếp. Sự chú ý giờ đây tập trung vào việc nghị quyết vừa được thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào tới các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, phân tích sâu hơn về động thái trên.


Ngày 17/12 vừa qua theo giờ New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chỉ trích mạnh mẽ các hành vi xâm hại nhân quyền trắng trợn của miềnBắc, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động này và ngay lập tức cải thiện tình hình. Các quốc gia thành viên đã đạt được đồng thuận về nghị quyết mà không cần biểu quyết, cho thấy sự nhất trí cao giữa các nước. Kể từ năm 2005, Liên hợp quốc hàng năm đều thông qua các nghị quyết lên án tình trạng nhân quyền nghiêm trọng tại Bắc Triều Tiên. Tổ chức này chỉ trích sự xâm phạm nhân quyền thô bạo một cách có tổ chức trên diện rộng ở miền Bắc và kêu gọi chính quyền nước này giải quyết vấn nạn trên.


Đây là lần thứ 5 Đại hội đồng đạt được đồng thuận về nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên, sau các năm 2012, 2013, 2016 và 2017. Điều này phản ánh cái nhìn tiêu cực củacộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền đáng báo động tại miền Bắc.


Nghị quyết năm nay đã trích dẫn báo cáo năm 2014 của Ủy ban điều tra tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc, mô tả những tội ác như tra tấn, đối xử vô nhân đạo, cưỡng bức, cưỡng chế lao động, tử hình công khai, bỏ tù và xử tử tùy tiện, cũng như thiếu quy trình luật pháp nhằm bảo vệ nhân quyền tại miền Bắc. Nghị quyết vừa qua một lần nữa bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các hành vi xâm hại nhân quyền của Bình Nhưỡng. Quan trọng hơn, nghị quyết đã phản ánh nỗ lực quốc tế nhằm truy cứu trách nhiệm của các thủ phạm. Cụ thể, nghị quyết hối thúc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có hành động đúng đắn nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình và đề xuất các biện pháp cấm vận chọn lọc với những kẻ chịu trách nhiệm cao nhất trong các tội ác chống lại loài người. Rõ ràng, cụm từ “chịu trách nhiệm cao nhất” là nhắm tới Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.


Trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2014, các nghị quyết của Liên hợp quốc đã kêu gọi xem xét đưa vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và trừng phạt những người chịu trách nhiệm. Điều này cho thấy cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại về vấn đề nhân quyền của miền Bắc. Đáng chú ý, nghị quyết năm nay bao gồm một nội dung mới.


Điểm quan trọng là nghị quyết khẳng định việc Liên hợp quốc ủng hộ những nỗ lực ngoại giao trong năm nay, như đã thấy tại các Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều, cũng như đàm phán phi hạt nhân hóa. Đặc biệt, nghị quyết còn đề cập tới việc đoàn tụ thành viên các gia đình bị ly tán ở hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Văn bản nêu rõ: cộng đồng quốc tế quan tâm tới sự cấp bách và tầm quan trọng của vấn đề các gia đình bị ly tán, hoan nghênh việc nối lại các cuộc đoàn tụ gia đình hồi tháng 8 cũng như thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9, nhằm tăng cường hợp tác nhân đạo vì một giải pháp mang tính căn bản cho vấn đề các gia đình bị ly tán.


Liên hợp quốc đánh giá tích cực các nỗ lực của Bình Nhưỡng trong vấn đề các gia đình bị ly tán cũng như các hội nghị thượng đỉnh với Seoul và Washington, trong một động thái nhằm khuyến khích Bắc Triều Tiên trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Một thực tế đáng chú ý nữa là việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã lần đầu tiên trong vòng 5 năm thất bại trong việc tổ chức cuộc họp thường niên về vấn đề nhân quyền miền Bắc.


Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang nỗ lực tổ chức cuộc họp về nội dung này vào tháng 1/2019 như một phần trong các nỗ lực nhằm nhấn mạnh vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên trước cộng đồng quốc tế. Ngày 10/12 vừa qua, Washington đã đưa ba quan chức chủ chốt của miền Bắc vào danh sách trừng phạt vì các cáo buộc xâm hại nhân quyền. Mỹ dường như đang tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng trong vấn đề nhân quyền, trong bối cảnh đối thoại song phương lâm vào bế tắc sau khi hội đàm cấp cao bị trì hoãn kéo dài.


Mỹ đang truyền đi thông điệp rõ ràng rằng Washington sẽ tiếp tục tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng, trong lúc các lệnh cấm vận kinh tế vẫn đang có hiệu lực, trừ phi miền Bắc tiến hành những biện pháp phi hạt nhân hóa mà nước này đã cam kết tại các hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ. Với việc sức ép từ Mỹ và cộng đồng quốc tế đang ngày một lớn, Bắc Triều Tiên cần phải có động thái phi hạt nhân hóa, đồng thời nỗ lực cải thiện tình trạng nhân quyền tại nước mình.


Không nằm ngoài dự đoán, Bắc Triều Tiên đã phản ứng gay gắt với nghị quyết vừa được thông qua. Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song đã thẳng thừng bác bỏ nghị quyết, đồng thời khẳng định các cáo buộc vi phạm nhân quyền đã được thêu dệt nên.


Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng đang tránh chỉ trích Washington. Nhân kỷ niệm 7 năm ngày mất của cố lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-il, Chủ tịch Kim Kong-un đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh, nhưng không đưa ra bất cứ thông điệp đặc biệt nào nhắm tới Mỹ. Dường như miền Bắc đang điều chỉnh mức độ chỉ trích nhằm tìm kiếm nhượng bộ với Mỹ. Thế bế tắc hiện tại trong đàm phán hạt nhân song phương rất có thể sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.


Chúng ta cần phải chú ý tới thông điệp mà Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đưa ra trong bài diễn văn chào mừng năm mới ngày 1/1 tới – thông điệp về phi hạt nhân hóa và sự cải thiện trong quan hệ liên Triều cũng như Mỹ-Triều. Rất có thể, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ được tổ chức đầu năm sau. Nhưng trước tiên, hai nước cần phải đạt được nhượng bộ về các biện pháp phi hạt nhân hóa tại các cuộc đàm phán hậu kỳ. Tại thời điểm này, mối quan tâm trọng yếu chính là chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Kim Jong-un. Tôi cho rằng chuyến thăm Seoul của ông Kim, nếu trở thành hiện thực, sẽ là một tín hiệu tích cực quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như sự cải thiện quan hệ liên Triều.


Nguyên nhân của sự bất hòa bấy lâu nay giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ là làm thế nào thiết lập sự cân bằng giữa việc phi hạt nhân hóa và một sự đảm bảo an toàn cho thể chế của miền Bắc. Song giờ đây, vấn đề nhân quyền đã được thêm vào đàm phán, khiến “cuộc chiến cân não” giữa hai bên càng trở nên khốc liệt hơn.


Năm 2018 đang dần khép lại và tiến trình đàm phán song phương Mỹ -Triều đang chứng kiến bước thụt lùi thật đáng tiếc. Bởi vậy, mối quan tâm lúc này đang tập trung vào thời điểm hai nước sẽ chấm dứt thế giằng co và có thể khởi động lại tiến trình đàm phán một cách có hiệu quả.

Lựa chọn của ban biên tập