Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Liên hoan ba-lê Hàn Quốc: cơ hội đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng

2013-07-02



Ngay khi các vũ công ba-lê vừa kết thúc buổi biểu diễn trên nền điệu valse “Tiếng gọi mùa xuân” (Voices of Spring) do nhà soạn nhạc người Áo tài ba Johann Strauss II sáng tác, cả khu vực sân khấu ngoài trời của Trung tâm nghệ thuật Seoul như vỡ òa trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả.

[Đôi điều thú vị về Liên hoa ba-lê Hàn Quốc] Phần trình diễn của các nghệ sĩ được hưởng ứng nhiệt tình như vậy một phần là nhờ vào lời giải thích trước vở diễn nhằm giúp cho khán giả dễ hiểu hơn nội dung câu chuyện. Một khán giả chia sẻ : "Tôi mới chỉ được biết đến ba-lê trên truyền hình hay qua sách vở nhưng chưa từng xem một vở ba-lê thực sự nào vì chúng rất khó hiểu. Nhưng tôi lại rất thích vở ba-lê này vì nội dung của nó được giải thích rất cặn kẽ. Tôi có thể cảm nhận được sức hấp dẫn thực sự của thể loại nghệ thuật này." Nơi bộ môn nghệ thuật cao cấp ba-lê đến với công chúng gần gũi hơn bao giờ hết chính là Liên hoan ba-lê Hàn Quốc được tổ chức tại Trung tâm nghệ thuật Seoul.



Liên hoan ba-lê Hàn Quốc lần thứ 3 đã được khai mạc hôm 1/6 và sẽ diễn ra đến hết ngày 13/7. Ba-lê vốn được biết đến là một loại hình văn hóa cao cấp, tốn kém và chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Nhưng tại Liên hoan này, quan niệm cổ hủ đó đã hoàn toàn bị phá vỡ khi bất cứ tầng lớp công chúng nào cũng đều có thể dễ dàng thưởng thức vẻ đẹp của ba-lê. Bà Kim In-suk, trưởng ban tổ chức Liên hoan, giới thiệu : "Trình độ ba-lê của Hàn Quốc đã bắt kịp với tiêu chuẩn thế giới. Khán giả Hàn Quốc cũng ngày càng đón nhận bộ môn này. Bằng chứng là số lượng người yêu thích ba-lê đã nhiều hơn trước. Nhiều bậc phụ huynh cho con cái của mình học ba-lê. Dường như bộ môn này đang từng bước đi sâu vào cuộc sống của người Hàn. Vị thế của ba-lê Hàn Quốc đã cao hơn và có rất nhiều người bình thường muốn được tìm hiểu về nó. Chúng tôi tổ chức Liên hoan này cũng là nhằm đáp ứng được phần nào nhu cầu ấy. Hiện chúng tôi đang cố gắng tạo ra thật nhiều vở diễn đa dạng và mang ba-lê Hàn Quốc ra khỏi ranh giới quốc gia."

Đến với Liên hoan lần này, công chúng sẽ được thưởng thức 35 vở diễn đến từ 18 đoàn ba-lê lớn nhỏ của Hàn Quốc. So với hai kỳ trước, thời gian diễn ra Liên hoan đã được kéo dài gấp ba lần, tới gần một tháng rưỡi. Điều này phần nào cho thấy được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng dành cho ba-lê. Trưởng ban tổ chức Kim In-suk cho biết : "Năm nay, số lượng các đoàn ba-lê tham dự cũng tăng vọt so với những lần trước. Không những thế, thành phần các đoàn cũng rất đa dạng, đủ mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi tới trung niên, từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bố trí thật nhiều địa điểm biểu diễn để các diễn viên thỏa sức cống hiến tài năng. Đến với Liên hoan, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều thể loại ba-lê như ba-lê cổ điển, ba-lê kịch hay ba-lê sáng tạo."



