Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Xu hướng tăng lãi suất ở các nước phát triển

2018-10-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Lãi suất bình quân của ngân hàng trung ương các nước phát triển, trong đó có Mỹ, đã vượt ngưỡng 1%, khép lại thời đại “lãi suất 0%” được duy trì từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu suốt 10 năm qua.


Các nước lớn tăng lãi suất


Hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin theo số liệu phân tích của công ty tài chính JPMorgan Chase của Mỹ, lãi suất cơ bản bình quân trong tuần trước của ngân hàng trung ương các nước phát triển trên thế giới đã vượt ngưỡng 1%, chấm dứt thời kỳ lãi suất 0%.


Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều ngân hàng trung ương các nước lớn đã hạ lãi suất cơ bản xuống ngưỡng 0% nhằm “nới lỏng định lượng”, tức nâng cao tính thanh khoản trên thị trường để thúc đẩy nền kinh tế đang đi xuống. Ví dụ như Mỹ đã duy trì lãi suất cơ bản ở ngưỡng 0 đến 0,25%, xúc tiến chính sách nới lỏng định lượng, tăng tính thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi kinh tế Mỹ có xu hướng hồi phục, bắt đầu từ tháng 12 năm 2015, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đều đặn nâng lãi suất. Tới tháng trước, Mỹ đã lần thứ ba trong năm nay tăng lãi suất, nâng thêm 0,25% lãi suất cơ bản, lên mức từ 2% đến 2,25%. Nhật Bản hay các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa tăng lãi suất, nhưng các nước này đều đang có kế hoạch chấm dứt chính sách nới lỏng định lượng trong năm nay. Theo đó, các nước lớn được dự đoán sẽ theo nhau tăng lãi suất trong thời gian tới. Ngân hàng JP Morgan của Mỹ dự đoán lãi suất cơ bản bình quân của các nước lớn trong vòng một năm tới sẽ tăng lên 1,6%, thấp hơn 0,5% so với lãi suất cơ bản bình quân giai đoạn 2005-2007, tức thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Các nước mới nổi tăng lãi suất


Theo đó, các nước mới nổi cũng đang lần lượt tăng mạnh lãi suất cơ bản. Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất vào hôm 26/9, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã nâng lãi suất từ mức 5,5% lên 5,75% một năm. Từ ngày 17/5 vừa qua, Indonesia đã 5 lần nâng lãi suất (tổng cộng là 1,5%), sau khi nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu rút vốn khỏi nước này, do giá trị tiền tệ giảm vì bất ổn thị trường tài chính ở các nước mới nổi. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Philippines (BSP) cũng tăng lãi suất cơ bản từ 4,5% lên 5%. Séc, Hồng Kông cũng đứng vào hàng ngũ các nước tăng lãi suất. Điều này đã khiến chỉ số lãi suất chính sách của các nước mới nổi đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001 tới nay.


Thời kỳ lãi suất tăng và ảnh hưởng tới kinh tế Hàn Quốc


Hiện tại, lãi suất cơ bản của Hàn Quốc đang ở mức 1,5%, thấp hơn Mỹ 0,75%. Nếu mức chênh lệch này cao hơn nữa, sẽ có thể xảy ra hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt khỏi Hàn Quốc. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đang đứng trước sức ép tăng lãi suất rất lớn, nhưng việc tăng lãi suất lại không hề dễ dàng trên thực tế. Tình hình tuyển dụng tại Hàn Quốc vẫn đang đình trệ, triển vọng tăng trưởng kinh tế liên tục bị hạ thấp. Trong khi đó, đầu tư thiết bị, xây dựng của doanh nghiệp đang bị co hẹp mạnh, làm giảm sức sống của thị trường và doanh nghiệp. Nếu BOK tăng lãi suất thì sẽ khiến các doanh nghiệp càng giảm đầu tư hơn, gánh nặng trả lãi nợ hộ gia đình thêm chồng chất, gây sức ép lên toàn bộ nền kinh tế. Nếu Mỹ tăng tiếp lãi suất trong tháng 12 trong khi BOK vẫn đóng băng lãi suất thì chênh lệch lãi suất, giữa hai nước có thể lên tới 1%. Tới lúc đó, mối lo ngại các nhà đầu tư rút vốn có thể sẽ trở thành sự thật. Một số ý kiến cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần tăng lãi suất để chặn đà tăng vọt của giá nhà hiện nay trên thị trường, nên nhiều khả năng BOK sẽ sớm phải tăng lãi suất.

Lựa chọn của ban biên tập