Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phi hành gia Ahn Chang-nam, niềm hy vọng độc lập trên bầu trời xanh

2013-01-17

Phi hành gia<strong> Ahn Chang-nam</strong>, niềm hy vọng độc lập trên bầu trời xanh
Chiếc máy bay trên bầu trời của Ahn Chang-nam

"Máy bay của Ahn Chang-nam đã cất cánh trên bầu trời,
Nhìn xuống dưới là chiếc xe đạp của Eom Bok-dong..."
Đó là lời bài hát cải biên từ làn điệu dân ca "Cheongchunga" (Thanh xuân ca) mà từ lâu đã được dân tộc Hàn, những người từng chịu đọa đày áp bức dưới ách thống trị của thực dân Nhật rất đỗi yêu thích. Dù rằng lúc bấy giờ không được hát trước mặt người Nhật, nhưng cứ mỗi khi tuần cảnh Nhật đi qua, đám trẻ con người Hàn lại chạy theo gào lên hát rồi bỏ chạy. Nhân vật xuất hiện trong lời bài hát đó chính là Ahn Chang-nam, người đã lần đầu tiên bay trên bầu trời Gyeongseong - tên gọi của thủ đô Seoul ngày nay, để rồi cùng với "vua xe đạp" Eom Bok-dong đề cao được niềm tự hào cho người dân thời thuộc địa.

Giấc mơ trở thành người tiên phong làm chủ bầu trời

Ahn Chang-nam sinh năm 1900 ở khu vực Muakjae, Hanseong (nay là thủ đô Seoul). Ông vốn là con của một viên quan trong triều Joseon nhưng từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, mẹ ông qua đời khi ông mới lên 4 tuổi còn cha ông mất khi ông được 15 tuổi. Mặc dù tốt nghiệp trường tiểu học Midong và học tiếp lên trường phổ thông trung học Whimoon nhưng Ahn Chang-nam đã phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền trả học phí.
Thủa còn học trường trung học Whimoon, Ahn Chang-nam từng được xem viên phi công người Mỹ Art Smith biểu diễn máy bay nhào lộn và ông đã luôn mơ ước đến ngày được cất cánh bay như vậy trên bầu trời tự do. Năm 1919 ông sang Nhật, qua học trường dạy nghề ô-tô Osaka rồi theo học lớp chế tạo máy bay tại Nhà máy chế tạo máy bay Akabane. Năm 1920, ông nhập học vào trường đào tạo phi công Okuri và học kỹ thuật lái máy bay tại đây. Mặc dù khóa học ở trường đào tạo phi công là 6 tháng nhưng do có thành tích vượt trội, chỉ sau 3 tháng, Ahn Chang-nam đã sớm tốt nghiệp và được mời lại làm giảng viên của trường. Tháng 5/1921 ông là người Hàn Quốc đầu tiên tham gia kỳ thi cấp phép lái máy bay đợt 1 do cục hàng không Nhật Bản tổ chức. Tuy nhiên, với tài năng của mình ông đã được cấp chứng chỉ hàng đầu, đặc cách bỏ qua các môn thi tiếp theo.