Ba-lê Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ được như ngày nay một phần không nhỏ nhờ vào công sức đóng góp của những người như Giám đốc điều hành của Đoàn ba-lê quốc gia Hàn Quốc Choi Tae-ji, Trưởng đoàn ba-lê Universal Moon Hoon-suk, nữ vũ công ba-lê huyền thoại của Đoàn ba-lê Stuttgart (Đức) Kang Sue-jin, nữ vũ công solist của Nhà hát ba-lê Mỹ Seo Hee hay vũ công nam solist của Đoàn ba-lê Washington (Mỹ) Kim Hyun-woong. Mặc dù ba-lê Hàn Quốc đã gây được tiếng vang trên thế giới nhưng có một thực tế là người dân trong nước lại chưa được tiếp cận rộng rãi với bộ môn này. Vì lẽ đó mà Liên hoan ba-lê Hàn Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với công chúng nước này. Tùy vào phong cách biểu diễn của các đoàn mà khán giả có thể cảm nhận được nét khác biệt về ba-lê. Có nhiều dạng vở diễn phù hợp với khả năng cảm nhận của các tầng lớp khán giả. Đây chính là một nét đặc trưng của Liên hoan. Có như thế thì bộ môn này mới dễ dàng đi sâu vào lòng công chúng. Trưởng ban tổ chức Kim In-suk cho biết : "Những vở ba-lê như vở “Bí ẩn của cuộc sống và cái chết của nhà soạn nhạc người Nga Pyotr Ilich Tchaikovsky” (Tchaikovsky : The Mystery of Life and Death) do Đoàn ba-lê quốc gia Hàn Quốc biểu diễn hay vở “Onegin” do Đoàn ba-lê Universal biểu diễn tại Nhà hát Opera là những tác phẩm đạt độ hoàn thiện cao. Tác phẩm của các biên đạo múa trẻ, lực lượng kế thừa mà chúng tôi đang rất kỳ vọng, được trình diễn ở Nhà hát nhỏ tự do. Còn tác phẩm của các biên đạo múa hàng đầu diễn ra ở Nhà hát CJ Towol lại cho thấy tay nghề dàn dựng rất cao. Đặc biệt, nhằm giúp mọi tầng lớp công chúng có thể dễ dàng hiểu và nắm bắt hết được vẻ đẹp của ba-lê, chúng tôi cũng lồng ghép lời giải thích vào các vở diễn."



[Nơi thưởng thức những vở ba-lê chất lượng, sáng tạo và gần gũi với công chúng] Khán giả đang được xem phần một của vở ba-lê hai phần “Tự do đến từ trọng lực” của biên đạo múa trẻ Jung Hyung-il. Tác phẩm vẽ nên ước mơ của những con người muốn thoát khỏi sự trói buộc của hiện thực. Biên đạo múa Jung Hyung-il cho biết : "Vở diễn nói về giấc mơ của con người muốn được thoát khỏi mọi bức bối, mệt mỏi của hiện thực cuộc sống. Phần đầu là về cuộc sống ngoài vũ trụ không trọng lực. Trong phần này, chúng tôi đã tưởng tượng và dàn dựng sao cho mọi chuyển động trở nên thật tự do, bay bổng như không có trọng lực. Phần sau là về cuộc sống trong hiện thực. Trái ngược với phần đầu, vì bối cảnh ở đây là trái đất, nơi tồn tại lực hút, nên các động tác phải được làm sao cho có sức nặng."

Để thể hiện được sự đối lập giữa hai thế giới hiện thực, một là không gian vũ trụ không trọng lực, một là trái đất với sự tồn tại của lực hút, các vũ công ba-lê đã phải thực hiện nhiều động tác, tư thế khó gần như trong môn nhào lộn. Khán giả bị cuốn vào trong ngôn ngữ hình thể đẹp mắt của các vũ công cũng như những ý tưởng, nội dung độc đáo mà vở diễn mang đến. Mặt khác, khoảng cách giữa sân khấu với khán đài cũng không quá xa và điều này đã giúp khán giả có thể cảm nhận được nguyên vẹn vẻ đẹp của bộ môn được thể hiện qua hình thể này. Một khán giả cho biết cảm nhận : "Khi nhìn từ xa, tôi không cảm nhận được vũ công đã phải cố gắng đến nhường nào để thể hiện được những động tác đẹp mắt. Nhưng khi nhìn ở khoảng cách gần như vậy thì khác. Tôi có thể thấy được biểu hiện gương mặt, cử động cơ thể, hơi thở cũng như sự cố gắng của họ, nhất là khi thấy đôi chân của họ run run sau cú xoay nhiều vòng rồi đứng yên một chỗ."



Tác phẩm “Khoảnh khắc” của biên đạo múa Kim Sung-min đã nhận được nhiều tràn vỗ tay tán thưởng vì là một trong những vở ba-lê hiếm hoi có sự kết hợp hài hòa giữa múa với dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng chỉ huy. Biên đạo múa Kim Sung-min chia sẻ về nội dung vở diễn : "“Khoảnh khắc” là một vở ba-lê sáng tạo ngắn nói về những khoảnh khắc mà con người thường hay quên mất trên hành trình cuộc sống, ví dụ như lúc chúng ta yêu hay bộc bạch tâm tư... Tôi dàn dựng vở ba-lê kịch ngắn với lời nhắn nhủ là hãy đừng quên những khoảnh khắc như vậy." Vở diễn như càng sinh động hơn khi những động tác múa của vũ công được sự hỗ trợ, nâng đỡ của dàn nhạc giao hưởng. Nét sáng tạo độc đáo này đã giúp cho nó trở nên hết sức mới lạ và thú vị trong mắt người xem. Sau đây là chia sẻ từ một khán giả nữ : "Vở ba-lê này sống động hơn hẳn những vở khác nhờ có sự chỉ huy của nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng. Nhờ vậy mà tôi đã thấy gần gũi hơn với bộ môn khó hiểu này."

Được tận mắt nhìn ngắm từng cử động tinh tế của các vũ công, cả những khán giả mà bình thường vốn dĩ không bao giờ xem ba-lê cũng dần dần bị nó mê hoặc. Biên đạo múa Jung Hyung-il giải thích : "Ba-lê hấp dẫn ở chỗ nó rất tinh tế và tao nhã. Vũ công ba-lê có thể tạo nên được những đường cong cơ thể mà tưởng chừng như không bao giờ có thể thực hiện được. Những cảm nhận về đường cong và chuyển động hình học như vậy chỉ có bộ môn này. Có thể nói, vẻ đẹp hình thể chính là nét đặc sắc nhất của ba-lê."



Nếu như tại các sân khấu trong nhà, khán giả có dịp được thưởng thức và cảm nhận rất nhiều vở ba-lê đa dạng do 15 đoàn nghệ thuật mang đến thì tại các sân khấu ngoài trời, họ sẽ được tiếp cận với bộ môn này dễ dàng hơn bao giờ hết với lời giải thích trước mỗi vở diễn. Trong lúc mọi người sắp cảm thấy buồn ngủ thì một vũ công nữ trong vai búp bê xinh đẹp xuất hiện trên sân khấu. Và liền theo sau là hai vũ công nam trong vai những người yêu thích búp bê. Tuy chỉ có ba nhân vật nhưng nhờ diễn xuất và âm nhạc vui nhộn mà vở diễn vẫn mang đến cho khán giả những giây phút rất hào hứng. Trưởng đoàn Lee Won-kuk, người đứng đầu đoàn ba-lê mang tên mình, chia sẻ suy nghĩ về phương thức giải thích trước mỗi vở diễn : "Chúng tôi giải thích trước nội dung vở để giúp khán giả dễ hiểu hơn. Như trong trường hợp của vở ba-lê cổ biểu điển “Đôn Ki-hô-tê”, bạn phải tập trung chiêm ngưỡng những chuyển động, động tác hay đường cong thể hiện vẻ đẹp chuẩn mực, tiết chế của ba-lê thì mới thấy được cái hay của nó. Những vở ba-lê mà chúng tôi mang đến đây như “Tất cả về Jazz” (All That Jazz) trích từ vở nhạc kịch “Chicago” hay “Tiếng gọi mùa xuân” (Voices of Spring), “Búp bê tiên” (Fairy Doll) … đều mang đến những cảm nhận đa chiều về thị giác. Khi tập trung vào những động tác đòi hỏi kỹ thuật khó như khi nâng người chẳng hạn, bạn sẽ thấy rất thú vị."

43 ngày diễn ra Liên hoan là từng ấy thời gian người dân Hàn Quốc được thưởng thức và tiến gần hơn đến bộ môn ba-lê vốn được cho là rất khó cảm thụ. Đây còn là dịp để những mầm non ba-lê của xứ Hàn có thêm động lực để nuôi dưỡng giấc mơ về một ngày được tỏa sáng trên sân khấu, để các biên đạo múa trẻ được thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tác, còn các biên đạo múa gạo cội có thể mang hết tài năng và sáng tạo của mình tiếp cận với khán giả. Với số lượng nghệ sĩ ba-lê xuất sắc của Hàn Quốc như hiện nay, thật không khó để có thể thu hút một lực lượng lớn khán giả cho bộ môn này. Hơn nữa, cũng nhờ Liên hoan mà mọi tầng lớp đại chúng, nhất là những người bình thường, đã có dịp được tiếp xúc và cảm thụ vẻ đẹp của ba-lê, từ đó tự hào hơn về vị thế mà bộ môn này đã gặt hái được trên trường nghệ thuật quốc tế.

Lựa chọn của ban biên tập