Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nhạc kịch không lời “TEMS”, liệu pháp trị liệu tâm lý mới lạ

2013-07-16



Sân khấu tràn ngập thứ âm thanh độc đáo không phải là sản phẩm của các nhạc cụ mà chúng ta hay nghe thường ngày. Các nghệ sĩ đã mang đến một màn trình tấu hết sức mới lạ và độc đáo bằng cách kết hợp âm thanh của những vật dụng kim loại nhỏ với tiếng trống hay bát chén trong chùa chiền. Đó là một tiết mục trong vở kịch mang tên “TEMS”, vở nhạc kịch không lời, liệu pháp trị liệu tâm lý giúp người ta quên đi những vất vả đời thường.

[Điểm qua một vài nhạc cụ gõ, vật dụng Phật giáo được dùng trong vở diễn] “TEMS” đang được trình diễn tại Bảo tàng văn hóa-lịch sử Phật giáo Hàn Quốc tại thành phố Seoul và đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ phía công chúng. Sư thầy Bumyeong, người dựng vở nhạc kịch “TEMS”, giải thích về những nhạc cụ thú vị này như sau : "Các món đồ được dùng trong nhà chùa đều có chức năng phát ra âm thanh và mang những nghĩa vụ riêng đối với thế gian này. Chúng là những vật dụng hết sức cao quý, song, bấy lâu chỉ biết lặng lẽ cất tiếng ở chốn rừng sâu, núi cao để thắp sáng cho đời. Vì vậy mà chúng tôi đã mang chúng lên sân khấu này."

Có tổng cộng 26 loại nhạc cụ bộ gõ của Phật giáo và vật dụng sinh hoạt dùng trong chùa chiền xuất hiện trong vở “TEMS”. Đó là những thứ được dùng trong các nghi thức như trống Beopgo (Pháp Cổ), mõ cá bằng cây hay khúc gỗ tròn Mokeo (Mộc Ngư), tấm kim loại đúc theo hình mây, dùng để báo giờ hay tin tức trong tự viện Unpan (Vân Bản), chuông Beomjong (Phạm Chuông), mõ Moktak (Mộc Đạc), gậy trúc Jukbi (Trúc Bề) cho đến những đồ dùng sinh hoạt như chổi hay bát đồng. Một khán giả hào hứng chia sẻ : "Màn đánh trống thật là hùng tráng! Trống Beopgo là một vật dụng được quản lý rất cẩn thận trong chùa nhưng ở đây, nó lại được sử dụng như một nhạc cụ. Lúc đầu, tôi đã rất ngạc nhiên, sau đó thì thấy rất mới lạ và thú vị. Cả chén bát và chuông nữa. Chúng hòa trộn với những âm thanh hiện đại nghe rất “đã tai”."

Kinh Phật được tụng trên nền âm thanh của các nhạc cụ Phật giáo mà tiêu biểu là bộ bốn nhạc cụ gồm trống Beopgo, mõ hình cá Mokeo, chiêng Unpan và chuông Beomjong được dùng trong các nghi thức Phật giáo. Có thể coi các nhạc cụ này là những vật dụng thể hiện mong ước về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho vạn vật. Mỗi nhạc cụ xuất hiện trong vở diễn đều hàm chứa một ý nghĩa riêng. Trước tiên, thầy sư Bumyeong giới thiệu về trống Beopgo : "Beopgo là loại trống rất to. Beopgo theo chữ Hán có nghĩa là “Pháp Cổ”. Trong đó, “Pháp” có nghĩa là theo đuổi đạo pháp, còn “cổ” có nghĩa là trống. Âm thanh của nó có ý nghĩa cầu chúc cho vạn vật trên mặt đất từ con người, bò, lợn cho đến kiến, giun đất… thoát khỏi mọi khổ hạnh và nhận được nhiều phúc đức.

Như các loại trống khác, Beopgo có hai mặt, mặt to có đường kính 2 m, mặt nhỏ có đường kính 1,1 m. Tiếp theo, sư thầy Bumyeong giải thích về mõ hình cá Mokeo : "Mokeo, âm Hán là “Mộc Ngư”, tức con cá được làm bằng gỗ. Nó được làm từ gỗ nguyên khối, phần ruột được khoét rỗng còn phần ngoài tạo hình cá chép. Âm thanh của nó là lời cầu chúc bình an cho những sinh vật sống dưới nước. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa nhắc nhở các nhà sư chuyên tâm tu hành, luôn giữ được sự tỉnh táo giống như cá. Sở dĩ so sánh như vậy là vì người ta nói rằng cá luôn mở mắt cả ngày lẫn đêm. Vì vậy cá là một ví dụ điển hình cho sự thức tỉnh và chăm chú trong Phật giáo."