Người Joseon đầu tiên bay trên bầu trời của Joseon

Theo nội dung trả lời phỏng vấn báo chí lúc bấy giờ thì Ahn Chang-nam cho biết ông đang ôm hoài bão trong tương lai sẽ trở về nước mở một trường lái máy bay để dạy cho thanh niên người Joseon và đồng thời cũng tỏ rõ quyết tâm rằng trong thời gian không lâu sẽ trực tiếp lái máy bay về thăm tổ quốc. Tuy vậy, sau phong trào đấu tranh độc lập 1/3/1919, Phủ Tổng đốc của Nhật tại Joseon luôn cảnh giác với mọi hoạt động tụ họp quy mô lớn của người Hàn nên phải mãi tới tháng 12 năm 1922, tức là sau 1 năm rưỡi, ông mới được cấp phép bay ở Hàn Quốc. Trước đó 1 tháng, vào tháng 11/1922 Ahn Chang-nam đã thể hiện khả năng tuyệt đỉnh của mình khi tham gia và đoạt giải xuất sắc trong cuộc thi lái máy bay vận chuyển bưu phẩm giữa Osaka và Tokyo, Nhật Bản. Như được chắp cánh, ngày 10/12/1922, ông đã có chuyến bay thử nghiệm lịch sử tại Yeouido, thủ đô Seoul của Hàn Quốc hiện nay.
Đã có tới hơn 50 nghìn người trên tổng số 300 nghìn người dân thủ đô lúc đó hội tụ trên bãi cát ven sông ở Yeouido để chiêm ngưỡng chiếc máy bay trở về thăm tổ quốc của Ahn Chang-nam. Khi chiếc máy bay có vẽ hình bản đồ Hàn Quốc mang tên "Geumgang" của ông bay vọt lên trời, tất cả mọi người đều nhiệt liệt hoan hô, vỗ tay cổ vũ cho ông, nhân vật đã lần đầu tiên cất cánh bay vì sự đề cao, lấy lại niềm tự hào dân tộc cho xứ thuộc địa.

Cất cánh bay, hướng tới độc lập

Chuyến bay của Ahn Chang-nam dù đã đem về niềm tự hào và hy vọng cho người dân Hàn dưới thời Nhật thuộc song, tâm trạng của bản thân ông lúc này lại rất phức tạp, buồn vui lẫn lộn. Trong bài đăng trên tạp chí Gaebyeok (Khai Tịch) vào tháng 1/1923, ông đã có những lời viết thổ lộ nỗi lòng đau đớn da diết trước cảnh đất nước thành thuộc địa.
"Ôi bầu trời Gyeongseong của tôi! Ôi bầu trời luôn ấm áp ôm tôi vào lòng!
Tôi không nỡ lòng bỏ đi, mà chỉ bay, bay vòng quanh trên Cửa Độc lập.
Có lẽ các anh em trong trại giam Seodaemun cũng đã thấy tôi bay trên đầu họ, nhưng liệu có ai biết cho tâm can của tôi khi tìm đến nơi chốn này."
Về sau, Ahn Chang-nam đã quyết tâm hiến thân cho phong trào đấu tranh giành độc lập. Tháng 12/1924, ông sang Trung Quốc với niềm tin kỹ năng lái máy bay sớm tiến bộ của mình sẽ góp phần hiện thực hóa mong ước độc lập của dân tộc. Ông đã không quản ngại, luôn cố gắng vì tổ quốc, tham gia vào Hội Ủng hộ độc lập Đại Hàn cùng với các nhân vật như Choi Yang-ok, Kim Jeong-ryeon... xúc tiến việc xây dựng trường sĩ quan phi công người Hàn. Để thành lập trường lái máy bay này, ông đã đóng góp 600 won cho các thành viên của hội được cử về nước, một số tiền rất lớn vào thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, thật không may, vào tháng 4/1930 ông đã gặp nạn, rơi máy bay trong một lần huấn luyện đào tạo kỹ năng bay và qua đời ở tuổi 29 khi giấc mơ vẫn còn dang dở.

Tên tuổi sáng chói cùng năm tháng

Trong một quãng thời gian dài, Ahn Chang-nam vẫn bị hiểu nhầm là phi công đầu tiên của người Hàn. Thực tế cho thấy, nếu so với các phi công người Hàn được nhà hoạt động độc lập của chính phủ lâm thời Hàn Quốc Roh Baek-rin đào tạo tại Mỹ thì Ahn Chang-nam còn làm phi công muộn hơn họ tới gần 1 năm. Tuy nhiên, ông vẫn được coi là phi công người Hàn đầu tiên bay trên không phận Hàn Quốc, và là người đã gieo vào lòng dân tộc Hàn niềm tin, niềm tự hào để khẳng định mình trong bối cảnh đen tối, bị áp bức dưới thời Nhật thuộc của đất nước. Ahn Chang-nam sẽ mãi là nhân vật anh hùng, người đã trải ra ước mơ độc lập trên bầu trời xanh của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập