Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Geum-won, cô gái lữ hành thời Joseon

2013-02-07

<strong>Kim Geum-won</strong>, cô gái lữ hành thời Joseon
Người phụ nữ Joseon cất bước du hành

Năm 1795, gặp đợt thiên tai, mất mùa nặng nề, Kim Man-deok, một phụ nữ là thương gia lớn ở Jeju đã bỏ tiền ra cứu được tới hơn nghìn người khỏi chết đói. Cảm động trước lòng hảo tâm của nữ hiệp, vua Jeongjo (Chính Tổ, vua đời thứ 22 của Joseon) đã hỏi Kim Man-deok xem có ước nguyện gì thì được bà cảm kích, rưng rưng trả lời rằng chỉ muốn chiêm ngưỡng hết 12 nghìn đỉnh của dãy núi Geumgang. Sở dĩ có điều này là vì dưới triều Joseon phụ nữ bị cấm tự do du hành, kể cả trường hợp của những phú thương giàu có bậc nhất ở Jeju như Kim Man-deok.
Tuy nhiên, đến thế kỷ 19, ở Joseon đã có một phụ nữ dám mạnh dạn cất bước ngao du, đi khắp nơi ngắm cảnh hùng vĩ của núi sông và thả hồn trải nghiệm lấy muôn vàn sự vật của thế gian. Người phụ nữ đó có tên gọi là Kim Geum-won.

Người thiếu nữ luôn mơ tưởng đến thế gian bên ngoài

Kim Geum-won sinh năm 1817, là con gái của một người thiếp trong gia đình quý tộc nghèo ở Wonju tỉnh Gangwon. Tuy xinh đẹp và thông minh hơn người nhưng thể chất lại yếu đuối nên cô thường hay mắc phải ốm đau, bệnh tật. Cũng vì thế mà cha của cô chỉ dạy cho cô học chữ chứ không để cô làm các việc khâu vá hay việc nhà mà mọi phụ nữ lúc bấy giờ đều phải gánh vác.
Được học tam kinh tứ thứ chẳng khác gì các đấng nam nhi, nên càng hiểu biết Kim Geum-won lại càng than thân trách phận, giận mình sinh ra là con của thiếp, chỉ có thể làm lẽ cho nhà quý tộc hay lấy người có cùng cảnh con thiếp, hoặc nếu không thì phải làm kỹ nữ... Do không có nhiều sự lựa chọn cho tương lai nên lòng cô luôn hướng đến thế giới rộng lớn ở bên ngoài. Kim Geum-won đã ra sức thuyết phục cha mẹ và cuối cùng, đến tháng 3 năm 1830, vào thời điểm đẹp nhất của mùa xuân cô đã lên đường chu du, bắt đầu cho chuyến du lịch tới dãy núi Geumgang khi chỉ mới 14 tuổi.

