Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng Nhà tù Seodaemun, mảnh đất thiêng của phong trào vận động độc lập Hàn Quốc

2010-08-10

Bảo tàng Nhà tù Seodaemun, mảnh đất thiêng của phong trào vận động độc lập Hàn Quốc

Chỉ còn 5 ngày nữa là tới ngày Quốc khánh Hàn Quốc và cứ đến ngày này lại có một địa điểm luôn đông khách thăm quan. Đó chính là Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun, ở số 101 phường Hyeonjeo, quận Seodaemun thành phố Seoul. Suốt từ giai đoạn sau của Đại Hàn Đế Quốc, quốc hiệu thời kỳ cuối Joseon, cho đến nửa cuối những năm 1980, trong suốt hơn 80 năm, đây là nhà tù giam giữ và đày ải nhiều chí sĩ kháng Nhật và nhà hoạt động dân chủ dân tộc. Nơi đây lưu giữ những dấu tích lịch sử cận hiện đại đau buồn, đầy biến động của Hàn Quốc. Hơn 400 chiến sĩ đấu tranh giành độc lập đã bỏ mình vì nước, hơn 40 nghìn chí sĩ yêu nước đã bị tù đày, Nhà tù Seodaemun nay vẫn còn thấm đượm sự khổ đau, buồn tủi của dân tộc. Trong tháng 8, nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh của Hàn Quốc, chúng ta hãy cùng thăm quan, tìm hiểu về địa điểm lịch sử này.

[Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun]

Ra khỏi cửa số 5 của ga Dongnimmun, nghĩa là ga "Cửa Độc lập" thuộc tuyến tàu điện ngầm số 3 của Seoul, chúng ta sẽ thấy có một công viên xanh trải rộng trước mắt. Đây chính là công viên Dongnimmun. Tiếng ve kêu râm ran như đang thích thú với cảnh um tùm của cây cối, và đâu đây là những âm thanh nô đùa, nhảy nhót hồn nhiên của trẻ nhỏ. Cất bước trong công viên, bất chợt chúng ta sẽ thấy có một bờ tường gạch đỏ, trông rất trái ngang, hoàn toàn chẳng phù hợp với công viên xanh.
Chỉ đi khoảng thêm 50 mét, du khách sẽ đến trước cửa Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun. Mọi thứ hiện vẫn còn ngổn ngang bởi công trường khôi phục kiến trúc lịch sử. Giám đốc bảo tàng Park Gyeong-mok giới thiệu: “Đến nay chúng tôi đang tiến hành thay đổi toàn bộ các hiện vật tại gian trưng bày, khôi phục lại các trang thiết bị, nhà bếp. Sang năm chúng tôi sẽ khôi phục lại "Gyeokbyeokjang" (Cách bích chưởng) là nơi tập thể thao của tù nhân xưa. Tại đây có ngục "Oksajiok" nơi liệt sĩ, nhà vận động độc lập Yu Gwan-sun từng bị giam cầm và qua đời. Nhưng giờ không gian này chỉ còn lại phần tầng hầm, chúng tôi muốn khôi phục lại thành phòng trưng bày về một nữ chí sĩ yêu nước. Một phần bờ tường phía trước đã mất. Chúng tôi cũng định kéo dài cả con đường bên bờ tường, khôi phục lại nguyên trạng nhà tù xưa.”
Nhà tù đã được xây dựng vào ngày 21 tháng 10 năm 1908, 2 năm trước khi thực dân Nhật cưỡng chế sát nhập Hàn Quốc và lúc đó có tên gọi là "Ngục giam Geyongseong"(Kinh Thành-tên gọi của Seoul lúc bấy giờ). Mục đích là để giam cầm các chí sĩ yêu nước Hàn Quốc. Nhà tù có diện tích phòng giam là 1584 ㎡có thể chứa tới 500 tù nhân, lớn hơn 8 nhà tù khác trên cả nước cộng lại với tổng sức chứa chỉ hơn 300 tù nhân.
Nhà tù đã được đổi tên nhiều lần từ Ngục giam Gyeongseong thành Ngục giam Seodaemun vào năm 1912, đến năm 1923 lại đổi thành Nhà tù Seodaemun (Seodaemin Hình vụ sở), năm 1961 đổi thành Nhà tù Seoul (Seoul Kiểu đạo sở), năm 1967 đổi thành Trại giam Seoul (Seoul Câu trí sở). Năm 1987, Trại giam Seoul chuyển về thành phố Uiwang, tỉnh Gyeonggi và sau đó, tháng 11 năm 1998 nơi đây được mở cửa thành Bảo tàng lịch sử Nhà tù Seodaemun. Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm nỗi nhục mất nước vào tay thực dân Nhật Bản năm Canh Tuất 1910 (Canh Tuất quốc sỉ), nhà tù xưa đang được khôi phục trở thành một không gian giáo dục về lịch sử.
Nhà tù có 2 bờ tường đỏ 2 bên vốn cao 4,5 mét, dài 1.161 mét nhưng hiện nay chỉ còn 79 mét đoạn tường mặt trước và 208 mét tường mặt sau. 6 vọng đài quan sát, theo dõi tù nhân thì hiện cũng chỉ còn 2 chiếc được bảo tồn nguyên vẹn. Đài quan sát ở cổng chính được dựng lên từ năm 1923, còn đài quan sát ở phía sau được xây vào năm 1930. Tầng 1 của đài quan sát ở cổng chính giờ được sử dụng làm điểm bán vé, tầng 2 có độ cao 10 mét, xung quanh 8 mặt đều được lắp 8 cửa theo dõi. Du khách bắt đầu thăm quan nhà tù Seodaemun từ khu vực cổng chính.

[Tour du lịch Nhà tù Seodaemun - Nhà ngục số 12]

Qua cổng chính, cạnh gian triển lãm đang được tu bổ, du khách sẽ thấy có nhiều bức ảnh trưng bày về nhà tù Seodaemun trước đây. Tour du lịch Nhà tù Seodaemun được bắt đầu từ Nhà ngục số 12. Khi Trại giam Seoul được chuyển về thành phố Uiwang, tại đây có tất cả 15 nhà ngục, nhưng nếu xét về ý nghĩa lịch sử thì chỉ có 7 khu được bảo tồn nguyên vẹn. Trong số đó 3 nhà ngục và pháp trường được chỉ định là di tích lịch sử số 324.
Giữa ban ngày mà nhà ngục số 12 vẫn thấy thật tối tăm, ảm đạm. Để tiện giám sát, nhà ngục được xây theo hình chữ T, trông giống như một chiếc quạt xòe trải ra 3 hướng. Nó có cấu trúc ở giữa là hành lang và 2 bên là các phòng giam nằm đối nhau. Tại hành lang có trưng bày các di vật lịch sử như ghi chép về mức án của phạm nhân, bát ăn cơm, còng tay... Trong số đó, du khách chú ý nhất là chiếc thùng hình tròn bằng gỗ. Giám đốc bảo tàng Park Gyeong-mok cho biết: “Mức hình phạt cho các nhà vận động độc lập lúc đó tùy theo hoạt động của từng người. Những người tham gia tích cực thì phần cơm được cho ít đi. Khẩu phần thức ăn bấy giờ được phân từ cấp 1 đến cấp 9, cấp 10. Người nào hay đối đầu thì chỉ được cho theo cấp 1. So với cấp 10, lượng cơm được phát chênh lệch khoảng 1,5 kg. Có tấm bảng gỗ được đặt vào trong thùng sắt. Tấm bảng gỗ này có 10 loại, độ dày khác nhau, được dùng để giảm phần cơm tù. Người bị chia phần cơm ít thì phải dùng tấm gỗ dày, người tội nhẹ thì được bỏ vào thùng với gỗ mỏng.”
Nhiều nhân chứng lúc bấy giờ xác thực là đã có nhiều người bị chết vì thiếu dinh dưỡng. Tiếp tục quan sát, chúng ta sẽ thấy trần của hành lang nhà tù được khoét hổng, giúp cho người ở dưới có thể nhìn thông lên trên qua những tấm lưới sắt. Đi dọc theo hành lang, quay sang phía bên trái, chúng ta sẽ thấy có những xà lim rất nhỏ nằm san sát... Theo lời giải thích của hướng dẫn viên tại đây, xà lim đặc biệt là nơi giam giữ người bị kết án chung thân, trọng tội hay tử tội. Nơi đây không có ánh sáng lọt vào, cửa sổ bị ngăn bởi những tấm gỗ và diện tích chỉ chưa đầy 3,3㎡.

[Nhà ngục số 11 và các vật dụng tra tấn]

Tại nhà ngục số 11 có bố trí tượng bằng sáp, tái hiện lại cảnh tra tấn ngày xưa. Hướng dẫn viên cho biết, phòng tra tấn có các vật dụng như roi điện, roi da, sắt nung... Trước mắt người xem là cảnh tượng một nữ tù nhân bị còng tay và các đầu ngón tay của chị bị đâm thủng bởi các que tre nhọn. Tuy là tượng hình sáp, nhưng trông thật ghê rợn, khiến nhiều người phải quay đi, không dám nhìn. Chưa hết, ở một góc của hành lang có 3 chiếc áo quan gỗ được dựng lên, gọi là "bích quan" nghĩa là áo quan xây trong tường. Đây chính là hình thức tra tấn khoét lỗ trên tường, rồi đưa áo quan có nhốt người trong đó vào. Một du khách phát biểu cảm tưởng: “Vào trong thật nóng... Chưa được 1 phút mà toàn thân đã vã mồ hôi ra. Chỉ một lúc mà thấy thật khó chịu. Tôi mà ở thế này 1 ngày có lẽ sẽ phát điên mất. Không hiểu sao người xưa có thể chịu đựng được.”
Nơi đây biết bao chí sĩ yêu nước và nghĩa binh kháng Nhật đã phải chịu tù đày khổ sở. Đó là những người đại diện cho dân tộc, đi đầu trong cuộc đấu tranh ngày 1/3/1919 như Son Byeong-hui, Han Yong-un, Kwon Dong-jin hay những chí sĩ yêu nước như Kim Gu, An Chang-ho. Bên cạnh đó là rất nhiều người dân bị giam hãm, bị đọa đày và kết thúc số phận tại đây. Đằng sau nhà ngục số 11, có một tấm bia tưởng niệm. Du khách đang có những phút giây bồi hồi, tĩnh tâm suy nghĩ trước dòng tên của các liệt sĩ hy sinh vì đất nước được khắc kín trên một tấm đá màu đen.

[Pháp trường và hầm ngục dưới lòng đất]

Cách bia tưởng niệm khoảng 60 mét là pháp trường. Là một tòa nhà bằng gỗ được xây dựng vào năm 1923, pháp trường này được công nhận là di tích lịch sử. Các chí sĩ yêu nước bị tuyên án tử hình trên toàn quốc được chuyển trại giam và thi hành án tại đây. Ở lối vào của khu pháp trường có một cây dương cao vút chọc trời. Người ta gọi đây là cây Than khóc, cây chứa đầy oán hận và đến nay đã được khoảng hơn 80 năm tuổi. Nghe kể, khi các nhà vận động độc lập vào pháp trường, họ ôm lấy cây và khóc nên cây mới được gọi như vậy.
Pháp trường được bao quanh bởi tường đá đỏ cao 5 mét. Vào bên trong, sẽ thấy trên sàn có tấm ván có thể mở ra đóng vào, phía bên trên đặt ghế ngồi của tử tội, trên đầu là một sợi dây thòng lọng to và dày buông thõng xuống. Đây chính là giá treo cổ sử dụng lúc bấy giờ. Phía trước giá treo cổ có một hàng ghế dài dành cho người tới dự buổi thi hành án, tất cả đều được bảo tồn nguyên vẹn.
Phía sau pháp trường là cửa chuyển xác "Sigumun" (cửa Thi khu), nơi thực dân Nhật đào thành một con đường bí mật để bỏ xác người bị tử hình ra ngoài khu nghĩa địa chôn chung. Hướng dẫn viên Park Hee-ja giải thích: “Sigumun được gọi là lỗ để bỏ xác ra ngoài. Nghe nói đường hầm này khi đó được đục thủng hẳn thành lỗ lên phía bên trên nó là rừng đồi và khu nghĩa địa chôn chung. Thực dân Nhật đã bịt chỗ này để che dấu hành động dã man của mình nhưng năm 1992, cùng với việc xây dựng công viên độc lập, chính quyền của tổng thống Roh Tae-woo đã khai quật lại, và nó được đào sâu tới 40 mét. Đường hầm này để đưa xác chết tử tù ra ngoài một cách bí mật nên được gọi là cửa Sigumun.”
Bên cạnh cổng chính của nhà tù có tòa lầu gọi là "Bảo hộ các" được làm mái 2 lớp, hiên vươn thẳng ra hình chữ nhất, dài và rộng chừng 13 mét. Phía dưới của tòa lầu này chính là hầm ngục dưới lòng đất, nơi còn được gọi với cái tên là “Hang Yu Gwan-sun”. Hướng dẫn viên Park Hee-ja giải thích: “Nhà yêu nước Yu Gwan-sun ngày 1/4/1919 bị bắt về ngục giam Gongju sau đó bị tuyên án 7 năm tù về tội gây loạn, rồi được chuyển tới đây. Hiện tại ở đây có 4 buồng giam mà không ai biết liệt sĩ đã qua đời ở buồng giam nào. Nghe nói sau khi cô qua đời, chỗ đó đã bị lấp đi. Đặc điểm của phòng biệt giam này là diện tích chỉ khoảng 2m², cao 148 cm, trong khi cô có chiều cao là 169,7 cm, hoàn toàn không thể nằm được và nhà yêu nước này đã qua đời do bị tra tấn và thiếu dinh dưỡng.”
Để bỏ tù những phụ nữ tham gia phong trào vận động độc lập, năm 1916 thực dân Nhật đã cho xây nhà giam nữ giới ở dưới hầm. Chính tại nơi đây, các chí sĩ yêu nước bị tra khảo, tra tấn thảm khốc. Năm 1934, trong quá trình tu sửa nhà giam, khu giam giữ dưới hầm này đã bị lấp bỏ. Năm 1993, khi xây dựng công viên Độc lập nó đã được khai quật và khôi phục lại. Hầm giam này có diện tích là 190㎡, có 4 phòng biệt giam với kích thước 4 phía đều chưa đầy 1 mét. Khi bị chuyển về Nhà tù Seodaemun vào ngày 1/8/1919, mỗi buổi sáng và tối hàng ngày, nhà yêu nước Yu Gwan-sun đều hô vang khẩu hiệu "Độc lập muôn năm". Và cứ mỗi lần như vậy cô lại bị đưa ra tra tấn tàn bạo, bị giam cách ly vào phòng biệt giam dưới hầm. Cô đã hy sinh tại đây vào ngày 12/10/1920 lúc mới 18 tuổi.

Bảo tàng lịch sử nhà tù Seodaemun là nơi các chiến sĩ đấu tranh kháng Nhật dưới thời Nhật thuộc, các nghĩa sĩ dân tộc, nhà vận động thống nhất đất nước, nhà vận động dân chủ sau giai đoạn Hàn Quốc được giải phóng, những tù nhân chính trị hay tội phạm chống đối từng phải trải qua nhiều khổ đau và thử thách. Không gian lịch sử này đã gợi nhớ về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ cho tổ quốc, đây chính là cảm nhận của du khách sau chuyến tham quan: “Được trải nghiệm không gian lịch sử này, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc kính cẩn. Vốn chỉ nghe nói hay đọc sách, nhưng giờ tôi mới thấy các nhà yêu nước thật đáng để tự hào và ghi khắc công ơn.”; “Rất sống động. Các phòng tra tấn, phòng giam đặc biệt đều được bảo tồn, bảo quản tốt. Tôi thấy thật đau lòng. Con cái chúng ta phải sống và hiểu được những điều này. Tôi cảm nhận được nhiều, và muốn dạy cho con cái về lòng yêu nước.”

Lựa chọn của ban biên tập