Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

“Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” lần thứ 1.400

2019-08-14

Tin tức

“Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” lần thứ 1.400

Ngày 14/8, “Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” kêu gọi giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, đã diễn ra lần thứ 1.400, là cuộc biểu tình dài nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, sau 28 năm, Nhật Bản vẫn chưa có sự thay đổi thái độ, thậm chí còn khiến cho tình hình quan hệ Hàn-Nhật đang ngày một xấu đi.


Cuộc biểu tình dài nhất lịch sử thế giới

“Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” được khởi động vào ngày 8 tháng 1 năm 1992, diễn ra nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật Bản, nhằm yêu cầu Chính phủ Tokyo công nhận về sự thật lịch sử, xin lỗi một cách chân thành. Trước đó, bà Kim Hak-sun, một nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II, đã lần đầu tiên đứng ra làm chứng về vấn đề này trong buổi họp báo vào ngày 14/8/1991. Kể từ sự kiện đó, vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, sau một thời gian dài bị bưng bít, đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. 

Cuộc biểu tình đầu tiên do Hội đồng về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II tổ chức, có sự tham gia của 36 tổ chức dân sự vì nhân quyền phụ nữ. Các thành viên đã tập trung gần trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, kêu gọi Tokyo thừa nhận việc từng cưỡng ép người phụ nữ mua vui cho quân lính, chính thức xin lỗi, bồi thường cho các nạn nhân, lập bia tưởng niệm cho những người đã khuất. Tiếp đó, các cuộc biểu tình được tổ chức một cách định kỳ. Từ lần thứ 7 trở đi, các cụ bà là nạn nhân cũng đã trực tiếp tham gia biểu tình.

Trong vòng 28 năm qua, cuộc biểu tình diễn ra đều đặn mỗi thứ Tư hàng tuần, chỉ có hai lần ngoại lệ. Lần thứ nhất là vào năm 1995, cuộc biểu tình bị hủy do trận động đất lớn xảy ra ở thành phố Kobe, Nhật Bản. Lần thứ hai là vào tháng 3 năm 2011, cuộc biểu tình được thay thế bằng buổi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong trận siêu động đất tại miền Đông nước Nhật.


Cuộc biểu tình ngày thứ Tư đã kêu gọi được sự ủng hộ rộng rãi của người dân thế giới. Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức, với sự tham gia của người dân các nước. Chính điều này đã dẫn tới sự ra đời của Hội nghị đoàn kết châu Á (Asian Solidarity Conference) kêu gọi giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Hội nghị đoàn kết châu Á đã lấy ngày 14/8, ngày cụ bà Kim Hak-sun đứng ra làm chứng, là “Ngày tưởng niệm các nạn nhân nộ lệ tình dục thời chiến”. Sau đó, ngày này đã được chỉ định là ngày lễ quốc gia của Hàn Quốc.


Ý nghĩa của “Cuộc biểu tình ngày thứ Tư”

“Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” không chỉ làm thức tỉnh về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, mà còn nâng cao nhận thức về nữ quyền, vấn đề xâm hại tình dục thời chiến. Cuộc biểu tình này được liên kết với các nạn nhân bị bạo hành tình dục tại các quốc gia, vùng lãnh thổ xảy ra nội chiến như Congo, Uganda, Kosovo.

Từ một cuộc biểu tình tại Seoul, “Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” đã phát triển trở thành một phong trào vì nhân quyền, hòa bình trên toàn thế giới. Cuộc biểu tình cũng đã mang lại một số tiến triển, như "Tuyên bố Kono" ngày 4/8/1993, hay "Tuyên bố Murayama" ngày 15/8/1995, trong đó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yohei Kono và Thủ tướng Tomiichi Murayama thừa nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ tình dục phục vụ cho binh lính Nhật trong Thế chiến thứ II và xin lỗi những nạn nhân của chế độ này.


Chặng đường dài chưa biết hồi kết

Thế nhưng, ngoài việc bày tỏ lấy làm tiếc sâu sắc về sự thật lịch sử này, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa thực sự đưa ra được một lời xin lỗi chân thành. Chính phủ hai nước Hàn-Nhật từng đạt được một thỏa thuận ngoại giao về giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Dựa trên thỏa thuận đó, hai Chính phủ đã thành lập Quỹ Hòa giải và chữa lành vết thương cho các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, với nguồn đóng góp toàn bộ từ Nhật Bản, và tiến hành chi trả tiền bồi thường cho một số nạn nhân. Tuy nhiên, dư luận trong nước đã dấy lên chỉ trích đây chỉ là một thỏa thuận ngầm giữa hai Chính phủ, quay lưng lại với ý kiến của các nạn nhân. Khi lên lãnh đạo Chính phủ, Tổng thống Moon Jae-in đã phá vỡ thỏa thuận, giải thể Quỹ Hòa giải. Cuối năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Vấn đề này đã khiến Tokyo trả đũa về mặt kinh tế với Seoul, đẩy quan hệ Hàn-Nhật đang rơi vào cục diện tồi tệ nhất. Theo đó, “Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” vẫn chưa biết bao giờ mới đến hồi kết.

Lựa chọn của ban biên tập