Một mình lên núi Geumgang khi mới 14 tuổi

Mặc dù đã được cha mẹ chấp thuận, song để đến với thế giới bên ngoài, Kim Geum-won vẫn phải cải trang thành nam giới do việc du lịch một mình lúc bấy giờ được coi là điều cấm kị đối với phụ nữ của thời Joseon. Địa điểm đầu tiên mà cô lựa chọn là hồ chứa nước Uirimji ở Jecheon và 8 danh thắng của vùng Danyang. Tại đây cô đã tận mắt được chứng kiến nhiều phong cảnh mà xưa nay vốn chỉ thấy trong tập tranh của họa sĩ Kim Hong-do và các họa sĩ nổi tiếng khác. Kim Geum-won thấy hết sức rung động, cô dồn cảm nhận về chuyến du lịch đầu tiên của mình vào một bài thơ, trong đó có đoạn:
"Rặng liễu rủ như những sợi chỉ xanh bên hồ,
Ngày xuân hay cũng hiểu được nỗi lòng ảm đạm?
Chim vàng anh trên cây cứ mãi líu lo,
Chẳng thể vượt qua được nỗi đau xa cách người"
Sau khi thăm quan hết cảnh đẹp đầy sắc xuân của những khe suối Seonam, đỉnh núi Oksun, vách núi Sain và động Geumhwa... cuối cùng Kim Geum-won cũng đã đến với dãy núi Geumgang. Tại đây cô đã đi qua, khám phá hết cái gọi là "12 nghìn đỉnh" của dãy Geumgang, đến thăm chùa Pyohun (Biểu Huấn tự), một trong 4 ngôi chùa lớn của núi hay chiêm ngưỡng khu danh thắng Manpokdong (Vạn Bộc động) nơi tập trung nhiều thác nước với tiếng dòng chảy ầm ầm tựa sấm sét v.v... Đến lúc này, trong lòng cô mới hiểu ra được tại sao danh họa Choi Buk lại nói rằng chỉ muốn được chết ở núi Geumgang, tại sao nhà thơ Jeong Cheol từ giai đoạn giữa thời Joseon, khi thắng cảnh nơi đây lại sáng tác nên tác phẩm thi ca "Quan Đông biệt khúc" với những lời cảm thán như "thì ra kẻ hàng ngàn vạn năm không biết cúi mình chính là ngọn núi này!" v.v...
Tiếp theo núi Geumgang, Kim Geum-won đã vượt qua hồ Samilpo ở huyện Goseong, tới chùa Naksan (Lạc Sơn tự) ở huyện Yangyang, lầu Gyeongpo (Kính Phổ đài) ở Gangneung, lầu Jukseo (Trúc Tây lâu) ở Samcheok... ngao du khắp 8 danh thắng của vùng Gwandong (Quan Đông bát cảnh). Sau đó, cô còn ghé qua núi Seorak rồi mới đổi hướng đi về phía Hanyang (thủ đô Seoul ngày nay) thăm qua tất cả các địa danh như Namsan, cửa Changui (Chương Nghĩa môn, cửa thành phía Tây Bắc), đình Segeom (Tẩy Kiếm Đình) trước khi kết thúc một chuyến du ngoạn dài ngày.

Chuyến du hành của Kim Geum-won để lại qua thư tịch

Trở về quê ở Wonju, do là con của thiếp nên theo lệ cũ thời Joseon cô đã trở thành kỹ nữ (Gisaeng). Tuy nhiên, tài năng trong lĩnh vực sáng tác thơ của cô đã được khẳng định, những bài thơ viết về cảm xúc trên núi Geumgang của cô đã trở nên nổi tiếng, lan đến tận kinh thành Hanyang. Về sau cô làm tiểu thiếp cho Kim Deok-hui, một người anh em họ của nhà thư pháp nổi tiếng giai đoạn cuối thời Joseon là Kim Jeong-hui.
Kim Geum-won về sống cùng chồng tại khu Đình Samho (Tam Hồ Đình) thuộc Seoul ngày nay. Ở đây, cô đã cùng một số chị em khác, những người dù mang thân phận tiểu thiếp, kỹ nữ nhưng có tài năng về mặt nghệ thuật lập nên "Tam Hồ Đình thi xã" - nhóm các nữ thi sĩ đầu tiên của Joseon. Nhóm thơ của cô đã được các nhà thơ nam giới thừa nhận, thậm chí người trong nhóm còn tiến hành trao đổi thơ ca với cả nhiều bậc văn nhân, sĩ đại phu của tầng lớp thượng lưu.
Kim Geum-won vốn không muốn để lại tác phẩm của riêng mình nên cô đã không viết bài du ký nào về núi Geumgang. Tuy nhiên từ khi quen được nhiều bạn thơ văn, sau hơn 20 năm rời núi Geumgang, năm 1851 cô đã sáng tác ra tác phẩm "Hồ Đông Tây lạc ký", sử dụng thơ để bày tỏ cảm nhận về những điều thấy được trong chuyến du ngoạn, phiêu lưu khắp thế gian.
Thật không may, những ghi chép về Kim Geum-won từ sau năm 1851 dần dần mờ nhạt, không để lại dấu vết. Phải chăng người phụ nữ luôn muốn thoát ra thế giới bên ngoài, không chịu bị trói buộc bởi rào cản của sự phân biệt đối xử về thân phận hay giới tính đó giờ vẫn đang tự do, ngao du khắp nơi giống như những lời thơ mà cô để lại.
"Cái khí thế của con chim ưng sổ lồng mà bay thẳng lên trời cao...
Tựa tâm hồn của ngựa thiên lý được thoát khỏi hàm thiếc mà chạy thẳng ngàn dặm.
Thế gian, quả là rộng, sâu và vô cùng tận."

Lựa chọn của ban biên tập