Cùng ý nghĩa với mõ Mokeo là mõ Moktak, một vật dụng rất đỗi quen thuộc nơi chốn cửa Phật. Sư thầy Bumyeong cho biết : "Mõ Moktak (Mộc Đạc) là vật dụng thu nhỏ từ trống Mokeo. Cũng giống như Mokeo, nó mang ý nghĩa cầu mong bình an cho các sinh vật dưới nước và giữ cho người tu hành luôn được tỉnh táo." Các nhà sư thường gõ mõ Moktak vào bất cứ khi nào có thời gian. Dù cho đang làm gì hay ở đâu, chỉ cần nghe tiếng mõ là họ lại thấy vững tâm tu hành và không để bị thế sự lung lạc.

Ngoài ra, có một vật dụng nữa cũng được dùng để thức tỉnh tinh thần. Nhà sư tiếp tục giới thiệu : "Cái này được gọi là Gyeongse hay còn được gọi là Jwajung. Âm thanh của nó có tác dụng đánh thức tinh thần và dẫn dắt người tu hành suy nghĩ đúng đắn." Âm thanh phát ra từ Gyeongse nhẹ nhàng len lỏi vào tai người tu hành và để lại dư âm rất sâu, rất lâu trong tâm trí, nhờ đó mà họ có thể giữ được sự sáng suốt. Nhưng nếu đã cố định thần mà vẫn không tránh khỏi được sự lung lay thì đây chính là lúc cần đến sự giúp đỡ của gậy trúc Jukbi. Sư thầy Bumyeong cho biết : Đây là âm thanh của gậy trúc Jukbi, âm Hán là “Trúc Bề”. Vật này được dùng để xử phạt hay chống buồn ngủ trong lúc tụng niệm. Nó đa phần được làm từ những thanh tre được gọt mỏng rồi buộc lại vào nhau."

Khi ngày mới bắt đầu và khi một ngày kết thúc ở chùa là những lúc bạn thường được nghe những âm thanh vang vọng của tiếng chuông Beomjong. Vì một quả chuông Beomjong thông thường nặng từ 5 đến 10 tấn nên để tiện cho việc di chuyển trên sân khấu, ban tổ chức đã sử dụng chuông Sojong (Tiểu Chuông), một phiên bản nhỏ của loại chuông này. Ngoài ra, chuông gió Punggyeong (Phong Khánh) là một hình ảnh quá quen thuộc đối với những ai thường hay đi chùa. Vậy nên, đây là loại nhạc cụ không thể thiếu được trong vở diễn.

Và để cầu an cho những sinh vật sống trên không trung, các nhà sư thường sử dụng Unpan, một loại nhạc cụ được làm từ kim loại mang hình đám mây. Hay họ cũng có thể sử dụng một loại dụng cụ được dùng trong nhạc truyền thống Phật giáo Beompae có tên gọi là chũm chọe Bara. Các nhạc cụ bộ gõ của Phật giáo cùng vô số các vật dụng thường dùng trong chùa chiền xuất hiện trong vở “TEMS” đã làm thổn thức biết bao con tim bằng những giai điệu da diết, mãnh liệt của chúng.

[Một vỡ diễn mang thông điệp giản dị nhưng sâu sắc] Bối cảnh diễn ra câu chuyện của vở “TEMS” là một ngôi chùa, nơi sáu tên trộm giả danh du khách trong một chương trình lưu trú tại chùa (Temple Stay) để ăn trộm một món đồ tại đây. Bản thân tiêu đề của vở diễn cũng là tên viết tắt của từ “Temple Stay” trong tiếng Anh. Sư thầy Bumyoung giới thiệu thêm : "Nội dung vở diễn nói về sáu tên trộm tham lam, cải trang làm du khách để vào chùa đánh cắp một bức tượng Phật quý. Nhưng sau quá trình trải nghiệm tại đây như ngồi thiền, dùng bữa trong yên tĩnh và không để sót một miếng thức ăn nào, tự thấy ăn năn xám hối… họ đã giác ngộ được lẽ phải, từ bỏ lòng tham và tìm lại được con người thật của mình."

Sáu tên trộm bao gồm: một gã phàm ăn tục uống, một tên ham mê sắc dục, một cô gái đẹp nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, một người phụ nữ quyền lực thèm khát danh tiếng, một cô nàng lúc nào cũng bi quan và một người không rõ danh tính, lúc nào cũng im như thóc. Sáu người với sáu nhân cách đã được miêu tả rõ nét thông qua các loại nhạc cụ Phật giáo khác nhau. Mặc dù vậy thì các tên trộm có một điểm giống nhau là đều cần tiền. Do đó, khi hay tin ngôi chùa này có một bức tượng Phật bằng vàng nổi tiếng trong truyền thuyết, chúng đã quyết định xâm nhập vào đây để ăn cắp bức tượng và cách tốt nhất là thông qua tour du lịch.

Có vẻ như khán giả thông thường sẽ khó lòng phân biệt được sự khác nhau giữa những âm thanh phát ra từ nhạc cụ gõ dùng trong Phật giáo với các loại nhạc cụ gõ dùng trong âm nhạc đại chúng. Thế nhưng, với một nghệ sĩ như cô Bae Ga-young thì giữa chúng có sự khác biệt lớn, nhất là về ý nghĩa của các nhạc cụ. Vậy nên, cô luôn nỗ lực hết sức mình để trình tấu mỗi khi vở diễn được khai màn. Bae Ga-young tâm sự : "Giữa nhạc cụ gõ Phật giáo và nhạc cụ gõ bình thường không có sự khác nhau về nhịp phách, khi đánh lên thì đều như nhau nhưng lại khác nhau về phong cách. Bên cạnh đó, kiểu dáng và hình thái của trống Phật giáo rất đa dạng nên cũng mang những ý nghĩa khác biệt. Và để truyền tải được hết những ý nghĩa ấy, tôi cũng phải cảm nhận chúng theo một cách khác khi trình tấu."

Để đánh cắp bức tượng thì trước hết phải lấy cho được chiếc chìa khóa gắn trên thắt lưng của một vị sư thầy. Nhưng thật không dễ để có thể tiếp cận vị sư thầy có thân hình to lớn, đáng sợ này. Sau cùng thì bọn trộm cũng lấy được chiếc chìa khóa nhưng lại để nó mắc kẹt trên chiếc két sắt bảo vệ. Chúng hì hụi lay chiếc két để chìa khóa rớt xuống nhưng cũng chẳng ăn thua. Đúng lúc này thì chúng nghĩ đến việc dùng âm vang của tiếng trống để khiến chìa khóa chuyển động. Nhận thấy sức lực của sáu người chẳng thấm vào đâu, bọn trộm bèn cầu viện khán giả và tất cả đã cùng nhau đánh trống.

Khán giả đánh trống Beopgo theo hiệu lệnh tay của diễn viên. Vì lỡ nhịp nên hiệu lệnh tay của diễn viên trở nên rất loạng choạng, gấp rút khiến cho khán giả phải một phen làm theo vất vả. Rồi thì “bọn trộm” cũng cảm thấy yên tâm khi tiếng trống đã được vang to, đều đặn. Một khán giả chia sẻ : "Phần khán giả được tham gia cùng các diễn viên thực sự rất vui. Nhưng trên cả niềm vui chính là cái cảm giác dường như tinh thần mình vừa được trị liệu. Tôi đã xúc động đến nỗi rơi cả nước mắt. Tôi khóc vì bản thân đã thấm thía được thông điệp mà vở diễn muốn nhắn gửi." Ngay cả khi nhận được sự giúp đỡ của khán giả thì sáu tên trộm vẫn không thể lấy lại được chiếc chìa khóa. Nhưng rồi, nhờ quá trình lưu trú tại chùa, được trải nghiệm nhiều hoạt động mới mẻ, dục vọng bên trong tâm hồn họ dần được hóa giải. Họ nhận ra rằng chạy theo tiền bạc thật vô nghĩa, rồi dần xóa bỏ mọi ham muốn của bản thân. Đến cuối cùng, không ai trong số họ còn vấn vương trong đầu cái suy nghĩ đánh cắp tượng Phật để đổi đời nữa.

Những thông điệp mà vở “TEMS” muốn gửi gắm đến người xem rất rõ ràng. Đó là hãy dành thời gian để thưởng thức vở diễn này như một biện pháp trị liệu tâm lý. Nó cũng giống như việc ta tham gia một chương trình lưu trú trải nghiệm tại chùa chiền mỗi khi cần tìm lại sự bình yên trong tâm hồn vậy. Chỉ bằng những nhạc cụ gõ được dùng trong các nghi thức Phật giáo và vật dụng sinh hoạt bình thường mà vở diễn đã mang đến cho khán giả một bữa tiệc âm thanh ngập tràn cảm xúc và sức mạnh. Đó chắc chắn là những thứ âm thanh tuyệt vời nhất để xoa dịu tinh thần và góp phần hướng thiện con người.

Lựa chọn của ban biên tập